Chúng tôi tìm đến khu tưởng niệm vào lúc xế chiều. Qua hầm Đờ Cát, chiếc taxi đi chậm lại. Nháo nhác nhìn quanh, anh lái xe đưa tay chỉ: Không hiểu nó có thể là chỗ kia không? Một khu đất vuông vắn rộng chừng 1.200m2, có tường bao quanh, quét vôi trắng, nằm giữa khu dân cư trông tựa như một công viên.
Chúng tôi dừng xe, bước lại gần. Cửa khóa. Không một tấm biển gắn ngoài cửa để biết đây là đâu. Nhìn qua những chấn song, thấy một chiếc tháp, nổi lên ở giữa vườn cây rất sạch có những vuông cỏ xanh mướt, bố trí khá đẹp. Tấm biển đồng gắn trên tháp quá nhỏ và gỉ loang lổ, dùng ống kính máy ảnh chụp được ở khoảng cách lớn, zoom lên cũng không đọc nổi. Chúng tôi đang lúng túng thì có mấy em nhỏ trong xóm tò mò, bước đến và cho chúng tôi biết đây chính là địa điểm chúng tôi cần tìm.
Thấy trong một góc của khuôn viên, ánh đèn vẫn sáng từ trong một phòng trực hắt ra, biết là có người chúng tôi gọi nhưng không ai trả lời. Chúng tôi lúng túng và rất sốt ruột đi vòng quanh hồi lâu và đã định liều, vượt tường vào xem, thì thật may mắn, người bảo về vừa đi đâu đó trở về. Anh vui vẻ dẫn chúng tôi vào xem và sẵn sàng kể những gì chúng tôi muốn biết.
Theo những tư liệu chính thức, trong những trận đánh ác liệt xảy ra tại chiến trường lịch sử này 60 năm trước-về phía quân đội Liên hiệp Pháp có 1.747 người chết, 5.240 người bị thương, 1.729 người mất tích và 11.721 người bị bắt làm tù binh, được ta trao trả đầy đủ cho đối phương.
Trong số những người lính Liên hiệp Pháp phải nằm lại vĩnh viễn nơi đây - người Pháp là chính, nhưng cũng còn nhiều người có quốc tịch và dân tộc khác. Có người Việt (phần nhiều là dân tộc Thái bị Pháp bắt đi lính ngay tại địa phương), các tù binh người Âu mà Pháp bắt được trong Thế chiến thứ II, gồm người Đức, người Ba Lan, Hungari, cũng như người từ các thuộc địa của Pháp ở châu Phi như Marốc, Tunisie, Sénégal, Côte d'Ivoire ...
Xét cho cùng, họ chỉ là những người lính hoặc bị ép buộc hoặc không biết làm gì hơn là lấy binh nghiệp làm phương tiện để kiếm sống. Người Pháp không đặt vấn đề tìm hài cốt những người chết trận vì ngày đó, chưa có công nghệ nhận diện qua ADN để lưu trữ và kiểm tra. Hơn nữa, họ cũng không mặn mà với những người lính đánh thuê đa quốc tịch, mà hiến pháp nước Pháp không có những điều khoản bắt buộc về nghĩa vụ của Nhà nước với binh sĩ của mình trong chiến tranh.
Trong số những hàng binh bị ta bắt sống và trao trả về cố hương, mỗi người mang theo một tâm trạng. Nhiều người ăn năn về những hành động họ đã làm. Họ da diết nhớ đến những đồng đội đã từng thề sinh tử có nhau, đồng cam cộng khổ trong những ngày gian nan nhất, chia nhau từng ngụm nước trong các chiến hào nóng như địa ngục và bên tai chát chúa những tiếng súng-mà nay vĩnh viễn gửi thân nơi đất khách quê người. Lương tâm họ bị dằn vặt, bất an, không lúc nào được thanh thản.
Trung sĩ Rolf Roder, một tù binh gốc Đức là một người như thế. Là đội trưởng một đội biệt kích (ta thường gọi là lính Commando), đại đội 10, tiểu đoàn 3, trong đoàn bộ binh lê dương số 3. Ông thường xuyên đi lại, thăm viếng bạn bè, ôn lại những kỷ niệm trong thời chiến. Những quan niệm về tâm linh, về cuộc sống của những người âm Đông phương khác với Tây phương. Ông chỉ muốn những đồng đội của mình có một nơi để những người thân còn sống có thể tới để tưởng niệm, ghi nhận họ từng có mặt giữa nhân gian. Ý tưởng ấy nhen nhóm và dần dà biến thành một việc làm mà ông tự hứa sẽ quyết tâm thực hiện. Ông đứng ra liên hệ với Hội CCB Lê dương tại Việt Nam (ANAPI) và cao hơn nữa là Tổng Hội CCB quốc gia Pháp (ANA) và Bộ Quốc phòng nhờ can thiệp để lập ra một Đài tưởng nhiệm các sĩ quan và binh lính Liên hiệp Pháp tử trận ngay tại Điện Biên. Việc làm này được đa số tán thành nhưng không phải là không có những ý kiến cực đoan, trái chiều. Họ phản đối vì cho rằng sự hiện diện của một nơi tưởng niệm ở tại địa danh này sẽ gợi lên một thất bại đau đớn, ê chề, nếu như không muốn nói là một nỗi xỉ nhục khôn nguôi đối với nước Pháp. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp đã ủng hộ: Năm 1993, phái đoàn cấp cao do Tổng thống Pháp Francois Mitterand dẫn đầu sang thăm Việt Nam. Vấn đề này là một trong những hạng mục đàm phán do phái đoàn Pháp đề xuất. Với thiện chí và lòng nhân ái, phía Việt Nam cũng đã chấp thuận.
Được Chính phủ Pháp thông báo lại, Rolf Roder rất mừng. Ông lo kinh phí với sự hỗ trợ của Hội CCB quốc gia Pháp và một số thân nhân những người đã khuất, tổ chức một đoàn sang Việt Nam và lên Điện Biên Phủ bắt tay vào việc.
Tham khảo thường xuyên ý kiến của Bộ Quốc phòng, Hội CCB Việt Nam và chính quyền huyện Điện Biên, cùng với sự nhiệt tình của tập thể người Pháp, khu tưởng niệm đơn giản nhưng trang nghiêm được hình thành. Lúc đó, nó còn nằm trên cánh đồng Mường Thanh chứ không phải một khu dân cư như bây giờ.
Qua chiếc cổng sắt có chân song thưa, khi vào tận nơi, chúng tôi có thể đọc được tấm biển đồng gắn trên đài "Dành cho các sĩ quan và binh sĩ quân đội Pháp tử trận tại Điện Biên Phủ”, dưới ngay đó là một tâm bia đá trắng nằm nghiêng một góc chừng 15 độ có khắc những dòng chữ, trên tiếng Pháp, dưới tiếng Việt: "Đài tưởng niệm này được dựng lên do sáng kiến của ông Rolf Roder-CCB Pháp, trung sĩ chỉ huy đội biệt động xung kích, thuộc đại đội 10, tiểu đoàn 4, trung đoàn 3 bộ binh lê dương đóng tại Hồng Cúm khánh thành ngày 7-5-1994, nhân dịp Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với sự hỗ trợ của Hội CCB quốc gia và Hội CCB lê dương".
Phía trước bệ của tượng đài là những tấm biển nhỏ của các đơn vị phiên chế những người đã khuất hoặc của thân nhân của họ gắn chặt trên tường với những lời tiếc thương, ở phía sau năm bát hương.
Vậy là, Đài tưởng niệm đã tồn tại đúng 20 năm về trước. Chúng tôi hình dung ra Ngày khánh thành trùng với Ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ lần thứ 40 nên có lẽ cũng khá trang nghiêm. Ngoài các quan chức Việt Nam, hẳn còn có những nhân vật quan trọng trong Đại sứ quán Pháp và ít nhất có đại diện của các đơn vị từng tham gia chiến dịch và các thân nhân của nhưng người trong quân đội Liên hiệp Pháp đã bỏ mình ở Điện Biên. Bằng chứng là những tấm biển đồng hoặc bia đá họ mang từ Pháp sang, gắn chắc bằng xi măng dưới chân tượng đài.
Anh Lò Ngọc Thuyên, một thanh niên người Thái rất nhanh nhẹn phụ trách việc bảo vệ Khu tưởng niệm đưa cho chúng tôi xem những tấm ảnh chụp ngày 8-5-2004, cho biết: Cách đây 5 năm, một đoàn Pháp từ Hà Nội lên thăm viếng và đặt mấy vòng hoa tại đây. Anh bảo, nếu anh không lầm, thì hôm ấy có Bộ trưởng quốc phòng mà anh không nhớ tên từ Pháp sang cùng các nhân viên sứ quán Pháp và những sĩ quan cao cấp thuộc một số binh chủng mà anh nhận biết qua trang phục. Mấy ngày sau họ gửi lên tặng anh mấy tấm ảnh này.
Anh cho biết thêm, vào những ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên luôn có những Đoàn nước ngoài xa xôi ngàn dặm tới thăm-chủ yếu là người Pháp-và đặt hoa tưởng niệm. Khách du lịch đôi khi có những người nước khác nữa đến viếng, có thể vì sự tò mò, xem lời đồn có thực hay không: Một đài tưởng niệm dành cho đối phương đâu phải là chuyện thường gặp trên thế giới? Phải có tấm lòng bao dung đến thế nào mới có cách ứng xử độ lượng và nhân văn như vậy?
Song nếu ai đã biết đến văn hóa Việt Nam, có lẽ sẽ thấy điều ấy không quá xa lạ ở dân tộc này. Lòng thương cảm xót xa đối với những kẻ "Khi thất thế tên rơi đạn lạc, Bãi sa trường thịt nát máu rơi, Mênh mông góc bể chân trời, Nắm xương vô chủ biết rơi chốn nào", hoặc đối với những sinh linh "Hồn đơn, phách chiếc lênh đênh quê người" chẳng đã từng được thi hào Nguyễn Du chiêu hồn, cầu siêu cho trong "Văn tế thập loại chúng sinh" đó sao ?
Thấy chúng tôi ngạc nhiên quan sát sự hiện diện của 5 chiếc bát hương với chân nhang còn mới, anh Thuyên giải thích: "Đương nhiên, trong phong tục dân gian của những người được tưởng niệm, chỉ có nến và hoa mà không có hương, nhưng chúng tôi thấy nếu thiếu mùi hương thơm ngát và những làn khói mờ ảo vẫn không gợi lên một cái gì đó trong đời sống tâm linh để "giao lưu" với những người ở thế giới bên kia. Thế nên những ngày rằm, mồng một chúng tôi (các anh có ba người, chia ngày để trực quanh năm) đều thắp cho họ những nén hương.
Anh nói đùa: Những buổi tối trăng thanh, thắp hương lên ngồi dưới bệ đá này, trong khung cảnh vắng vẻ, chúng tôi cảm thấy dù âm dương cách biệt, ngôn ngữ bất đồng nhưng vẫn có cảm giác "thấy hiu hiu gió là hay "họ" về (lẩy Kiều)...
Một người trong đoàn châm mấy điếu thuốc, cắm xuống những chiếc chân nhang.
Tạm biệt Điện Biên tôi luôn trăn trở: Quá khứ đã khép lại. Các đoàn CCB ở hai bên chiến tuyến vẫn thường xuyên có những cuộc gặp gỡ, bùi ngùi xúc động bắt tay nhau, huồng hồ với những người đã khuất.
Tuấn Phong