Mở rộng dân chủ trong hoạt động của Quốc hội
Các đồng chí lãnh đạo Quốc hội tại hội nghị.
Sáng 8-9, tại Nhà Quốc hội, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết Ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành thảo luận.
Theo tờ trình do Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày, dự thảo nghị quyết đã bổ sung quy định về thảo luận, tranh luận tại phiên họp toàn thể nhằm mở rộng dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, tạo điều kiện để các vị đại biểu Quốc hội làm rõ hơn các vấn đề đại biểu quốc hội quan tâm.
Khoản 3, Điều 18 dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) quy định: “Tại mỗi phiên họp, đại biểu Quốc hội phát biểu lần thứ nhất trong thời gian không quá 7 phút, phát biểu lần thứ hai trong thời gian không quá 3 phút; mỗi lần tranh luận trong thời gian không quá 3 phút; cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra mỗi lần giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội trong thời gian không quá 10 phút”.
Theo báo cáo ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định về thời gian thảo luận, tranh luận tại phiên họp toàn thể như nêu tại khoản 3, Điều 18 của dự thảo Nội quy kỳ họp.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi sử dụng quyền tranh luận là phải nêu rõ tranh luận về vấn đề gì, với ý kiến của đại biểu nào đã phát biểu trước đó nhằm hạn chế trường hợp lạm dụng quyền tranh luận để phát biểu ý kiến cá nhân.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) nhất trí với dự thảo luật quy định về thẩm quyền của chủ tọa yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng tranh luận nếu đại biểu đăng ký tranh luận không đúng nội dung, hay sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn. Thực tế có những trường hợp đại biểu dùng quyền tranh luận để được ưu tiên phát biểu trước.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy cũng đề nghị quy định theo hướng cụ thể hơn với cả chủ tọa, người điều hành và đại biểu Quốc hội và để bảo đảm thực thi nghiêm túc quy định.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhất trí với đề xuất quy định không quá 3 phút, nhấn mạnh quan điểm không nên quy định thời gian tranh luận ngắn hơn nữa theo đề xuất của một số đại biểu. Vấn đề tranh luận thường là những vấn đề gay cấn và “đã tranh luận thì phải tranh luận tương đối cho ra nhẽ, nói quá ngắn cũng không bảo đảm được, không hết ý được”.
Theo tờ trình, Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội đề nghị bổ sung 10 điều, sửa đổi 42 điều, kế thừa nguyên văn 5 điều, tăng 1 điều so với nội quy hiện hành và hình thức văn bản là Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG