Mở rộng lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Tuyên truyền về chính sách BHXH cho đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Tại Hội nghị trực tuyến công tác thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2019 do BHXH Việt Nam vừa tổ chức, số liệu mới nhất cho biết, đến nay số người tham gia BHXH tự nguyện mới khoảng 15.000 người, nâng số lượng người tham gia BHXH tự nguyện lên gần 300.000 người. Tuy nhiên, theo chuyên gia số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn thấp so với mục tiêu đặt ra, đòi hỏi cần nhiều giải pháp để nâng cao số lượng người tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian tới.
BHXH tự nguyện là hình thức tham gia mang tính tự nguyện của người lao động ở khu vực phi chính thức. Việc triển khai BHXH tự nguyện coi là chính sách ưu việt và đầy tính nhân văn cho người lao động tự do. Trên tinh thần thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, năm 2019, ngành BHXH đặt mục tiêu phấn đấu mở rộng thêm 220.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Đây là mục tiêu rất khó khăn, cần sự chung tay vào cuộc của toàn ngành cũng như sự phối hợp với các ngành liên quan trong thực hiện chính sách.
Theo thống kê, cả nước có 55 triệu người ở tuổi lao động, khoảng 40 triệu người chưa tham gia BHXH. Đây là tiềm năng lớn để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, số người tham gia loại hình này vẫn chưa tương xứng với khả năng phát triển. Dữ liệu quản lý thu của BHXH Việt Nam cho thấy, một số tỉnh có số người tham gia BHXH tự nguyện cao như: Bắc Giang 213 người, Bình Định 228 người, Bình Phước 261 người, Đắk Lắk 447 người, Kiên Giang 359 người, Nam Định 423 người, Long An 368 người, Nghệ An 652 người, Phú Thọ 837 người...
Nhiều ý kiến cho rằng, ít người tham gia BHXH tự nguyện bởi người lao động chưa hiểu hết và chưa nhận thức đầy đủ về loại hình này. Bên cạnh đó, chính sách BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn, bởi người lao động chỉ hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Trong khi người lao động cần hưởng các chế độ về thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chỉ có ở BHXH bắt buộc.
Các chuyên gia ngành BHXH đưa ra ví dụ, một đối tượng nữ 35 tuổi, muốn có lương hưu nên đóng BHXH tự nguyện. Theo Luật BHXH thì có các quy định sau: Mức đóng 22% (nhưng được Nhà nước hỗ trợ 10-30% tùy đối tượng, thực chất tối đa chỉ đóng 20%). Mức hưởng: Tối thiểu 45%, tối đa 75%. Ví dụ: đối tượng đóng theo mức lương 10 triệu thì mức đóng hàng tháng chỉ 2 triệu, khi đủ tuổi, hưởng lương hưu là 4,5 đến 7,5 triệu đồng. Tức là mức hưởng có thể gấp 2-3 lần mức đóng. Hơn nữa, khi hưởng lương hưu, hằng năm được Nhà nước nâng lương; được cấp thẻ BHYT với mức quyền lợi cao hơn bình thường. Rõ ràng, nếu theo quy định trên thì rất có lợi cho người tham gia.
Tuy lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện là vậy nhưng triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, cản trở mục tiêu của chương trình. Do vậy, các ý kiến trong Hội nghị trực tuyến, không chỉ tìm nhiều giải pháp hành chính tích cực mà chú trọng tuyên truyền BHXH tự nguyện trên toàn quốc, bởi khi triển khai còn nhiều bất cập như tài liệu chưa chuẩn hoá, nhất là minh họa mức lương người tham gia BHXH. Sau 20 năm đóng BHXH tự nguyện, mỗi tỉnh minh họa một cách khác nhau, nên khó cho công tác tuyên truyền...
Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - Trần Đình Liệu khẳng định: Để thực hiện thành công Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, thời gian tới cần sự vào cuộc của toàn hệ thống, tập trung vào thu, giảm nợ BHXH; phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; quản lý cơ sở dữ liệu liên quan đến thu; kiểm soát chi đúng, chi đủ, chi kịp thời cho đối tượng...
Dương Sơn