Chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947) là chiến dịch lớn đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Pháp của quân dân ta. Đế quốc Pháp tập trung 20 nghìn quân tinh nhuệ, được trang bị đầy đủ vũ khí, phương tiện hiện đại (máy bay, tàu chiến, đại bác...) mở cuộc tiến công thọc sâu vào hậu phương ta, đánh thẳng vào trung tâm Việt Bắc (ngày 7-10-1947). Chúng cho Binh đoàn đổ bộ đường không Xô-va-nhắc nhảy dù xuống Bắc Kạn, âm mưu mở những trận tiến công chớp nhoáng, bất ngờ đánh vào sau lưng quân ta, nhằm "chụp cơ quan đầu não của kháng chiến, đồng thời thực hiện chiến thuật "hai gọng kìm" : Binh đoàn bộ binh Bô-phrê từ Lạng Sơn kéo lên Cao Bằng, Bắc Kạn, bao vây Việt Bắc từ phía đông và phía bắc, binh đoàn hỗn hợp bộ binh và lính thủy đánh bộ Com - muy - nan từ Hà Nội ngược sông Hồng, sông Lô lên Phú Thọ, Tuyên Quang, bao vây Việt Bắc ở phía tây, nhằm khép chặt vòng vây, lùa quân ta vào giữa mà tiêu diệt. Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chỉ thị của Trung ương Đảng, quân - dân ta đã tiến hành chiến dịch phản công quy mô lớn, đánh bại cuộc tiến công chiến lược của chúng: 3.300 quân xâm lược Pháp bị tiêu diệt, 3.900 tên bị thương, 270 tên ra hàng, 18 máy bay bị hạ, 38 ca - nô và 16 tàu chiến bị bắn chìm. Việt Bắc đúng là “mồ chôn giặc Pháp”.
Để đưa cuộc kháng chiến tiến lên bước mới, tháng 6-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch Biên Giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - ủy viên Thường vụ Trung ương, trực tiếp làm Chỉ huy trưởng. Căn cứ tình hình thực tế chiến trường, với cách đánh chắc thắng, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chọn Đông Khê (Cao Bằng) đánh mặt trận mở màn. Đêm 16-9-1950, quân ta nổ súng đánh Đông Khê. Sau hai ngày đêm chiến đấu hết sức ác liệt, ta đã tiêu diệt hoàn toàn cụm cứ điểm này, diệt hơn 300 tên địch. Đúng như Bác dự đoán, mất Đông Khê, Tổng chỉ huy quân đội Pháp quyết định rút quân khỏi Cao Bằng, chiếm lại Đông Khê, đồng thời cho quân đánh lên thị xã Thái Nguyên hòng làm phân tán chủ lực của ta. Với một quyết tâm sắt đá phải tiêu diệt địch cho đến toàn thắng, bộ đội ta đã vượt qua khó khăn ở vùng núi đá tai mèo hiểm trở, tiêu diệt hoàn toàn binh đoàn ứng cứu của Lơ Pa-giơ. Ngày 8-10-1950, chỉ huy trưởng Lơ Pa-giơ và toàn thể Bộ tham mưu bị bắt sống. Ngày 7-10-1950, toàn bộ quân địch rút từ thị xã Cao Bằng về bị quân ta tóm gọn. Chỉ huy trưởng Sác-tông và Bộ tham mưu binh đoàn cùng tên tỉnh trưởng cũng bị bắt. Bị mất những lực lượng cơ động chiến lược quan trọng nhất, địch hốt hoảng rút chạy khỏi Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Lộc Ninh, Đình Lập. Hệ thống phòng thủ đường số 4 chạy dài dọc biên giới Việt - Trung mà địch ra công xây dựng củng cố trong nhiều năm bị phá vỡ tan tành trong nửa tháng. Chiến thắng Biên Giới mở ra bước ngoặt đưa cuộc kháng chiến của ta từ giai đoạn giữ gìn lực lượng sang giai đoạn tiến công địch; là một điển hình thành công về đánh tiêu diệt.
Bị bẽ mặt sau chiến dịch Biên Giới, muốn giành lại quyền chủ động tiến công, ngày 9-11-1951, Đờ Lát đờ Tát-xi-nhi tập trung 20 tiểu đoàn bộ binh cơ động chiến lược, mở chiến dịch Hòa Bình, hòng kéo bộ đội ta ra nơi mà chúng đã chuẩn bị sẵn để tiêu diệt. Tổng Quân ủy nhận định: địch mang lực lượng cơ động tinh nhuệ phân tán trên một tuyến dài đột xuất, công sự chưa vững chắc, địa hình không thuận lợi, lực lượng địch ở đồng bằng sẽ bị dàn mỏng, có nhiều sơ hở. Bác Hồ nói: "Trước kia ta phải lừa địch ra mà đánh. Nay địch tự ra cho ta đánh. Đó là cơ hội rất tốt cho ta”. Thực hiện chủ trương của Đảng, Bộ Tổng tư lệnh đã không tập trung quân đánh thẳng vào thị xã Hòa Bình - nơi địch mạnh và vững chắc, mà tập trung lực lượng tiến công địch ở ven sông Đà và đường số 6. Lợi dụng phần lớn quân địch bị vây hãm ở thị xã Hòa Bình, hai đại đoàn chủ lực ta đã tiến sâu vào vùng sau lưng địch ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, giải phóng đất đai, xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, đẩy mạnh chiến tranh du kích phối hợp với chiến trường chính diện. Trong thời gian đó, ở mặt trận sau lưng địch, ta đã tiêu diệt hơn 15 nghìn tên, bức rút, bức hàng hơn 1.000 đồn bốt, tháp canh.
Phát huy thắng lợi của chiến địch Hòa Bình, thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị, tháng 9-1952, quân ta mở chiến dịch Tây Bắc. Mục tiêu của chiến dịch này là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, tranh thủ giải phóng một phần đất đai và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc. Nhờ sự giúp đỡ hết lòng của đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc, với ý chí quyết chiến, quyết thắng của bộ đội ta, sau hai tháng rưỡi chiến đấu (từ ngày 14-10 đến 30-12-1952), quân và dân ta đã tiêu diệt hơn 6.000 tên địch, giải phóng đại bộ phận khu Tây Bắc rộng 28.500km, với 250 nghìn dân, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, phá tan âm mưu lập "xứ Thái tự trị" của giặc Pháp. Kể cả ba mặt trận Tây Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Phú Thọ, quân dân ta đã tiêu diệt 13.800 tên.
Một chiến dịch có nhiều ý nghĩa nữa, đó là sau thất bại nặng ở Tây Bắc, địch liền tăng cường phòng thủ Thượng Lào, xây dựng thị xã Sầm Nưa thành một tập đoàn cứ điểm với binh lực ba tiểu đoàn, đặt dưới sự chỉ huy của Bộ chỉ huy Pháp ở miền Bắc Đông Dương. Trước hành động đó, tháng 4-1953, quân ta đã phối hợp với quân đội giải phóng Lào mở chiến dịch Thượng Lào. Vượt qua những khó khăn gian khổ của vùng rừng núi trùng điệp, thời tiết khắc nghiệt, cách xa hậu phương, liên quân cách mạng Lào - Việt đã đuổi địch 7 ngày 7 đêm liền, tiêu diệt và bắt sống gần hết quân chiếm đóng Sầm Nưa. Ở đường số 7, sau khi Noọng-hét bị tiêu diệt, địch rút chạy về Cánh Đồng Chum - Phong Xa Lỳ. Tại đây, bốn vị trí bị tiêu diệt, địch rút chạy về Luông Pra-băng. Qua gần một tháng chiến đấu, liên quân Lào - Việt đã giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phong Xa Lỳ với hơn 300 nghìn dân, tiêu diệt 2.800 tên địch. Nếu kể cả các mặt trận phối hợp ở đồng bằng Bắc Bộ và Liên khu 5, thì tổng số quân địch bị tiêu diệt là 11.037 tên.
Kế hoạch Tát-xi-nhi đến đây bị thất bại hoàn toàn. Tổng chỉ huy Xa-lăng, người kế thừa gia sản đổ nát của Tát-xi-nhi bị triệu hồi. Tướng Na-va sang thay, đâu đã tỉnh ngộ, vẫn hùng hổ tuyên bố: “Bình định Việt Nam trong 18 tháng”, song chưa tới ngày ấy thì sức mạnh, kinh nghiệm, bản lĩnh được dồn tụ qua các chiến dịch của quân - dân ta đã chôn vùi tham vọng của Na-va, cùng đội quân viễn chinh Pháp xuống lòng chảo Điện Biên Phủ…
NGUYỄN PHÚC ẤM