Bộ LĐTBXH đang đề xuất, trình Chính phủ thông qua Quốc hội phê chuẩn vào cuối năm nay với nguồn lực cho giảm nghèo khoảng 46 nghìn tỷ đồng. Trong đó sẽ tập trung xác định mô hình giảm nghèo theo cách tiếp cận đa chiều. Hiện nay, Bộ LĐTBXH đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thiết kế tiêu chí chuẩn mức sống tối thiểu nhằm mục tiêu đảm bảo cho người dân tiếp cận với các gói trợ giúp xã hội, trong đó chuẩn nghèo bằng 80% mức sống tối thiểu. Đồng thời sẽ đo đếm nghèo đa chiều và người dân thiếu hụt 1/3 mức sống tối thiểu cũng được xác nhận là hộ nghèo nhằm mở rộng diện bao phủ chính sách rộng hơn giai đoạn trước. Theo dự tính, nếu xác định theo tiêu chí mới, Việt Nam sẽ có tỷ lệ hộ nghèo khoảng 17-19%. Hiện nay, những đề xuất của Bộ LĐTBXH đã được các bộ, ngành thống nhất cao và Bộ LĐTBXH cũng đang đề xuất Dự án thành phần hỗ trợ cho thanh niên dân tộc thiểu số, vùng nghèo đi xuất khẩu lao động.
Xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn là nhiệm vụ lâu dài, hết sức cao cả, cần động viên, thu hút sự tham gia nhiệt tình, tích cực của toàn xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và thiết thực, rất cần thay đổi chính sách như thế nào đó để tác động vào hộ nghèo nhằm tránh dàn trải, kém hiệu quả. Cần rà soát lại các chính sách để cải thiện, tăng cường chính sách trong quá khứ; đồng thời dự tính cho tương lai, làm thế nào để các hộ nghèo hưởng lợi từ chương trình và hạn chế nguồn lực bị phân tán. Cũng cần thay đổi cách lập kế hoạch và phân cấp triệt để cho địa phương, thực sự trao quyền cho các địa phương quyết định sử dụng nguồn lực có hiệu quả nhất, đồng thời thay đổi cách giao kế hoạch theo năm bằng giao kế hoạch trung hạn, phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành... Đây là vấn đề còn nhiều khó khăn, cần bàn bạc và có sự thống nhất chỉ đạo của Chính phủ.
Dương Sơn