Một bản thông báo hoàn toàn phù hợp luật pháp
Bằng việc ra Thông báo về tổ chức khủng bố “Việt tân” (Thông báo), Bộ Công an Việt Nam đã trực tiếp khẳng định người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ của “Việt tân”; tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện do “Việt tân” tổ chức; hoạt động theo sự chỉ đạo của “Việt tân”,… sẽ đồng phạm tội khủng bố, tài trợ khủng bố và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vì thế, việc có một số người lập tức phủ nhận Thông báo này là dễ hiểu. Một số kẻ cầm đầu tổ chức khủng bố “Việt tân” và một số người hùa theo để vu cáo Bộ Công an Việt Nam. Trước hết, phải nói rằng họ mập mờ trong việc không phân biệt sự khác nhau giữa một tổ chức hay hội nhóm với một đảng phái chính trị. Dù “Việt tân” có tên đầy đủ là “Việt Nam canh tân cách mạng đảng” thì về phương diện pháp lý của Mỹ, của Việt Nam, của các quốc gia khác cũng như trên thực tế, kể từ khi thành lập - năm 1981, “Việt tân” chưa bao giờ là một đảng phái mà là một tổ chức có tham vọng chính trị. Theo các chứng cứ từ cơ quan chức năng của Việt Nam, để đạt mục đích chính trị, “Việt tân” đã thực hiện nhiều hành động khủng bố chống lại Nhà nước Việt Nam. Cho nên, cùng với Thông báo, cổng thông tin điện tử Bộ Công an còn đính kèm Bản án xét xử về tội “khủng bố” một số đối tượng cầm đầu “Việt tân” do TAND TP Hồ Chí Minh ra Quyết định vào ngày 13-5-2008. Đó chính là án lệ cho thấy một loại tội phạm đã bị cơ quan tư pháp - nơi đủ thẩm quyền xem xét công dân hoặc tổ chức nào đó có vi phạm pháp luật Việt Nam hay không, đã kết luận và Thông báo của Bộ Công an, là cụ thể hóa một kết luận của cơ quan tư pháp Việt Nam.
Cho đến nay, chưa có một định nghĩa “thế nào là tổ chức khủng bố” được cộng đồng quốc tế công nhận, mang tính bắt buộc. Song về cơ bản, một tổ chức khủng bố vẫn được hiểu là một liên kết có tính tổ chức, có kế hoạch lâu dài của một nhóm người, mọi thành viên đều phục tùng tiêu chí chung; bằng hành động khủng bố và phương thức khủng bố, mọi thành viên cộng tác để theo đuổi mục đích chung. Việc khó có một định nghĩa phổ quát về khủng bố có căn nguyên từ việc mỗi quốc gia có định nghĩa khác nhau. Sự khác nhau này xuất phát từ quan điểm chính trị, hệ thống pháp lý ở mỗi quốc gia. Ở Mỹ có một số định nghĩa khủng bố khác nhau vì một số cơ quan chính quyền đưa ra định nghĩa riêng. Các tổ chức quốc tế cũng có danh sách khác nhau liên quan tổ chức khủng bố. Thí dụ, Liên hợp quốc (LHQ) không ban hành danh sách chung về các tổ chức khủng bố; tuy nhiên, dựa trên Chương VII - Hiến chương LHQ, Nghị quyết 1267 và một số nghị quyết được thông qua đã yêu cầu các quốc gia thành viên cam kết áp đặt lệnh trừng phạt với các cá nhân hoặc nhóm có liên quan đến Al-Qaeda, Taliban, kèm theo là danh sách tên người, nhóm người có liên quan. Đến nay, danh sách đã được thay đổi bằng cách điền thêm hay xóa bớt, như năm 2010, LHQ xóa tên năm người trước đây là chỉ huy Taliban ra khỏi danh sách khủng bố. Sau sự kiện ngày 11-9-2001 ở Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU) đã ban hành Chỉ thị 2580/2001/EC và 881/2002/EC, trên cơ sở đó EU đã công bố danh sách khủng bố. Tuy vậy, vẫn có ý kiến phê phán danh sách của EU và danh sách của LHQ, vì cho rằng quyền lợi chính trị, kinh tế và địa chính trị đã tác động đến việc đưa vào hay xóa khỏi danh sách. G.Staberock (G.Sta-bê-rốc), Giám đốc Chương trình an ninh toàn cầu và pháp luật tại Ủy ban Quốc tế các luật gia (ICJ - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ) cho rằng, danh sách 1267 của LHQ là “một lỗ đen”, dù có một số sửa đổi nhưng cơ bản vẫn là một khu vực hầu như vô luật. Một thí dụ là năm 2015, Nga đã đề xuất coi tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo - IS, là một tổ chức độc lập, riêng biệt trong danh sách khủng bố, nhưng Mỹ và các thành viên phương Tây tại Hội đồng Bảo an LHQ đã dùng quyền phủ quyết để bác bỏ. Sau khi cuộc nổi dậy của người Pa-le-xtin chống lại sự chiếm đóng của I-xra-en (còn gọi là Intifada lần thứ nhất) bắt đầu, ngày 14-12-1987, tổ chức Hamas được thành lập, với mục tiêu lâu dài là thành lập một nhà nước Hồi giáo của người Pa-le-xtin trên vùng lãnh thổ được hoạch định trước năm 1948. Hamas không chỉ là phong trào quân sự, trên thực tế còn hoạt động khá rộng rãi trong lĩnh vực xã hội. Trong khi Anh, Ai Cập, Ca-na-đa, Đức, Gioóc-đan, Ô-xtrây-li-a, I-xra-en, Nhật Bản và Liên hiệp châu Âu liệt Hamas vào danh sách khủng bố, thì Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, Thụy Sĩ lại có đánh giá và xử sự ngược lại. Thậm chí, Thụy Sĩ không cấm, mà còn duy trì quan hệ ngoại giao với Hamas.
Ở phương Tây, chỉ tòa án mới có quyền quyết định đưa một đảng phái chính trị vào danh sách những tổ chức bị cấm đoán. Còn Bộ trưởng Bộ Nội vụ là người có thẩm quyền đưa một tổ chức hay một hội nhóm vào danh sách tổ chức khủng bố. Ở CHLB Đức, theo điều 21, Đạo luật cơ bản (Hiến pháp Liên bang), trách nhiệm cấm một đảng chính trị thuộc về Tòa án Hiến pháp liên bang - tòa án cao nhất. Hiện một thủ tục thụ lý đơn đề nghị cấm đảng Dân chủ Quốc gia Đức (NPD - đảng cực hữu ra đời năm 1964) đang được tiến hành. Còn việc đưa một tổ chức hay nhóm nào đó vào danh sách tổ chức khủng bố do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên bang quyết định (ở Đức không có Bộ Công an); tòa hình sự có trách nhiệm xem xét, phán quyết hình phạt với các tội: thành lập tổ chức khủng bố, ủng hộ, quảng bá cho tổ chức khủng bố, thực hiện hành động khủng bố… Giữa các nước cũng có các quy định pháp lý khác nhau trong việc trừng phạt tổ chức khủng bố. Ở Đức, từ năm 1976 mới có khái niệm pháp lý “tổ chức khủng bố” quy định tại điều 129a của Bộ luật Hình sự, gọi là “tội thành lập các tổ chức khủng bố”. Theo đó, nếu là thành viên của tổ chức khủng bố sẽ bị trừng phạt từ 1 tới 10 năm tù; ủng hộ hay quảng bá cho tổ chức khủng bố sẽ bị phạt tiền hoặc 6 tháng tù. Bộ luật Hình sự của Đức có phân biệt giữa tổ chức tội phạm theo điều 129 và tổ chức khủng bố theo điều 129a. Ở Áo, Bộ luật Hình sự quy định về tổ chức tội phạm theo điều 278, định nghĩa thế nào là hành động khủng bố tại điều 278c, tài trợ khủng bố theo điều 278d. Ở Thụy Sĩ, ngoài tổ chức khủng bố Al-Qaeda, không có một tổ chức nào khác bị cấm.
Một sự kiện xảy ra ở Đức có liên quan ông A.Holm (A.Hôm, sinh năm 1970) cho thấy sự khác biệt giữa tổ chức tội phạm với tổ chức khủng bố, cũng như sự cảnh giác của cơ quan quyền lực đối với các tổ chức khủng bố. A.Holm là nhà xã hội học làm việc tại Đại học Tổng hợp Humboldt Berlin, đã tiến hành nghiên cứu vấn đề đổi mới, chỉnh trang đô thị, so sánh quốc tế trong chính sách nhà ở. Ngày 31-7-2007, ông bị cảnh sát bắt vì một số thuật ngữ kỹ thuật ông sử dụng trong công trình nghiên cứu của mình được phát hiện trong một bức thư có tính cách tuyên bố của một nhóm chống đối có dùng vũ lực và nhóm này bị nghi ngờ đã có hành động khủng bố. Dù chỉ sau một thời gian ngắn được thả tự do, nhưng gần ba năm sau khi bị bắt, ngày 5-7-2010 thủ tục điều tra chống lại ông A.Holm mới kết thúc. Một dẫn chứng mới nhất ở Đức là ngày 16-3-2016, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang ra thông báo về việc đưa ban nhạc “Những con chó sói trắng” (WWT) vào danh sách tổ chức khủng bố bị cấm vì có hoạt động trái ngược các nguyên tắc Hiến pháp. Một tổ chức khủng bố ở Đức có thể coi tương tự “Việt tân” là nhóm Sauerland (Sauerland-Gruppe) tồn tại đến năm 2007, đó là một bộ phận của tổ chức khủng bố Hồi giáo Jihad Union (IJU) hoạt động ở biên giới giữa Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan. Ngày 4-9-2007, các thành viên của tổ chức này ở Đức bị bắt, và ngày 4-3-2010, bị tuyên án, hình phạt cao nhất là 12 năm tù. Đài truyền hình WDR đã đăng trên trang mạng một biên niên sử về quá trình truy cứu trách nhiệm của tổ chức khủng bố này.
Về phương diện pháp lý, Thông báo về tổ chức khủng bố “Việt tân” của Bộ Công an Việt Nam hoàn toàn phù hợp luật pháp Việt Nam, và phù hợp luật pháp quốc tế. Những năm vừa qua, thành viên và người ủng hộ tổ chức này đã bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam, vì thế Thông báo là hoàn toàn đúng nghĩa như ngôn từ đã được sử dụng để mọi người biết rõ bản chất, mức độ nguy hiểm của “Việt tân”, và không phải là phán quyết mới của Bộ trưởng Công an Việt Nam. Việc ra Thông báo là xuất phát từ thực tế gần đây nhiều sự kiện, hiện tượng chống đối, kích động, gây mất ổn định, trật tự, an ninh xã hội xảy ra ở Việt Nam có liên quan tổ chức khủng bố “Việt tân”. Vì thế, việc K.Adams (K.A-đam) - người phát ngôn Văn phòng Đông-Nam Á, Bộ Ngoại giao Mỹ, trả lời Reuters nói rằng, tổ chức này “không nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố theo luật của Mỹ”, về phương diện luật pháp, điều này có thể đúng với luật pháp Mỹ, nhưng không liên quan đến việc cơ quan tư pháp, hành pháp Việt Nam khẳng định “Việt tân” là một tổ chức khủng bố, mọi cá nhân, tổ chức liên quan “Việt tân” sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam. Cho nên, dù một số người dùng kỹ xảo trong lập luận, thậm chí vin vào luật pháp của Mỹ để che đậy mưu đồ đen tối và bộ mặt thật của tổ chức khủng bố “Việt tân”, hoạt động của tổ chức này tại Việt Nam vẫn phải đối diện với luật pháp Việt Nam.
Theo Báo Nhân Dân