Mối tình của hai người Anh hùng

Mối tình của chị Thùy và anh M. đã được đề cập trên báo, đài. Nhưng có thể nhiều người vẫn còn đặt dấu (?) về nhân vật M. và chuyện tình của anh chị.
Năm 2012, là người của Nhà xuất bản QĐND, chịu trách nhiệm xuất bản cuốn sách "Hai người lính con già Khương", tôi mới tường tỏ nhân vật M. là viết tắt "Đỗ Mộc" - bí danh của anh Khương Thế Hưng - con trai của cố nhà thơ Khương Hữu Dụng. Đọc bản thảo và tìm hiểu thêm về anh Khương Thế Hưng, khi đó tôi đã nuôi ý tưởng viết bài báo có tên là "Mối tình của hai người Anh hùng", nhưng rồi vì nhiều thứ nên chưa thực hiện được.
Thay cho việc giới thiệu khái quát về anh Khương Thế Hưng, tôi xin được mượn một đoạn trong lá thư của Trung tướng Lê Hai - nguyên Phó chủ nhiệm TCCT, gửi cho gia đình anh Hưng vào tháng 6-2009 (sau khi anh Hưng mất):
"... Cả cuộc đời anh Khương Thế Hưng là cuộc đời một chiến sĩ, một lối sống "mình vì mọi người", chân thật, hết lòng, khi sống và chiến đấu quyết liệt ở chiến trường cũng như khi anh phải xa rời cây súng trở về hậu phương công tác, lặng lẽ đấu tranh gian khổ với di chứng nặng nề của thương tật và chất độc da cam. Anh luôn quan tâm chu đáo, chăm lo cho mọi người mà không bận tâm lo cho mình. Là một chiến sĩ anh hùng trong chiến đấu nhưng đã không kê khai thành tích để được phong Anh hùng. Bị thương nhiều lần, một số lần rất nặng, nhưng không hề giám định thương tật để được hưởng chế độ thương binh. Là tác giả của bản nhạc điệu múa Chàm Rông nổi tiếng, nhưng anh không hề bận tâm khi người khác mạo nhận là tác giả. Sự khiêm nhường, quên mình rất tự nhiên, hồn nhiên, vô tư của anh thực ra là biểu hiện của một quan niệm sống, một lối sống cao đẹp với lý trí sâu sắc của một "Kẻ sĩ Đàng Trong...".
Về mối tình của anh Hưng và chị Thùy, hay đúng hơn là chính kiến về tình yêu trong chiến tranh của anh Hưng, Báo CCB xin được giới thiệu một lá thư anh Hưng gửi từ chiến trường Quảng Ngãi cho em gái ở Hà Nội, lý giải vì sao anh lại lạnh lùng trước tình cảm của chị Thùy, để bạn đọc chia sẻ (Thư đã được đăng trong cuốn "Hai người lính con già Khương"):
Duy Tường - người dẫn.

"Tháng 6-1967.
Út Lớn yêu thương,
... Anh vừa nhận được thư Út Lớn... Trong thư nọ, em tỏ ra giận dỗi anh nhiều, trách móc và nói khá nặng lời trong khi phát biểu về vấn đề Th. (Đặng Thùy Trâm -BT). Anh cứ nghĩ, em lớn rồi mà sao ít hiểu anh, em cũng như K.(Khương Băng Kính - em gái anh Hưng - BT) cứ muốn can thiệp vào cuộc sống riêng của anh theo ý muốn chủ quan của các em trong khi chưa hiểu gì anh về việc đó cả...
Bây giờ anh nói với em về chuyện Th.

  • Thực ra không có chuyện gì cả. Hay đúng ra là vì có Th. ở miền Bắc vào nên ở ngoài Bắc trong Nam bỗng dưng có chuyện Th. Ngày xưa, chuyện không có gì đáng để nói. Đó mới là sự nhạy cảm bắt mồi của những ước mơ, hoài bão, những ước mơ, hoài bão của tuổi hai mươi dưới chế độ XHCN. Nếu từ sự gặp gỡ của những ước mơ mà nói rằng yêu thì quả là không đúng. Nhưng bảo rằng không có gì thì cũng không phải. Có cái gì đó nhưng không thành tiếng, thành hình vì hai nguyên nhân: Cái quan hệ họ hàng lắt léo và vì cái việc ra đi của anh. Khi còn nửa giờ cuối cùng của buổi lên đường, cũng lại là do sự lặp lại đáng buồn của Bài ca Người lính, anh viết gửi Th. một lá thư ngắn nói rõ tình cảm trước lúc lên đường của anh (chớ không phải tình cảm của mấy năm miền Bắc) và nói rõ tình cảm đó chấm dứt ngay lúc đó, không có lý do gì để tồn tại trong cuộc sống cả. Năm 62, 63 anh có viết vài lá thư cho Th. không hề nhắc chuyện đó, hoặc có thì cũng với "lập trường" trên. Ngoài hai nguyên nhân trên, còn một nguyên nhân nữa: Cuộc sống chiến đấu nóng bỏng căm thù đã dạy anh sống thực tế hơn, yêu ghét thực tế hơn - cứ mỗi ngày một ít - từ cuộc "chiến tranh Đặc biệt" đã chuyển chuyển thành "Cục bộ" qua 2 mùa khô phản công vô cùng ác liệt. Trong cuộc chiến đấu, anh không nghĩ anh sẽ sống, anh sẽ có hạnh phúc riêng và được hưởng trọn vẹn Hạnh phúc riêng nào đó trong ngày Thống nhất. Anh là người lính chiến đấu 100%, không hề bị lai tạp một chút nào tính chất anh lính cơ quan hay văn nghệ, tuy anh vẫn làm công tác cơ quan. Ba năm nay, anh là phái viên chính trị tham gia mọi chiến dịch lớn nhỏ, hàng trăm trận đánh lớn nhỏ. Chiến trường-em hiểu nó như thế nào hở em, hở Út Lớn của anh? Ở đó là những cuộc chiến đấu ác liệt chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của quân và dân ta chống đế quốc Mỹ. Nhưng không chỉ vậy đâu em. Ở nơi này, trên mảnh đất miền Nam, trên mảnh đất Quảng Ngãi mà hàng trăm, hàng ngàn bà con ta bị giặc Mỹ, giặc Nam Hàn tàn sát giã man ở Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ... Anh đã hành quân qua hàng ngàn thôn xóm cháy rụi, nhưng cánh đồng khô héo vì chất độc... Anh đã từng lặng người trước 70 bà con Hành Đức bị thuốc độc Mỹ làm chết trong hầm, thân thể bầm tím; anh đã nhìn tận mắt chị phụ nữ Gành Cả bị giặc hiếp dâm chết đi, ruột chị dao găm giặc rọc từ dưới lên trên, cổ bị giặc vác cối đá chồng lên, lưỡi chị phải thè ra ngoài. Tay anh đã từng cầm chuỗi cườm em bé, mảng da đầu dính tóc của người con gái, mảnh xương sọ của bà mẹ-những người trong số 390 người bị giặc tàn sát trong một giờ vào một sớm mưa lạnh ngày đông 1966 ở Bình Hòa; vai anh đã từng khiêng người con gái 18 tuổi đời bị giặc Mỹ hiếp dâm chết, anh đã phủ mái tóc đen dài của cô gái che lên cặp vú dậy thì của cô bị giặc Mỹ xẻo mất, anh đã đắp mảnh vải che lên thân thể trong trắng lõa lồ của cô! Út Lớn ơi! Người con gái ấy, chuỗi cườm em bé ấy, mảng sọ bà mẹ ấy, và 70 bà con Hành Đức, và 390 bà con ở Bình Hòa... tất cả những hình ảnh đau xót ấy đã đi vào trong những trận chiến đấu nảy lửa nó biến thành anh xung kích, trở thành mũi lê nhọn cắm trên đầu súng; hình ảnh những người thân yêu đó đã biến thành hơi thở nhịp tim của anh, là suy nghĩ, tình cảm và hành động của anh mỗi sớm mặt trời lên, mỗi đêm vì sao hiện!
    Út Lớn của anh biết đấy, Ba Nhỏ của em vốn là con người tình cảm khá lãng mạn-ngày xưa anh sống khá phóng túng theo tình cảm của mình. Vậy cái gì đã làm 5 năm nay anh không muốn nghĩ đến việc riêng của anh, cái gì đã tách tình cảm của anh khỏi quỹ đạo cá nhân để quay vào cuộc sống hôm nay - anh Hưng, Ba Nhỏ của em. Anh không muốn nói sự thay đổi đó là tốt hay xấu, nên hay không, nhưng chắc chắn là không còn giống như Ba Nhỏ ngày xưa của riêng em, dành tất cả tình yêu thương cho Út Lớn bé bỏng của mình. Ba năm nay, không còn một giấc chiêm bao đưa anh về căn gác xép số nhà 36 Phan Bội Châu, anh không còn nghĩ đến hơi phở nóng đêm khuya những đêm đi dạo với Ba; anh cũng không còn nghĩ đến - cả với em - tà áo dài tím phủ lên nước da trắng ngần của đứa em gái út trước buổi nó đi xa. Ba năm nay, anh không nghĩ đến thật kỹ - thật vậy đó em - bóng dáng rất yêu thương của chị Tâm - người chị hiền lành đã thương anh bằng tình thương rất đằm thắm, chân thành; anh không nghĩ đến Tuyết, Kính, đến các em, các cháu, anh không nghĩ đến Hà Nội của riêng anh, đến mùi hoa dạ lan, đến rừng cà phê bạt ngàn ở Đồn Vàng... Chao ôi! Kỷ niệm thân yêu quá, nhưng rất đỗi xa vời! Dường như những kỷ niệm êm đềm đã lùi sâu vào ký ức, bị át đi bởi tiếng rền của bom đạn kéo dài trong chiều sâu của Thời gian, chiều rộng của Không gian, trong chiều cao ngần ngật của Hận thù!
    Còn nữa...