Mô hình nào cho chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam ?
Chuyên gia GIZ trong chương trình hỗ trợ dạy nghế cho Việt Nam.
(Báo tháng 8) -Bài toán chất lượng lao động đang là một vấn đề tồn tại vướng mắc lớn cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Đơn cử như năng suất lao động của Việt Nam so với Singapore đã thấy tụt hậu trông thấy: Năm 2017, một lao động Singapore có năng suất lao động bằng 15 lao động Việt Nam, đến năm 2018 tỷ lệ nay đã tăng lên 1/23. Điều này nói lên rằng, năng suất lao động của Việt Nam đang ở nhóm thấp và đang đứng trước nguy cơ bỏ lại phía sau trong cuộc đua phát triển kinh tế của thế giới.
Nguy cơ tụt hậu về năng suất lao động của Việt Nam do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trong nhất là chung ta chưa có được những mô hình, phương án hữu hiệu trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho thị trường lao động; trong khi hệ thống các trường đại học và cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở Việt Nam hiện nay có thể nói không hề thua kém về số lượng, mạng lưới so với các nước đang phát triển trong khu vực.
Tuy nhiên cả một thời gian dài, một trong những khiếm khuyết của các trường là chỉ đào tạo lý thuyết suông. Hệ lụy là đưa ra thị trường nhân lực những lao động có rất nhiều bằng cấp, nhưng hết sức yếu về kỹ năng thực tế, thực hành. Cần phải giải quyết bài toán này thì chất lượng lao đông cùng với năng suất lao động của Việt Nam mới dần có thể cải thiện được.
Đào tạo gắn kết với doanh nghiệp:
Để giải quyết bài toán kỹ năng thực tế của lao động Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối với doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong đào tạo nghề, đẩy mạnh việc doanh nghiệp tham gia trực tiếp đào tạo, khuyến khích thành lập cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để đào tạo gắn với thị trường, với cung cầu lao động...
Chính phủ cần nghiên cứu cơ chế đào tạo bổ sung cho người học khi doanh nghiệp chưa đủ năng lực đào tạo toàn bộ theo chuẩn đào tạo. Cơ chế này sẽ khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn tham gia đào tạo và tăng quy mô đào tạo.
Việc hỗ trợ các cơ sở GDNN đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp cũng cần được thúc đẩy. Tăng cường gắn kết giữa Chính phủ và ngành, doanh nghiệp trong xây dựng chuẩn đào tạo, chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp trong quá trình triển khai đào tạo, như xây dựng chương trình, mời đại diện doanh nghiệp tham gia giảng dạy tại cơ sở GDNN, tham gia đánh giá, kiểm tra người học...
Sự gắn kết này mang lại lợi ích cho cả hai bên. Chính phủ muốn doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề nhằm đáp ứng nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động và giảm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nghề. Doanh nghiệp tham gia đào tạo để có nguồn lao động chất lượng, lại tiết kiệm chi phí tuyển dụng, và không phải đào tạo lại. Mặt khác, doanh nghiệp lại thu được lợi từ sự đóng góp của người học trong quá trình đào tạo và cũng là thực hiện trách nhiệm với xã hội.
Bà Brita - cố vấn Trưởng GIZ, chương trình hợp tác đào tạo nghề Việt Nam – Cộng hoà Liên bang (CHLB) Đức, cho biết: Thông qua dự án hợp tác của GIZ với Chính phủ Việt Nam, với kinh nghiệm hệ thống đào tạo nghề kép của CHLB Đức chúng tôi muôn Việt Nam sẽ xây dựng nên một mô hình gắn kết giữa Chính phủ và ngành, doanh nghiệp thể hiện qua việc hai bên cùng đầu tư vào hệ thống đào tạo nghề kép, cùng phối hợp với tổ chức Công đoàn phát triển các ngành nghề đào tạo, xây dựng chuẩn đào tạo và việc tổ chức kiểm tra đánh giá người học. Sự gắn kết này đảm bảo đào tạo sát thực tiễn cũng như sự đồng thuận giữa các bên và cộng đồng về các quyết định trong đào tạo nghề, tạo nên nguồn nhân lực có đầy đủ năng lực về lý thuyết cơ bản cũng như chuyên môn từ tực tế.
Mở rông đào tạo tại chính nơi làm việc:
Phần lớn học sinh tại các trường của Việt Nam hiện nay phải đợi đến kỳ học cuối mới được trải nghiệm và thực tập tại doanh nghiệp, như vậy thời lượng đào tạo tại môi trường làm việc thực tế chỉ chiếm khoảng 20% chương trình đào tạo. Để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường cần tạo điều kiện cho sinh viên được trải nghiệm nhiều hơn, sớm hơn tại doanh nghiệp ngoài đợt thực tập cuối khóa theo quy định.
Các trường cần có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để thời gian thực tập, đào tạo tại doanh nghiệp đạt hiệu quả tối đa. Khi việc bố trí cho các em được trải nghiệm tại doanh nghiệp còn khó khăn thì việc nâng cao hiệu quả đào tạo thực hành tại trường cũng là một giải pháp cần chú trọng. Cần tạo môi trường thực hành tại trường như môi trường làm việc tại doanh nghiệp, từ việc bố trí nhà xưởng, thiết bị, các yêu cầu về vệ sinh an toàn lao động, tác phong công nghiệp đến việc hướng dẫn, giảm sát, đánh giá kết quả thực hành đối với người học.
Để người lao động có điều kiện học tập suốt đời:
Người lao động ở Việt Nam khá nghèo nàn về tri thức, những tri thức hiện có không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và điều nguy hiểm hơn là không đủ sức để tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra một cách nhanh chong chi phối mọi ngành, mọi nghề trong cục diện chung phát triển của toàn thế giới.
Nguyên nhân của sự nghèo nàn về tri thức và sự thiếu hụt năng lực thu lượm, tri thức chủ yếu vẫn lại ở nền giáo dục khép kín, không mở ra những con đường thu gọn, tích tụ tri thức và những cơ chế chia sẻ tri thức, sự bình đẳng về cơ hội tiếp thu và giao lưu tri thức. Xây dụng được một mô hình và tài nguyên giao dục mở chính là nguồn lực lấp đi sự nghèo nàn về tri thức. Tài nguyên này được truyền tải trên mạng thông tin, tiếp cận đến từng người, không có trở ngại về địa lý và hàng loạt rào cản khác sẽ nhanh chóng lấp đi các hố ngăn cách trí thức với người có nhu cầu học hỏi nâng cao trình độ, năng lực nghề nghiệp.
Phát biểu về tính cấp thiết xây dựng một môi trường giáo dục mở, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề xã hội khẳng định: Chỉ có xây dựng được một môi trường giáo dục mở, linh hoạt thì người lao động mới có được cơ hội học tập suốt đời, học mọi nơi, mọi lúc. Học để làm việc chứ không phải học để lấy bằng. Quan điểm này phải được quán triệt xuyên suốt và triển khai trong toàn bộ hệ thống giáo đục - đào tạo và GDNN.
Với những định hướng của Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng cho thấy việc cấp thiết tạo nên một nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng với nhu cầu phát triển của Việt Nam và sự hội nhập chung trong nên kinh tế toàn cầu là một bài toàn cần có những lời giải hết sức cụ thể và nhanh chóng để lao động Việt Nam có được trình độ, kỹ năng nâng cao năng suất lao động hơn nữa.
Hoài Phi