Theo thông tin từ Cục Bảo trợ Xã hội kiêm Giám đốc Văn phòng điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam (NCCD), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: chương trình mít tinh, giao lưu, hội chợ triển lãm và sàn giao dịch việc làm dành cho người khuyết tật sẽ được tổ chức ngày 28/11, tại vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội).

Đây là một trong những hoạt động thường niên do NCCD, Cục Bảo trợ Xã hội - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì nhằm hưởng ứng ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12). Năm nay, Liên hiệp quốc đã lấy chủ đề cho ngày Quốc tế người khuyết tật là: "Hòa nhập vì mục tiêu phát triển thiên niên kỷ: nâng cao vị thế người khuyết tật và cộng đồng của họ trên toàn thế giới". Công ước về Quyền của người khuyết tật đã được Đại Hội đồng Liên hiệp quốc thông qua tại kỳ họp 61 ngày 13/12/2006. Việt Nam đã ký tham gia Công ước vào ngày 22/10/2007. Ngày 3/5/2008, Công ước về Quyền của người khuyết tật đã chính thức có hiệu lực trên toàn thế giới. Đến nay đã có 146 quốc gia ký tham gia Công ước và 41 quốc gia phê chuẩn Công ước.

Tại ngày hội sẽ có các gian hàng giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của người khuyết tật, các bàn thông tin của các tổ chức người khuyết tật, sàn giao dịch việc làm dành cho người khuyết tật với sự tham dự của trên 30 đơn vị tuyển dụng. Các đơn vị tuyển dụng sẽ niêm yết công khai chỉ tiêu, tiêu chí từng vị trí làm việc cho người khuyết tật được biết. Ngoài ra, ngày hội còn có hoạt động đi bộ xung quanh vườn hoa Lý Thái Tổ và các chương trình văn hóa, thể thao khác.

Ngày hội giao lưu sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Điều phối viên thường trú của Liên hiệp quốc tại Việt Nam, đại diện các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức có liên quan và khoảng 2.000 người khuyết tật thành phố Hà Nội.

Theo số liệu thống kê, trên thế giới hiện có khoảng 600 triệu người khuyết tật, trong đó có hơn 400 triệu người ở 63 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ở Việt Nam hiện có khoảng 5,3 triệu người khuyết tật, chiếm 6,34% dân số. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến người khuyết tật với quan điểm "không ngừng nâng cao đời sống vật chất của mọi thành viên trong xã hội; chăm lo đời sống của những người già neo đơn, tàn tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi"; Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật được học văn hóa và học nghề phù hợp. Năm 1998, chúng ta đã có Pháp lệnh về người tàn tật và hiện đang xây dựng Luật Người khuyết tật (dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XII biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 7, tháng 5/2010). Luật Người khuyết tật khẳng định quyền của người khuyết tật được bình đẳng về chính trị, kinh tế, xã hội, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, có việc làm phù hợp để ổn định và phát triển./.

Cao Thúy