Xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng, mẹ và chồng là ông Nguyễn Văn Phèn tham gia cách mạng từ rất sớm. Mẹ nhiều lần tổ chức nuôi chứa cán bộ tại hầm bí mật của gia đình để hoạt động. Đồng thời mẹ còn nhận nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thuốc men cho bộ đội. Dù trong hoản cảnh khó khăn nào mẹ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cán bộ được mẹ che giấu đều an toàn trong vòng vây của địch.
Mẹ Trương Thị Huỳnh nhớ lại: “Hồi đó chiến tranh ác liệt lắm, bọn biệt kích, lính ngụy đàn áp rất dã man, lùng sục xóm ấp ngày đêm để tìm diệt Việt cộng, má phải khéo léo bơi xuồng ban đêm tới Vĩnh Long, Vũng Liêm, Minh Đức để mua lương thực, thuốc chữa bệnh cho bộ đội, nguy hiểm cỡ nào mẹ cũng đi và làm tròn trách nhiệm”.
Câu chuyện buồn đầu tiên đã đến với mẹ năm 1961. Trong một lần tổ chức đưa bộ đội cắt vòng vây tại khu “Cỏ Bỏ” xã Hòa Hiệp, bị kẻ chiêu hồi chỉ điểm, người bạn đời của mẹ, ông Phèn và 3 chiến sĩ du kích đã lọt vào ổ phục kích của tiểu đoàn biệt kích ngụy. Cả 4 người chống trả rất quyết liệt, rồi anh dũng hy sinh sau khi bắn đến những viên đạn cuối cùng.
Như những kẻ khát máu, bọn biệt kích mang xác 4 người xuống ghe máy bắn thêm nhiều loạt đạn vào thân thể. Chưa dừng lại ở đó, chúng còn dùng cột chèo đập vỡ sọ 4 chiến sĩ cộng sản cho hả cơn thịnh nộ.
Mẹ Huỳnh kể: "Mẹ nuốt nước mắt vào lòng để nuôi dưỡng 3 đứa con trai với mong muốn chúng nó sớm lớn lên vào bộ đội trả thù cho ba nó…”.
Tàn độc hơn, bọn chúng không cho các gia đình mang xác về chôn cất, bắt phơi nắng, phơi sương 2 ngày, 2 đêm tại đồn Ông Đệ để răn đe người dân nơi đây không đi theo cách mạng. Bị nhân dân đấu tranh quyết liệt, chúng mới chôn qua loa các thi thể cạnh đồn. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hài cốt 4 liệt sĩ mới được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tam Bình.
Nỗi đau chưa dừng lại ở đó. Người con trai đầu lòng của mẹ, ông Nguyễn Văn Thảo đã lén mẹ đi theo cách mạng trả thù cho ba mình. Ban đầu, mẹ lo lắng vì sợ mất con nhưng khi thấy ông khăng khăng đòi theo Quân giải phóng để tham gia chiến đấu, mẹ đồng ý.
Tháng 12-1974, trong một trận công đồn, Thảo anh dũng hy sinh. Một lần nữa mẹ lại nhận lấy khăn tang về mình.
Mẹ Huỳnh nghẹn ngào nói: “Đất nước có chiến tranh, sự hy sinh cho cách mạng là chuyện thường tình. Còn nhiều bà mẹ khác cũng vậy, chỉ mong sao cho quê hương được hòa bình là mẹ mãn nguyện rồi…”.
Năm 1980, người con út của mẹ tiếp tục tình nguyện gia nhập quân đội và chiến đấu trên chiến trường Campuchia, góp phần giúp ban thoát thảm họa diệt chủng của Pôn Pốt. Hiện anh phục viên và công tác tại tỉnh Đồng Nai.
Hiện nay mẹ đang sống cùng người con trai thứ ba trong vòng tay yêu thương, trân trọng của xóm giềng. Dù còn khó khăn do tuổi cao sức yếu, thường xuyên đau ốm khi trái gió, trở trời, nhưng mẹ vẫn thường xuyên đi thăm hỏi, động viên, vận động bà con tham gia tốt các cuộc vận động an sinh xã hội trong đó mẹ luôn là người gương mẫu đi đầu thực hiện như: làm giao thông nông thôn, nộp thuế, tuyển quân, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới…
Năm 2014, mẹ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Mẹ VNAH.
Ông Nguyễn Văn Khoa, ngụ số 112, ấp Hòa Phong nói: “Mẹ Huỳnh là tấm gương đầy nghị lực của người phụ nữ Việt Nam nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng để địa phương chúng tôi noi theo…”.
Lúc chia tay, mẹ căn dặn chúng tôi: “Đừng viết nhiều về mẹ, hy sinh cho Đảng, cho dân, cũng chính là hy sinh cho gia đình mình. Nhiều người còn mất mát nhiều hơn mẹ lắm mà họ có kể gì đâu…”.
Tấm gương sáng của Mẹ VNAH Trương Thị Huỳnh thật cao quý.
Song Anh