Mong gặp lại đồng đội tiểu đoàn cao xạ năm xưa (23/07/2010)
Cuối năm 1964, Tiểu đoàn 14 pháo cao xạ, thuộc Sư đoàn 312 được lệnh bổ sung vào chiến trường, nhiều năm tham gia chiến đấu bên nước bạn Lào. Để bảo đảm thuận lợi trong chỉ huy chiến đấu, tiểu đoàn được biên chế về Bộ tư lệnh Quân khu 4, với phiên hiệu tiểu đoàn 1, do đồng chí Nguyễn Bách làm tiểu đoàn trưởng, có nhiệm vụ bảo vệ trọng điểm dốc Ba Na Phào trên đường 12 bên nước bạn Lào. Ngày 1-4-1965, tiểu đoàn đánh một trận quyết liệt, lập công lớn, bắn rơi 4 máy bay Mỹ, trong đó có 3 chiếc F4 và một chiếc AD6. Cuối tháng 4-1965, tiểu đoàn kéo pháo về khu vực ngã ba Lằng Khằng (nơi giao nhau của đường 12 và đường 9B); ngày 9-5-1965, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F105D, phi công nhảy dù và tử vong.
Đầu tháng 1-1966, tiểu đoàn (do đồng chí Trần Trượng làm tiểu đoàn trưởng, đồng chí Hoàng Đình Ón làm chính trị viên, đồng chí Loan làm tiểu đoàn phó) được lệnh cơ động bảo vệ ngầm Pắc Pha Năng bên nước bạn. Ngày 27-2-1966, trong trận chiến đấu ác liệt, đồng chí Ngữ, chính trị viên phó đại đội 1 hy sinh; tiểu đoàn bắn rơi tại chỗ một máy bay, phi công nhảy dù và thiệt mạng tại khu vực ngầm Pắc Pha Năng (sông Sê Băng Hiêng). Tháng 10-1969, tiểu đoàn mang phiên hiệu Tiểu đoàn 8 (trực thuộc Bộ tư lệnh 559) nhận thêm pháo cao xạ 37mm và hành quân vào khu vực dốc 27, phối thuộc với Binh trạm 42 (Đoàn 559) bảo vệ trọng điểm ngã ba La Hạp. Khi đó, tôi làm tiểu đoàn trưởng, các đồng chí Trụ, Dậu, Trân làm đại đội trưởng.
Tại trọng điểm này, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn chiến đấu rất dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay, trong đó phục kích bắn rơi tại chỗ một chiếc F105; đặc biệt, đúng đêm Nô-en 25-12-1971, tiểu đoàn bắn rơi chiếc máy bay C130. Sau đó, tôi được trên điều động nhận công tác tại Trung đoàn 593 cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Khi chia tay tiểu đoàn, tôi gửi lại cuốn nhật ký mà tôi ghi đều đặn các sự kiện, các trận chiến đấu của tiểu đoàn trong suốt 7 năm.
Năm 1979, tôi chuyển ngành theo chủ trương tăng cường cán bộ cho cấp huyện và công tác cho đến khi nghỉ hưu. Hiện gia đình tôi trú tại số nhà 87, tổ 15, phường Nông Tiến, thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Gần 40 năm đã qua, tôi không nhận được tin tức về đơn vị cũ, không biết cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn ai còn, ai mất hoặc chuyển ngành, phục viên, về hưu… Qua bài báo này, tôi mong tìm gặp lại các đồng chí, đồng đội từng sát cánh chiến đấu nhiều trận, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, để có dịp gặp gỡ, ôn lại một thời oanh liệt của tiểu đoàn.
Phạm Ngọc Viện (Nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8, Bộ tư lệnh 559)