Mở rộng diện bao phủ BHXH: Lấp "khoảng trống" an sinh
Lương hưu là chỗ dựa vững chắc cho người lao động khi về già.
Trong hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội (BHXH) giữ vai trò trụ cột và việc phát triển BHXH là tiền đề, điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mặc dù chính sách BHXH liên tục có sự điều chỉnh, tỷ lệ tiếp cận BHXH, chế độ hưu trí cũng tăng mạnh trong những năm qua, nhưng đến nay mới chỉ có 33% lực lượng lao động (tương đương 16,5 triệu người) đang tham gia BHXH, khoảng 47% số người hết tuổi lao động có lương hưu, BHXH hằng tháng, trợ cấp xã hội và trợ cấp ưu đãi Người có công hằng tháng. Việc BHXH bắt buộc chưa “phủ sóng” 100% thực sự là trở ngại, thách thức lớn trong việc hiện thực hóa mục tiêu BHXH toàn dân, cũng như thực hiện được mục tiêu an sinh xã hội.
Nghị quyết 28-NQ/TWcủa Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam Khoá XII về cải cách chính sách BHXH hướng tới mở rộng diện bao phủ BHXH; bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn, điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ. Trong đó, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng nhằm đáp ứng được mục tiêu: Mọi người dân khi hết tuổi lao động đều có lương hưu.
Tầng thứ nhất là lương hưu xã hội đối với những người cao tuổi đến độ tuổi nhất định, không có cơ hội để đóng góp, không có BHXH hoặc trợ cấp hằng tháng thì ngân sách nhà nước sẽ cung cấp cho họ một khoản lương hưu; tầng thứ hai là BHXH cơ bản đối với người lao động đi làm có thu nhập thì đóng BHXH, người lao động sẽ được hưởng lương hưu trên tiền lương lúc đang làm việc; Tầng thứ ba là tầng hưu trí bổ sung được thực hiện hoàn toàn dựa vào việc thoả thuận, thương lượng giữa người lao động và người sử dụng lao động để có lương hưu cao hơn.
Đồng thời, việc sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt đồng thời với việc điều chỉnh cách tính lương hưu đểgiải quyết tình trạng rút BHXH một lần như hiện nay (từ năm 2016 đến nay, khoảng hơn 4,87 triệu người rút một lần. Như vậy, cứ hai người tham gia vào hệ thống BHXH có một người rời đi). Những người từ 60-70 tuổichưa đủ 20 năm đóng BHXH để có lương hưu cũng khoảng "chơi vơi" trong chính sách an sinh vì họđã hết tuổi lao động để có thể kiếm tiền trang trải cuộc sống. Đểtăng diện bao phủ BHXH bắt buộc, cần nâng mức hưởng thỏa đáng, đơn giản hóa điều kiện hưởng chế độ, đưa nhiều nhóm người lao động/hợp đồng đủ điều kiện tham gia vào BHXH bắt buộc…
Một "khoảng trống" trong lưới an sinh nữa, đó là nhóm lao động phi chính thức "nằm lọt thỏm" giữa chính sách BHXH và trợ cấp xã hội. Theo số liệu thống kê, có tới hơn 33 triệu lao động phi chính thức, gồm cả lao động nông nghiệp, đang tham gia gần 70% tổng số việc làm cả nước hiện nay.Số người tham gia BHXH tựnguyện hiện chỉ hơn 1 triệu, chiếm khoảng 2,8%. Đây là nhóm bị ảnh hưởng sâu, trực tiếp và khó tiếp cận nhất khi có các biến cốxảy ra như dịch bệnh, thiên tai, tai nạn, mất việc làm... Việc xác minh thông tin nhóm này trở thành một trong những "điểm nghẽn" của chính sách hỗ trợ, chứng tỏ hệ thống chính sách lẫn tổ chức thực hiện chưa thích ứng tốt. Vì vậy, đẩy nhanh tiến trình "chính thức hóa người lao động", "chính thức hóa việc làm" vừa mởrộng lưới an sinh xã hội vừa tăng nguồn thu đóng thuế, tăng nguồn thu vào BHXH. Đồng thời, việc đẩy mạnh thanh toán tiền lương qua tài khoản, khuyến khích người lao động sử dụng điện thoại, mở tài khoản để nhận lươnglà một trong những giải pháp giúp kết nối, quản lý cơ sởdữliệu, minh bạch trong chính sách...
Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ BHXH bắt buộc hiện nay cũng chưa đồng đều, khi người lao động tham gia chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Bắc Ninh) và Đông Nam Bộ (Bình Dương, T.P Hồ Chí Minh). Khoảng cách về giới cũng cần xử lý khi chỉ có 12% phụ nữ được hưởng lương hưu từ BHXH so với tỷ lệ 26% ở nam giới.
Các chính sách đồng bộ, linh hoạt sẽgiúp người dân tiếp cận BHXH một cách toàn diện, đầy đủ các chế độ và tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu hoặc từ ngân sách nhà nước, hoặc từ quỹ BHXH; không có người cao tuổi nào bị bỏ lại phía sau.
Hồ Thanh Hương