Mô hình “Làng quân - dân” ở xã Quang Thịnh (Lạng Giang, Bắc Giang): Sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị và địa phương
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 phối hợp với đoàn viên, thanh niên Chi đoàn thôn Ngọc Sơn, vẽ tranh dọc trục đường giao thông tại địa phương.
Với nhiều hoạt động thiết thực, mô hình “Làng quân - dân” đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với lực lượng vũ trang, xây dựng thế trận lòng dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, góp phần giúp thôn Ngọc Sơn (Quang Thịnh, Lạng Giang, Bắc Giang) thêm phần khởi sắc. Từ mô hình này, tình cảm quân dân giữa Sư đoàn 3 (Quân khu 1) và địa phương trên địa bàn đơn vị đóng quân được vun đắp, ngày càng thếm thắm thiết và bền chặt.
Theo Thượng tá Trịnh Ngọc Hùng -Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 3, mô hình “Làng quân - dân” được triển khai thực hiện từ tháng 5-2023, là cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng và Kết luận số 43 của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
Để thực hiện mô hình, Sư đoàn 3 chỉ đạo Ban Dân vận, Phòng Chính trị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể xã Quang Thịnh tiến hành thâm nhập, khảo sát thực tế, nắm bắt rõ tình hình của nhân dân thôn Ngọc Sơn để xây dựng quy chế, chương trình, nội dung hoạt động phù hợp với điều kiện của đơn vị; đồng thời giúp địa phương giải quyết hiệu quả phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh an toàn, chăm lo đời sống nhân dân… Tiểu đoàn 17 được Sư đoàn lựa chọn, giao nhiệm vụ kết nghĩa với thôn Ngọc Sơn, là địa phương nơi đơn vị đóng quân.
Thôn Ngọc Sơn, xã Quang Thịnh có hơn 60 hộ gia đình sản xuất nông nghiệp. Do sự phát triển nhanh của các khu công nghiệp, nhiều thanh niên của địa phương đi làm ăn xa. Ở làng quê, đa phần là người lớn tuổi. Do đó, nhiều diện tích ruộng đồng bị bỏ hoang, không có người làm. Từ khi thực hiện mô hình “Làng quân - dân”, nhiều diện tích trước kia bị bỏ hoang thì nay là màu xanh của những ruộng lúa, bãi ngô, rau màu phủ kín “cánh đồng quân - dân”. Bên cạnh đó, Sư đoàn 3 chỉ đạo Tiểu đoàn 17 phối hợp với Chi hội nông dân thường xuyên nhắc nhở, động viên người dân xuống đồng cùng với bộ đội nạo vét kênh mương nội đồng, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch nông sản với tinh thần trách nhiệm cao.
Có mặt tại nhà bà Vũ Thị Quyến, là hộ có hoàn cảnh khó khăn, chồng mất sớm, một mình nuôi hai người con gái, trong đó người con gái lớn (SN 1987) phát triển không bình thường, người con gái thứ hai (SN 1992) lấy chồng ở xa, bản thân bà Quyến lại thường xuyên đau ốm. Nhiều năm phải sống trong ngôi nhà sập sệ, đến mùa mưa bão có nguy cơ mất an toàn. Cục Chính trị Quân khu 1 và Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang đã hỗ trợ 150 triệu đồng, cùng với sự giúp đỡ của anh em họ hàng và số tiền dành dụm của gia đình, sau hơn 3 tháng thi công, ngôi nhà “Đoàn kết quân dân” của gia đình bà Quyến sắp hoàn thành. Ngôi nhà có diện tích 146m2, tường xây gạch xi măng, đổ trần lợp mái tôn, nền gạch hoa với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng. Trong thời gian xây dựng, gia đình bà Quyến được cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 giúp đỡ hàng trăm ngày công để phá dỡ ngôi nhà cũ, san lấp mặt bằng, vận chuyển nguyên vật liệu... Binh nhất La Công Vĩnh - chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 17, chia sẻ: “Được chỉ huy đơn vị phân công cùng đồng đội giúp đỡ gia đình bà Quyến, chúng tôi thấy rất phấn khởi, ai cũng nhiệt tình, trách nhiệm. Được giúp đỡ gia đình bà Quyến, chúng tôi cảm thấy như giúp đỡ người thân của chính mình”.
Theo đồng chí Nguyễn Huy Biên - Bí thư Chi bộ thôn Ngọc Sơn, hoạt động chính của mô hình “Làng quân - dân” gồm: Phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phối hợp tham gia phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội;sửa chữa đường, xây dựng, tu bổ nhà văn hóa, xây dựng nhà đoàn kết quân dân, dọn dẹp cảnh quan, môi trường, vẽ tranh bích họa, trồng hoa, cây xanh, xây dựng đường điện, bóng đèn thắp sáng đường làng, ngõ xóm...
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện mô hình, các cơ quan chức năng của Sư đoàn và Tiểu đoàn 17 phối hợp với cấp ủy, chính quyền thôn Ngọc Sơn tổ chức thành lập “Đội Văn nghệ quân - dân” gồm 20 thành viên là hạt nhân phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương và đơn vị. Đội tổ chức dàn dựng, tham gia biểu diễn 8 buổi vào các dịp: Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; giao lưu với cán bộ, chiến sĩ khi Tết đến xuân về, giao lưu cán bộ, chiến sĩ với chiến sĩ mới, chào mừng thành lập QĐND Việt Nam (22-12)…
Mô hình “Làng quân - dân” còn được thực hiện thông qua các hoạt động thiết thực như: Duy trì hoạt động “Con đường quân - dân” với chiều dài 2,2km. Vào ngày chủ nhật hằng tuần, bộ đội cùng với nhân dân địa phương tham gia chỉnh trang cảnh quan, vệ sinh môi trường, chăm sóc bồn hoa, cây cảnh. Bộ đội còn phối hợp với Chi đoàn thanh niên thôn Ngọc Sơn tổ chức vẽ hơn 60m2 tranh bích họa với nhiều chủ đề phong phú thể hiện mối quan hệ đoàn kết quân dân trong xây dựng nông thôn mới... Sư đoàn 3 đã trao tặng, lắp đặt hệ thống âm ly, loa tại Nhà văn hóa thôn Ngọc Sơn trị giá gần 20 triệu đồng; trao tặng gần 100 đầu sách các loại làm phong phú “Thư viện quân - dân”; hỗ trợ ngày công giúp địa phương lắp đặt 6 chiếc“camera an ninh quân - dân”; giúp đỡ thanh thiếu nhi tập luyện nghi thức Đội, vẽ tranh, văn nghệ chuẩn bị tham gia trại hè năm 2023 đạt giải cao; thăm hỏi, tặng quà 5 lượt gia đình chính sách, người có công vào các dịp lễ, Tết, 27-7; tham gia giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn hàng trăm ngày công.
Thông qua hoạt động “nhóm Zalo quân - dân” (với 10 thành viên, gồm: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng các ban ngành đoàn thể của địa phương và chỉ huy Tiểu đoàn 17) đã kịp thời trao đổi, phản ánh những thông tin “nóng” diễn ra trên địa bàn về tình hình ANCT, TTATXH như: Xuất hiện đối tượng khả nghi về trộm cắp tài sản, các tụ điểm tệ nạn xã hội hoặc giúp đơn vị về thông tin chiến sĩ vi phạm tác phong quân nhân, đi lại tự do, vi phạm kỷ luật.
Sau hơn 1 năm thực hiện, mô hình “Làng quân - dân” vừa góp phần xây dựng đơn vị an toàn gắn với địa bàn an toàn, giữ vững ANCT, TTATXH, vừa tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho người dân thôn Ngọc Sơn.
Trần Như Khánh