Mõ, trắc, trống - Văn hoá nghệ thuật Công giáo
Trong các buổi biểu diễn, cũng có thể Ban nhạc kết hợp nhiều đạo cụ, nhưng tùy theo quy mô tổ chức, cũng có buổi chỉ sử dụng một đạo cụ và được gọi là Hội. Ví dụ như “Hội trắc biểu diễn”. Trắc chỉ là 2 thanh gỗ trắc kẹp vào nhau (nay thường là tre đực) dài khoảng 10 cm, dày 2 cm. Khi gõ hai thanh va vào nhau sẽ phát ra âm thanh lanh canh, khỏe khoắn. Mỗi hội trắc có khoảng 20 em nam, tuổi từ 9 đến 13, mặc đồng phục, chân quấn xà cạp, đầu đội mũ chào mào, quấn khăn, thắt dây quàng sau gáy.
Ở những xứ đạo có điều kiện, ban nhạc sắm cả chiếc trống đại, đường kính có thể từ 1,5m đến 2m. Trống được đặt trên xe lăn để di chuyển được dễ dàng, cũng có khi được buộc vào hai đòn tre cho bốn người khiêng. Đánh trống đại thường là một nam giới trung tuổi, có sức khỏe, dùi trống được bọc vải đỏ, ở đầu kết tua…
Cũng như các làng tôn giáo khác, làng Công giáo dùng mõ báo việc làng, việc xứ. Thường thì khi Hàng xứ, hay Họ đạo có việc, một người được Xứ đạo hay Họ đạo cử đem mõ để gõ kèm theo lời rao. Khi tiếng mõ cất lên, chuông trong nhà thờ không được rung, mọi hiệu lệnh được thay bằng tiếng mõ.
Đêm thứ bảy tuần Thánh, trước khi nến Phục Sinh được thắp, trong giờ phút linh thiêng chờ “Chúa sống lại”, tiếng mõ chế ngự không gian nhà thờ.
Lê Phước Thành