Mô hình hợp tác xã kiểu mới tại huyện Thanh Trì, Hà Nội

Một trong những nhiệm vụ quan trong mà Hội đề ra là tạo nguồn lực để hoạt động hội đạt được hiệu quả cao. Là Ủy viên UB T.Ư MTTQ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng kinh tế T.Ư MTTQ, Chủ tịch Hội PTTR & BTST Hà Nội Nguyễn Ngọc Khôi đã tham dự buổi tọa đàm xây dựng Hợp tác xã kiểu mới được MTTQ, liên minh HTX phối hợp tổ chức ngày 11-4-2015. Tại buổi tọa đàm có nhiều các nhà khoa học, các ủy viên tư vấn kinh tế T.Ư, MTTQ tham dự. Sau khi phân tích, dẫn chứng và tham khảo kinh nghiệm hoạt động thành công của một số hợp tác xã trong cả nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân đã đúc kết 9 nguyên tắc thành lập và hoạt động cơ bản của HTX kiểu mới: “Tự giúp đỡ lẫn nhau; tự chịu trách nhiệm; tự quản lý; mỗi xã viên đều có quyền biểu quyết; Bản chất kép (xã viên vừa là chủ vừa là khách mua hàng); thị trường kép; sử hữu kép và hạch toán kép; giám sát kép và có trách nhiệm với xã hội”. Nắm chắc tinh thần chung đó, Chủ tịch Hội PTTR & BTST Hà Nội-Nguyễn Ngọc Khôi đã đề ra ý tưởng lập các hợp tác xã kiểu mới của Hội, trước mắt là thành lập một mô hình HTX kiểu mới tại huyện Thanh Trì thuộc Hội PTTR & BTST huyện Thanh trì.
Huyện Thanh Trì nằm ở phía hữu ngạn sông Hồng, ở phần cuối thấp dần theo chiều tây bắc-đông nam của Thủ đô Hà Nội. Nét đặc trưng của cảnh quan nơi này là một vùng nhiều sông ngòi và đầm hồ. Bao bọc xung quanh huyện Thanh Trì là sông Hồng ở phía đông, sông Nhuệ ở phía tây. Phía bắc là sông Kim Ngưu, ở giữa có sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ tạo nên hình ảnh rõ nét về một "tứ giác nước" - bên cạnh những "tứ giác nước" khác của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Dịa thế thấp, nhiều ruộng trũng, ao đầm, nguồn nước dồi dào là những điều kiện tự nhiên thuận lợi để Thanh Trì có một nền nông nghiệp đa dạng và lâu đời với nhiều loại sản vật có chất lượng cao. Những sản vật của vùng Thanh Trì có lẽ năng suất không cao bằng nhiều nơi khác, nhưng bù lại, nó đã mang một hương vị riêng, chiều được khẩu vị khó tính của người Hà Nội: mướp hương Quỳnh Lôi, cà pháo Hoàng Mai, cá rô Đầm Sét, cá chép Đầm Đại... "lúa đồng Ngâu" (làng Yên Ngưu) thơm ngon đã làm nên "rượu hũ làng Ngâu" nổi tiếng. Mọi người biết đến Thanh Trì, nhớ đến Thanh Trì với hình ảnh một vùng quê nông nghiệp trù phú cận kề đô thị đã mang đến cho Hà Nội nhiều sản vật và góp phần tạo nên diện mạo của một vùng văn hóa ẩm thực. Cho đến nay, những dấu ấn đó còn đậm nét và tiếp tục phát triển trong lòng của Thủ đô Hà Nội hiện đại.
Từ đặc điểm của địa bàn, nhiều doanh nhân đã có hướng phát triển kinh doanh sản xuất dựa trên những trang trại nuôi trồng cây, con, trong đó có nhiều trang trại nuôi trồng nông thủy sản. Nhiều trang trại làm ăn có hiệu quả như CCB Nguyễn Văn Ngâm ở Đông Mỹ, Thanh Trì sở hữu 37.000m2 mặt nước; CCB Đặng Quang Thế ở Ngũ Hiệp, Thanh Trì, sở hữu gần 70.000m2 mặt nước; Hoàng Văn Liên ở Đông Mỹ, sở hữu gần 46.000m2 mặt nước… Tuy nhiên vẫn có đặc điểm chung là các doanh nhân vẫn tự phát kinh doanh, chưa có sự kết nối cùng giúp nhau làm ăn có hiệu quả.
Khi ý tưởng thành lập mô hình HTX kiểu mới do ông Khôi đề ra, các doanh nhân, các chủ trang trại rất đồng tình. Tại cuộc tọa đàm bàn kế hoạch thành lập một HTX chăn nuôi thủy sản kiểu mới của Hội PTTR & BTST Hà Nội, ý tưởng này được các doanh nhân rất chú ý. Các hội viên đã thảo luận và mổ xẻ các vấn đề, rút ra được những nguyên tắc đặc thù trong mô hình hợp tác xã kiểu mới của huyện trong Hội PTTR & BTST Hà Nội.
Thứ nhất Hợp tác xã thành lập trên tinh thần tự nguyên, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển kinh tế. Kết nạp các hội viên của Hội để cùng nhau sản xuất môi trường thủy sản, cùng nhau nghiên cứu nuôi trồng một loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá trắm đen, cá chép, ba ba... Ban quản trị HTX sẽ là đầu mối đối nội, đối ngoại. Trước mắt sẽ đề nghị Sở Nông nghiệp hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, giúp con giống... Ban Quản trị sẽ tìm đầu ra, ký hợp đồng với nhà hàng, siêu thị và các đối tác cung cấp thực phẩm sạch cho họ.
Thứ hai các xã viên là hội viên có ao hồ sẽ áp dụng khoa học kỹ thuật để nuôi trồng, để thu hoạch sản phẩm thủy sản có chất lượng cung cấp ra thị trường. Ban Quản trị kết nối với các tổ chức tín dụng giúp xã viên có vay vốn với lãi suất thấp. Việc vay vốn có thể là tín chấp, thế chấp… Nếu phải thế chấp thì xã viên nào vay sẽ dùng tài sản của mình để thế chấp các khoản vay của xã viên đó.
Thứ ba là các xã viên sẽ trích phần trăm lợi nhuận cho Ban QT để duy trì hoạt động. Khi có dự án lớn thì tất cả tài sản của các xã viên sẽ được gộp lại thế chấp cho chương trình dự án…
Những nguyên tắc chính đề ra khiến HTX kiểu mới có thể tránh được việc làm ăn manh mún, mạnh ai nấy làm, không có kế hoạch đồng thời có thể hỗ trợ nhau cùng phát triển và điều quan trong là nguyên tắc “Thị trường kép” thể hiện rất rõ: sản phẩm của các xã viên sẽ tự tiêu thụ cho nhau khi thị trường ngoài chưa tiêu thụ hết.
Từ những ý tưởng và nguyên tắc chính do ông Khôi đưa ra, các hội viên Hội PTTR & BTST Hà Nội đã nhất trí và việc thành lập HTX chăn nuôi thủy sản kiểu mới huyện Thanh Trì của Hội hiện đã bắt đầu được triển khai tiến hành. Ngày 10-5-2015, lễ ra mắt Hợp tác xã chăn nuôi thủy sản kiểu mới huyện Thanh Trì của Hội PTTR & BTST Hà Nội đã được tổ chức. Hội PTTR & BTST Hà Nội đã cử ra Ban vận động thành lập HTX kiểu mới gồm 4 doanh nhân, có nhiệm vụ vận động mở rộng HTX, tăng số lượng các xã viên, đồng thời bước đầu điều hành hoạt động của HTX theo đúng điều lệ đã quy định.
Q.V-A.H