Mô hình Quỹ Tiết kiệm CCB ở Hội CCB huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa): Cuốn sổ nhỏ, ý nghĩa lớn
CCB Nguyễn Văn Thanh giới thiệu với lãnh đạo Hội CCB Hoằng Hóa về bưởi tiến vua được trồng trong vườn nhớ vay được tiền từ Quỹ tiết kiệm.
* Quỹ tiết kiệm Hội CCB huyện sau 3 năm vận động: 5 tỷ 259 triệu đồng.
Những ngày cuối tháng 7, về công tác tại tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi được tận mắt chứng kiến niềm vui của cán bộ, hội viên CCB huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa về Mô hình Quỹ tiết kiệm CCB đang được triển khai mới thấy hết được ý nghĩa của mô hình mang lại.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội CCB huyện Hoằng Hóa cho biết: Quỹ tiết kiệm CCB được triển khai từ năm 2017. Mỗi hội viên đóng từ 100 đến 200 nghìn đồng/năm. Mục đích của quỹ là để có tiền cho các hội viên nghèo vay lại để làm kinh tế thoát nghèo.
Để tạo sự tin tưởng, thu hút hội viên tham gia, Thường trực huyện Hội đã phát hành cuốn “Sổ tiết kiệm” đến từng hội viên. Khi nộp quỹ, hội viên mang theo sổ, ký xác nhận tiền đóng. Sổ do hội viên giữ.
Cuốn sổ nhỏ bằng 1/2 khổ giấy A5, ngoài bìa ghi họ tên và chi hội của người gửi, trang trong ghi thông tin cụ thể của hội viên, có xác nhận của Chủ tịch hội cơ sở… Đáng chú ý, trang cuối cuốn sổ ghi 6 quy định sử dụng Quỹ tiết kiệm. Là người tâm huyết với mô hình xây dựng Quỹ này, đồng chí Nguyễn Văn Hùng nói: “Cuốn sổ đã công khai, minh bạch số tiền gửi; hội viên nắm được số dư khi mình đóng vào, vừa chống tư tưởng “cào bằng” vừa công khai, minh bạch và quy trách nhiệm cho Chi hội trưởng chi hội”.
Trong 6 điều quy định, có 2 Điều 5 và 6 là hai điều cốt lõi, tạo được niềm tin của hội viên. Ví dụ, Điều 5 ghi “Đây là tiền gửi xây dựng quỹ Hội CCB giúp nhau giảm nghèo, lãi suất được đưa vào ủng hộ và sử dụng tập trung ở chi hội”. Như vậy, tiền gốc chi hội thu được sẽ để hội viên vay nhằm mục đích phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; tiền lãi Chi hội thu để thăm hỏi ốm đau, hiếu hỷ, hội họp… trong chi hội. Còn Điều 6 ghi “Khi thôi sinh hoạt Hội, người gửi được nhận lại 100% số tiền gửi”. Nghĩa là, khi hội viên thôi sinh hoạt thì chi hội sẽ trả lại toàn bộ số tiền gốc mà hội viên đã đóng góp.
Chính hiểu được ý nghĩa vô cùng nhân văn, tinh thần trách nhiệm, giúp đỡ đồng đội một cách vô tư, trong sáng, không tính toán thiệt hơn, lại công khai, minh bạch, rõ ràng nên hội viên tin tưởng gửi vào Quỹ tiết kiệm CCB với số tiền ngày càng nhiều. Điển hình như CCB Nguyễn Lương Thiện ở chi hội thôn Mỹ Đà, xã Hoằng Đức (Hoằng Minh cũ), gửi 20 triệu đồng vào Quỹ.
Sau 3 năm vận động, tổng số quỹ của huyện Hội thu được là 5 tỷ 259 triệu đồng. Hiện, tổng quỹ của hoàn huyện Hội là 16 tỷ 590 triệu đồng, bình quân mỗi sổ tiết kiệm được 1,226 triệu đồng/hội viên. Số quỹ trên đang tạo điều kiện cho 1.450 hội viên vay vốn. Kết quả bước đầu cho thấy, tỷ lệ hộ gia đình CCB nghèo năm 2017 là 3.6%, đến hết tháng 6-2020 chỉ còn 0,58%; 8 xã không còn hộ CCB nghèo. Kết quả xóa nghèo đó có sự đóng góp không nhỏ của Quỹ tiết kiệm xóa đói giảm nghèo.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết cấp Chi hội quản lý, sử dụng quỹ. Nhấn mạnh về tính chủ động của quỹ, đồng chí Lê Bỉnh Quyền - Phó chủ tịch Hội CCB huyện nói: “Quỹ do chi hội tạo nguồn; do chi hội quản lý; do chi hội quyết định đối tượng vay; quyết định lãi suất… nên rất được hội viên đồng tình ủng hộ”.
Hội CCB xã Hoằng Đạo là một trong những cơ sở Hội có số quỹ tiết kiệm cao nhất của huyện, hiện 467/467 hội viên có Sổ tiết kiệm. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Khắc Kiệm - Chủ tịch Hội CCB xã nhấn mạnh thêm: Cuốn Sổ tiết kiệm cũng góp phần làm cho các chi hội tập hợp được hội viên dễ dàng hơn. Cuốn sổ tạo được cơ sở pháp lý trong việc quản lý quỹ, người giữ quỹ không tùy tiện sử dụng quỹ, hội viên và cả gia đình hội viên đều biết số tiền gửi vào quỹ. Hội viên có thể gửi nhiều tiền, tùy từng điều kiện cụ thể. Đặc biệt, quỹ tiết kiệm tạo điều kiện giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế.
Được “thực mục sở thị” vườn cây ăn quả xanh tốt, ngút tầm mắt đang bắt đầu cho thu hoạch của gia đình CCB Lê Văn Thanh ở thôn Tứ Luyện, xã Hoằng Đạo, chúng tôi hiểu rõ hơn hiệu quả của mô hình. Sau khi được vay 30 triệu đồng từ nguồn quỹ này của chi hội, ông Thanh mua 700 gốc bưởi, 500 gốc ổi về trồng trên khu vườn của gia đình vốn lâu nay bỏ hoang. Vừa dọn vườn, ông Thanh vừa phấn khởi nói: “Nhờ vay được tiền Quỹ tiết kiệm với lãi suất thấp, vợ chồng tôi quyết định đầu tư vào khu vườn này. Cây bưởi đã bắt đầu cho thu hoạch. Cứ đà này tôi tin chỉ một vài năm nữa tôi không chỉ trả hết nợ mà còn có của để dành”.
Không chỉ gia đình ông Thanh mà nhiều hội viên của xã Hoằng Đạo, như CCB Nguyễn Tiến Doạt, chi hội Hiền Thôn, vay 20 triệu đồng đầu tư nuôi 15 đàn ong mật, trồng 150 gốc bưởi Diễn cũng bắt đầu cho thu hoạch; CCB Hoàng Đình Trung Chi, hội thôn Tứ Luyện, vay 20 triệu đồng mua bò giống và trồng nhãn. Hiện nay, bò đã đẻ được 2 bê con...
Khẳng định ý nghĩa của mô hình, ông Nguyễn Văn Hùng nói: “Tiết kiệm là không mất đi. Quỹ tiết kiệm là để giúp nhau giảm nghèo. Xây dựng được quỹ này nó như sợi dây nối liền hội viên với tổ chức Hội, có tác động đến tư tưởng, tình cảm, trách nhiệm của hội viên trong xây dựng hội, nhất là cấp chi hội”.
Thấy hiệu quả thiết thực Hội Phụ nữ, Thanh niên xung phong của huyện cũng đang học tập và triển khai mô hình này.
Bài và ảnh: Vũ Minh