Miễn nhiệm, từ chức phải “bình thường hóa”
Ngày 3-11-2021 Bộ Chính trị ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ (viết tắt là QĐ41), thay thế Quy định số 260-QĐ/TW ngày 2-10-2009.
QĐ41 có 4 Chương, 12 Điều, nêu rõ các nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức của cán bộ. Rõ ràng đây là một động thái mới rất mạnh mẽ, thật cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới, mở ra một điều kiện tốt hơn, hợp lý hơn về công tác bố trí, sử dụng và quản lý cán bộ.
Tuy trước đây đã từng có quy định từ chức đối với cán bộ, nhưng thực tế cho thấy rất ít khi có cán bộ từ chức, có thể là do ở nước ta còn xa lạ với động thái từ chức như ở các nước khác, điều này chứng tỏ quy định trước đây chưa chặt chẽ về lý, chưa thấu đáo về tình nên chưa thu phục được nhân tâm so với QĐ41 hiện nay.
Đã từ lâu, tình hình cán bộ dôi dư so với biên chế kéo dài, nhưng người thực sự làm được việc theo yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra lại không đáp ứng được bao nhiêu; do đó, số lao động dôi dư trở thành gánh nặng cho người sử dụng lao động.
Trong nhiều cơ quan hành chính sự nghiệp thì số lao động vượt định biên không phải là ít; tình trạng cán bộ “sáng cắp ô đi tối cắp về” hình như ở đâu cũng có, thậm chí có cơ quan, đơn vị tỷ lệ này chiếm đến 30% số lao động đang nhận lương thực tế! Nhưng giải quyết cho thấu tình đạt lý tình trạng này quả không đơn giản chút nào, bởi cơ chế, chính sách, quy chuẩn, quy trình còn vướng víu nhiều chỗ; chuyện “con anh, cháu tôi” ràng buộc níu kéo nhau rất khó xử… Đó là những lý do làm cho tình trạng chồng chéo, to phình biên chế vô tội vạ nhưng chậm được xử lý đã và đang gây bức xúc trong việc bố trí sử dụng cán bộ, ảnh hưởng đến chính sách tiền lương, quỹ phúc lợi của từng đơn vị.
Từ thực tiễn trên, việc ra đời QĐ41 như một luồng sinh khí mới, chẳng khác gì một loại “vũ khí” mới nâng cao sức chiến đấu trên “mặt trận” chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần động viên, bảo vệ sự trong sáng của đội ngũ cán bộ hiện nay của Đảng và Nhà nước ta.
Gần đây, đã có không ít lần cán bộ ta được những người có trách nhiệm chia sẻ và khuyên nhủ thẳng thắn rằng, nếu sợ đụng chạm không dám làm, không muốn làm hoặc lo sợ trách nhiệm, không làm được việc hoặc muốn ngừng nghỉ nhiệm vụ thì, như Tổng Bí thư nói: “Đứng sang một bên để người khác làm”.
Bây giờ QĐ41 chẳng khác nào là cẩm nang hành động dành cho mỗi tổ chức cơ sở đảng và cán bộ không chỉ đứng sang một bên mà “từ quan”, đi làm việc khác cho phù hợp hơn. Các nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ đặt ra trong QĐ41 chính là những điểm mấu chốt trong việc xóa bỏ tình trạng ỷ lại, dựa dẫm, thao túng, bao che, hoặc nâng đỡ không trong sáng… trong việc xem xét, đánh giá nhận xét cán bộ để xử lý từng trường hợp cụ thể vào cuối nhiệm kỳ hoặc trong các đợt lấy phiếu tín nhiệm theo quy định.
Tuy QĐ41 vẫn còn ở “điểm giữa” giữa tự giác và bắt buộc, nhưng dù sao chúng ta vẫn hy vọng rằng QĐ41 sẽ là một “át chủ bài” của T.Ư, thể hiện sự đổi mới trong công tác cán bộ của Đảng ta, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trước yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới. Từng bước tạo ra được một đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên” đáp ứng cả trước mắt và lâu dài, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ “tâm”, đủ “tầm” triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, Quy định của T.Ư.
Thực tiễn cũng đang đòi hỏi việc miễn nhiệm, từ chức phải sớm được “bình thường hóa” trong công tác tổ chức, cán bộ của Đảng ta.
Mai Mộng Tưởng