Mối tình đầu nơi … chiến trận
Đời thường chị Nguyễn Thị Lưu rất sôi nổi, mạnh mẽ, nhưng khi ngồi kể lại câu chuyện tình trước ngày 30/4 giọng chị lại chùng xuống “ Đất nước hòa bình thống nhất nhưng người chị yêu không còn trở về, buồn lắm chú ạ; mỗi khi đến dịp kỷ niệm ngày chiến thắng là chị lại bồi hồi, xúc động...”
Cách đây 48 năm, Chị Lưu là chiến sỹ nuôi quân, chăm sóc thương, bệnh binh thuộc đại đội 72, bệnh xá Trung đoàn 515 thuộc Sư đoàn 473, Binh đoàn Trường Sơn 559. Bệnh xá chốt bên con đường 14 gần một cánh rừng già thuộc huyện A Lưới, tỉnh Quảng Trị; với nhiệm vụ thu dung và điều dưỡng thương binh, bệnh binh. Đó là những ngày đầu xuân năm 1975, khí thế tổng tiến công thần tốc lan tỏa khắp mọi miền đất nước, nhất là ở chiến trường miền Nam, đâu đâu cũng vang lên khẩu hiệu, mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh “ Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa “ để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mệnh lệnh đó đã làm dấy lên trong lòng cán bộ, chiến sỹ Binh đoàn Trường Sơn tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin vào ngày chiến thắng đang đến rất gần.
Chị Lưu kể “ vào buổi trưa ngày 13 tháng 3 năm 1975, bộ phận hậu cần dọn dẹp nhà bếp để về nghỉ trưa thì có một đơn vị bộ binh hành quân đi qua. Anh em dừng chân vào mượn nồi để nấu ăn. Đơn vị giao cho tôi vừa giúp nhặt rau, vừa “ canh “ xoong nồi; chả là các lần trước cho mượn rồi họ không trả… Trong lúc đang nhặt rau vô tình tôi nhìn thấy một anh bộ đội trông rất quen, chỉ trong tích tắc hai chúng tôi đều nhận ra nhau. Tôi hỏi: Anh Đệ, anh Đệ phải không? Anh Đệ cũng reo lên “ Anh đây “. Tôi không nghĩ sao lúc đó chúng tôi lại ôm nhau được ở giữa “ ba quân".
Xóm Bình Dương, xã Thạch Hội một vùng đất cát cằn khô, quanh năm lao động vất vả mà cơm vẫn không đủ ăn, áo không đủ mặc. Chúng tôi cắp sách đến trường và phụ giúp bố mẹ chăn trâu, thả bò; tôi biết anh Đệ từ những ngày tháng đó, anh ở làng trên, tôi ở xóm dưới. Rồi đến giữa mùa Thu năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh Đệ lên đường nhập ngũ, rời ghế nhà trường giữa lúc đang còn học giang dở. Giờ chia tay anh nhìn tôi muốn nói điều gì mà sao anh không nói. Tôi thầm nhớ, thầm thương yêu anh nhưng cùng không nói được lời nào…
Trong giờ nghỉ trưa hiếm hoi, tôi và anh nói chuyện về quê hương, gia đình và những kỷ niệm về bè bạn. Tự nhiên, Anh nắm lấy tay tôi rồi nói “ chờ anh nhé, hòa bình chúng mình sẽ cưới nhau". Năm ấy anh Đệ 23 tuổi, nhưng nhìn anh già hơn so với tuổi tác, da đen xạm, gầy và xanh; còn tôi mới bước sang tuổi 19. Tôi hỏi anh: “ hành quân xa nữa không “, anh trả lời “ chắc còn xa em ạ". Bí mật quân đội nên anh không nói nhiều, chỉ cho biết đã hành quân hơn hai tháng rồi. Tôi hỏi anh có nhận được thư nhà không, tôi thấy anh hơi buồn và trả lời: đơn vị anh hành quân liên tục trên đường suốt mấy tháng nay có thời gian đâu mà thư từ hả em. Câu hỏi vô tình của tôi làm anh nhớ tới quê nhà, nhớ cha mẹ già còng lưng chống gậy đang chờ anh. Kể chuyện về cha mẹ, về quê hương tôi thấy anh buồn, chắc là anh nhớ ba mẹ lắm nên tôi hỏi sang chuyện khác… “ sao anh không đeo quân hàm “, “ quân hàm gì, đơn vị anh đi chiến đấu suốt có phong quân hàm đâu, chắc đến ngày giải phóng sẽ phong vượt cấp luôn". “còn em thì sao", “đây cũng vậy, có người 5 năm rồi vẫn Binh Nhất". Để lộ hàm răng trắng tinh trên khuôn mặt đen kịt như người châu phi, anh cười nói “ gặp được em anh mừng quá, em có hay bị sốt không “, tôi trả lời “ anh nhìn em thì biết “. Tôi lúc đó da xanh sạm, mắt trắng, môi thâm trông thật dễ sợ. Bọn con gái chúng tôi ở rừng, nằm võng, nằm hang, sống chung với Bọ chét, muỗi rừng, sên vắt, bị thương, sốt rét như cơm bữa. Anh không chê tôi mà nói với giọng chân thành “Tổ quốc thân yêu đang cần những con người như chúng mình, vượt lên em nhé".
Phút gặp nhau vội vàng, lệnh hành quân đã đến, chúng tôi chia tay nhau giữa đại ngàn Trường Sơn. Tôi chực trào nước mắt, còn anh một mạch cùng đơn vị hành quân không ngoảnh lại. Bóng anh xa dần rồi từ từ mất hút. Ôi tình yêu, tình yêu như một ngọn lửa hồng, nhưng ngọn lửa hồng đó trong trái tim người chiến sỹ cách mạng là ngọn lửa đấu tranh, rừng rực cháy; đó là tình yêu tổ quốc, yêu nhân dân, yêu hòa bình. Tình yêu đó mới thực sự quý giá và thiêng liêng biết nhường nào. Dẹp bỏ tình trai gái, chon cho nhau một lẽ sống cuối cùng là miền Nam giải phóng. Thế rồi ngày tiếp ngày chúng tôi không biết được tin nhau. Chiến trường thì rộng mênh mông, các đơn vị quân đội đang ra sức thực hiện mệnh lệnh thần tốc. khí thế tiến công mạnh như chẻ tre, chiến thắng giòn giã từng ngày, từng giờ. Tôi tự hào nghĩ đến anh, giờ này chắc anh cùng đồng đội đang chiến đấu, chiếm lĩnh từng cứ điểm của giặc, dành lại từng tấc đất yêu thương. Tôi càng ra sức làm tốt công tác chăm sóc thương binh để họ mau chóng hồi phục sức khỏe, trở lại chiến trường đánh giặc. “ Trường sơn Đông, Trường sơn Tây, hai đứa ở hai đầu xa thẳm…” nhưng chúng tôi cùng một ý chí, cùng thực hiện mệnh lệnh “ táo bạo, thần tốc “ của Quân ủy Trung ương, của Bộ Tổng tư lệnh, quyết tâm làm tốt nhiệm vụ quyết chiến và toàn thắng. Thế rồi, tinh thần dũng cảm hy sinh, tình yêu quê hương đất nước của quân và dân ta cũng được đền đáp bằng đại thắng mùa xuân năm 1975.
Hòa binh được lập lại trên toàn đất nước, niềm vui của người chiến sỹ lúc này thật là khó tả. Tiếng cười vang lên, những giọt nước mắt lại chảy xuống. Cười vì thắng lợi đã về ta, nước nhà đã hoàn toàn thống nhất; nước mắt chảy vì đồng đội hy sinh quá nhiều. Lúc này anh đang ở đâu, để chia vui sẻ buồn, cùng ăn bát rau rừng mừng chiến công oanh liệt. Ta sắp được gặp nhau rồi, ta sẽ bù lại cho nhau như những gì anh đã hứa, anh sẽ không để tôi chịu thiệt thòi nữa. Thế mà vào một ngày đầu năm 1976 tôi được về phép thăm nhà, đi tìm anh thì mới biết anh đã hy sinh vào ngày cuối cùng của cuộc chiến. Tôi bàng hoàng không cầm được lòng mình, tôi khóc như chưa bao giờ được khóc. Anh ơi, chiến thắng rồi, đất nước đã bình yên mà anh ở đâu. Sao anh không về nơi có mẹ già đang trông anh mòn mỏi, bên lũy tre làng em vẫn đợi chờ anh. Quê hương mình đã đổi mới đi lên, không còn cảnh thay cơm bằng khoai sắn, cát bạc cằn khô như ngày xưa nữa ạ.
Tôi đến nhà tưởng niệm để thắp nén hương, nơi đó tên anh in dòng đậm nét, Liệt sỹ Nguyễn Hữu Đệ. Ôi Tổ quốc thân yêu không chỉ dành lại bằng máu thịt của biết bao thế hệ anh hùng, mà còn đánh đổi cả những mối tình đẹp đẽ của lứa tuổi thanh xuân đầy hứa hẹn một tương lai…
48 năm đã qua, giờ chị đã có gia đình, con cháu; nhưng mỗi năm đến dịp kỷ niệm ngày chiến thắng 30/4 và ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 là lòng chị lại trào dâng nỗi niềm, nhớ về mối tình đầu nơi chiến trận, nhớ về người mình yêu đã dâng trọn cuộc đời cho đất nước, quê hương.
Lê Anh Thi