Mối tình Nam tiến (01/09/2011)

Tôi là bộ đội Nam tiến ngay sau ngày thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ (23-9-1945). Chiến đấu ở mặt trận Nha Trang, Khánh Hoà, tôi bị thương nặng, phải cưa đi một cánh tay, song rất may mắn vẫn được phục vụ trong quân ngũ, thuộc Liên trung đoàn 80-83.

Tháng 5-1990, đơn vị tôi chuyển về đóng ở ba xã Xuân Sơn, Xuân Long và Xuân Quang, thuộc huyện Đồng Xuân (Phú Yên). Đây là vùng tiếp giáp với tỉnh Đắc Lắc, một trong những hậu phương kháng chiến của cả hai tỉnh, và chúng tôi ở đây, song chính là lực lượng tăng cường lên xây dựng phong trào cho Đắc Lắc. Tôi ở nhà má Năm. Nhà má rất nghèo, sinh được 5 cô con gái. Người con gái lớn của má năm ấy mới 18 tuổi, là cô Ba Thơm. Cha mất từ năm Thơm mới 13 tuổi, nên mọi gánh nặng gia đình đều đặt lên đôi vai cô. Cảnh mẹ goá con côi ở vùng đất nghèo heo hút này thật cơ cực, song tình cảm của gia đình má Năm dành cho cách mạng vẫn rất thuỷ chung, sâu nặng. Thấy tôi là chỉ huy đơn vị, lại là thương binh, má Năm nói để má nấu ăn hàng ngày cho tôi luôn, khỏi phải đến bữa lại tới bếp tập thể. Lúc đầu, tôi đưa tiền má không chịu nhận. Má nói : "Những người mẹ chiến sĩ nhận nuôi bộ đội có ai lấy tiền đâu". Tôi phải thưa với má: "Đây là phần tiêu chuẩn ăn của con, nếu má không nhận thì con cũng không dám ăn cơm ở nhà". Nói mãi, má mới chịu. Những ngày ăn ở cùng với gia đình, tôi càng quý má và càng cảm phục Ba Thơm. Là chị lớn, phải tần tảo cùng má nuôi đàn em nhỏ, song Thơm vẫn hăng hái tham gia các phong trào thanh niên của xã. Không ít trai làng, cả cán bộ quân đội, trong đó có mấy anh "súng lục trễ bên hông” vẫn lui tới gặp Thơm, Thơm rất niềm nở với mọi người, nhưng vẫn giữ một khoảng cách, chưa tỏ mặn mà với riêng ai. Là một chàng trai chưa vợ, lúc này đã ở tuổi 25, lại xa nhà, xa quê đã lâu, dẫu đang mải mê với nhiệm vụ, nhưng từ lúc gặp Thơm, tôi bỗng có cảm giác khác thường không giống như bao cô gái khác đã gặp. Tôi hay nghĩ đến Thơm, nhất là những lúc đi xa. Với tôi, Thơm cũng tỏ ra chăm sóc đặc biệt: Quần áo tôi thay buổi sáng chưa kịp giặt, chiều về đã thấy được gấp gọn ghẽ ở giường, thơm thơm mùi nắng. "Trời, để anh giặt, anh làm quen rồi, Thơm còn bao nhiêu việc!" - Tôi kêu vậy, thì Thơm cười đáp lại: "Thì giặt cho anh cũng là một công việc chớ bộ!'. Chắc Thơm thấy tôi chỉ còn một tay mà tự giặt quần áo sẽ vất vả chăng? Chỉ với những sự giúp đỡ nhẹ nhàng như vậy, mà Thơm khiến tôi càng ngày càng thấy tình cảm của mình gắn bó với Thơm. Có lần, nhân lúc vắng, tôi hỏi "Cô Ba có thương tôi không?". Nói ra câu này tôi rất hồi hộp, lo ngại, vì tôi hiểu chữ "thương" nói theo tiếng miền Nam có nghĩa là "yêu". Liệu Thơm sẽ trả lời tôi như thế nào đây? Thơm im lặng, cúi đầu, lát sau mới nhỏ nhẹ đáp rồi vội vã quay đi. "Thương hay không thì anh biết chớ!". Từ bữa ấy, tôi thấy thái độ của Thơm với tôi có khác: Chăm sóc hơn, nhưng cũng kín đáo hơn; có bữa Thơm để má Năm mang cơm lên cho tôi, còn Thơm chỉ ở dưới bếp. Những thay đổi đó, khiến tôi càng "gờm" vì không hiểu ra sao cả...

Cho đến đợt tôi đi chiến dịch Nguyễn Huệ. Thấy tôi đã hơn một tháng chưa về, Thơm đi tìm thăm. Tôi đang ở trong một gia đình gần chợ Phong Niên, đi cơ sở gần tối mới về. Thơm đang ăn cơm với chủ nhà, vừa thấy tôi, buông đũa, quay đi khóc. Tôi thật sự bất ngờ. Thì ra Thơm đã đến đây từ đêm qua, phải ngủ qua đêm ở chợ, sáng mới tìm được vào nhà, thì tôi vừa đi. Sau lần ấy trở về, má Năm bảo "Nếu hai đứa bay thật sự thương nhau, thì má cũng đồng ý. Liệu mà lo sớm đi!". Chắc má biết chuyện, đi, ở của bộ đội thời chiến thất thường, nên rất thông cảm. Má nói gia đình cũng chẳng đòi hỏi gì, chỉ mong sao chúng tôi được hạnh phúc, tôi vẫn đi làm nhiệm vụ, nhưng có một tổ ấm mà đi về. Tôi rất mừng báo cáo ngay chuyện riêng của mình với tổ chức. Chiến dịch Nguyễn Huệ kết thúc, tôi về dự tổng kết ở Gò Trai (nay là Xuân Sơn Bắc), có ghé về thăm nhà. Má Năm hỏi : "Con về kỳ này được bao lâu?". Tôi thưa: "Dạ, được ba ngày!". Má suy nghĩ một lát rồi nói: "Tụi bây lo cưới đi cho má yên tâm". Nhân có các anh Lư Giang, Đàm Quang Trung về dự tổng kết, tôi báo cáo và xin ý kiến, các anh nhiệt liệt ủng hộ, anh Lư Giang còn nhận làm chủ hôn. Thế là lễ cưới được nhanh chóng tổ chức. Mấy bà mẹ chiến sĩ trong đó có bà mẹ nuôi của tôi ở An Chấn lên lo giúp cỗ cưới. Mọi việc diễn ra suôn sẻ và vui. Gia đình làm mấy mâm mời họ hàng và lãnh đạo địa phương, cùng một vài cán bộ đơn vị. Mọi người chúc mừng tôi "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ", có cả văn nghệ "cây nhà lá vườn" góp vui. "Nước sông Ba đổ xuống Đà Rằng - Ai thương Đắc Lắc cho bằng Phú Yên " - Câu ca dao quen thuộc nói lên tình nghĩa gắn bó sắt son giữa hai miền quê núi và biển trong những ngày gian khó, tôi đọc cho Thơm nghe hôm nào, bữa đó cũng được một giọng hò rất mùi mẫn ngân vang. Chả cùng một con sông, nhưng đoạn ở Đắc Lắc có tên gọi là sông Ba, khi chảy về Phú Yên để đổ ra biển Đông, lại gọi là sông Đà Rằng. Câu ca dao thật hợp với hoàn cảnh và tình yêu của chúng tôi, vì lúc này, trên danh nghĩa tôi vẫn là một cán bộ quân đội của Đắc Lắc!.

Võ Bá Lộng & Nguyễn Gia Nùng