MiG.21 bắn hạ F.4 bằng 1 quả tên lửa R-3S

(Trận không chiến ngày 16-6-1968)

Sau các trận đánh thắng của Không quân ta trên bầu trời Khu 4 (tháng 5-1968), góp phần bảo vệ mặt trận giao thông vận tải chi viện chiến trường, Bộ Tư lệnh Không quân tiếp tục đưa lực lượng vào Khu 4 để chiến đấu.

Theo tin tức tình báo, ngày 16-6-1968, không quân Mỹ sẽ đánh phá một số mục tiêu trên đường số 7 và đường 15 ở Nghệ An. Sau khi phân tích tình hình, Bộ Tư lệnh Không quân quyết định giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 921 sử dụng MiG.21 chuyển sân vào Sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) để đánh đội hình cường kích của không quân Mỹ tại vùng trời Đô Lương (Nghệ An).

Tại Sở chỉ huy Trung đoàn 921 ở Sân bay Thọ Xuân, Trung đoàn phó Trần Hanh chủ trì kíp trực. Chỉ huy trung đoàn quyết định giao nhiệm vụ chiến đấu cho Biên đội thuộc đoàn học MiG-21 mới tốt nghiệp ở Liên Xô về, gồm Đinh Tôn và Nguyễn Tiến Sâm, là hai phi công có trình độ bay giỏi, có khả năng độc lập tác chiến và xử lý tốt các tình huống chiến thuật. Đây cũng là trận xuất kích đầu tiên của phi công trẻ Nguyễn Tiến Sâm.

Đúng 14 giờ 30 phút ngày 16-6-1968, Biên đội Đinh Tôn - Tiến Sâm được lệnh xuất phát từ Sân bay Nội Bài vào Sân bay Thọ Xuân. Sau khi hạ cánh, Biên đội được Trung đoàn phó Trần Hanh trực tiếp giao nhiệm vụ. Vào lúc gần 16 giờ, Biên đội vào cấp 1, cất cánh lúc 16 giờ, hướng thẳng vào vùng trời khu vực Đô Lương (Nghệ An).

Vào cách Đô Lương khoảng 8km, Biên đội phát hiện các điểm nổ của pháo phòng không đánh trả máy bay Mỹ; cả hai phi công tăng cường quan sát và phát hiện 4 chiếc F-4 đang bay theo đội hình “bàn tay xòe”, ở cự ly cách khoảng 12km. Theo tin tình báo thì đây là biên đội F-4 thuộc Phi đoàn VF-102 từ tàu sân bay của Mỹ trên Biển Đông, có nhiệm vụ chế áp MiG của ta, để các biên đội cường kích của chúng tấn công các mục tiêu ở phía bắc T.P Vinh.

Khi phát hiện MiG bám theo đội hình, 2 trong số 4 chiếc F-4 quay vòng trở lại, nhưng 2 chiếc MiG.21 nhanh chóng bám sát. Và lập tức, Biên đội trưởng Đinh Tôn lệnh cho Nguyễn Tiến Sâm bỏ thùng dầu phụ, bật tăng lực. Phát hiện thấy 3 trong 4 chiếc F-4 tháo chạy, chiếc thứ tư vòng về bên trái, tạt ngang phía dưới MiG, Đinh Tôn quyết định dùng kỹ thuật vòng gấp trái bám theo chiếc này.

Giặc lái điều khiển chiếc G-4 thứ tư phát hiện MiG bám theo, cố tìm cách cơ động nhanh, tháo chạy. Lợi dụng ưu thế tốc độ của MiG.21, Đinh Tôn rút ngắn cự li, đưa mục tiêu vào vòng ngắm, chờ thời cơ F-4 cải bằng để phóng tên lửa. Đúng như dự định của Đinh Tôn, khi chiếc F-4 cải bằng, ở cự ly 1.500m, anh ấn nút phóng, quả tên lửa R-3S trùm lên và chiếc F-4 bốc cháy. Đinh Tôn kịp thời kéo lên, quan sát toàn cảnh chiếc F-4 bị mình bắn hạ và nhanh chóng thoát ly về Sân bay Thọ Xuân.

Chiếc F-4 bị trúng tên lửa, do Trung tá Walter Eugen Wilber và Trung úy nhất Bernad Francis Rupinski điều khiển. Quả tên lửa trúng phần đuôi chiếc F-4, khiến nó bốc cháy và giặc lái nhảy dù. Nhưng chỉ có Trung tá Walter Eugen Wilber sống, bị bắt, còn Trung úy nhất B.F Rupinski bị cho là chết trận.

Trong khi số 1 Đinh Tôn tiến công địch, số 2 Nguyễn Tiến Sâm luôn bám chắc đội hình để yểm trợ cho số 1. Khi phát hiện số 1 phóng tên lửa trúng phần đuôi chiếc F-4 và thấy chiếc máy bay bốc khói kèm theo một vệt lửa kéo dài, Tiến Sâm cho rằng chiếc F-4 tăng tốc bỏ chạy, lập tức thao tác chuẩn bị phóng tiếp tên lửa. Nhưng khi chuẩn bí ấn nút phóng thì Tiến Sâm phát hiện đuôi chiếc F-4 có pháo hiệu vàng phát ra và giặc lái đã nhảy dù, anh liền thoát ly trở về sân bay. Trên đường về Sân bay Thọ Xuân, máy bay của Tiến Sâm còn bị một tốp F-4 bám đuổi, nhưng được mặt đất thông báo, anh đã xử lý bằng kỹ thuật bay dích dắc, không để cho đối phương phóng tên lửa và trở về sân bay an toàn.

Như vậy, chỉ với 1 quả tên lửa không đối không R-3S, trong trận không chiến ngày 16-6-1968, Biên đội MiG-21 Đinh Tôn - Nguyễn Tiến Sâm đã bắn hạ 1 chiếc F-4 của Mỹ. Đây cũng là kỷ niệm sâu sắc trong trận đầu không chiến của với Nguyễn Tiến Sâm.

Việt Hưng