Mẹ vẫn thức đợi con về….

Mùa hè năm 1969, cũng như bao thanh niên trong cả nước, con trai mẹ là Nguyễn Thế Danh cùng những người bạn trong làng tòng lên đường đi chiến đấu. Lúc này cuộc chiến ngày một ác liệt hơn sau chiến dịch mùa xuân 1968. Qua một khóa huấn luyện, tất cả được điều vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày ra đi, con trai mẹ chưa đầy 20 tuổi. Một thời gian sau, mẹ vui mừng và hãnh diện khi nhận được thư của Danh cho biết đang chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị kèm theo danh hiệu “Dũng sỹ diệt xe tăng”. Đêm đêm, mẹ vẫn thì thầm van vái, mong cầu cho con và đồng đội chân cứng đá mềm, cho đất nước đến ngày hòa bình sum họp...
Mẹ rút ra từ trong chiếc gối một gói nhỏ, bàn tay gầy run run lần giở ra chiếc khăn tay màu xanh được thêu dòng chữ “Tặng anh lên đường nhập ngũ”. Mẹ nói với tôi: “Khăn của nó tặng lại cho mẹ trước khi lên đường vào Nam chiến đấu”.
Tỷ mẩn xếp chiếc khăn lại, rồi lần giở ra mẹ kể: “Khi nó nhập ngũ được mấy tháng, tui có tìm đến nơi huấn luyện ở Thanh Hóa để thăm con. Đêm đó, nó rúc đầu vào ngực mẹ, đòi tui vỗ lưng và hát ru cho nó ngủ. Chiếc chăn được cuộn lại làm gối kê đầu cho hai mẹ con ướt đẫm, không biết là nước mắt con hay là của mẹ”.
Dừng lại một lúc, rồi mẹ cất tiếng ru: “Ầu ơ, nước non khói lửa triền miên. Con đi con giữ ơ ơ bình yên muôn nhà. àh .. ơi....”
Lời ru củ mẹ hơi đứt quãng do tuổi tác, nhưng ai nghe cũng chùng lòng lại. Tôi tin những người chiến sỹ quân giải phóng ra đi ngày ấy, đều gói ghém lời hát ru của mẹ trong hành trang lúc bơi qua sông Thạch Hãn, hay lúc trèo vượt dãy Trường Sơn.
Lấy khăn chấm vào khóe mắt, rồi mẹ đọc cho tôi về những dòng thư con trai gửi về từ chiến trường Quảng Trị: “Mẹ ơi, cứ đêm đêm con cùng đồng đội lại bơi vượt dòng sông sang bờ bên kia đánh giặc, đến sáng lại quay về. Dòng sông này có tên là Thạch Hãn, cũng xanh như dòng sông Phương Tích quê mình. Chỉ khác là nó rộng hơn, thiêng liêng hơn vì có nhiều đồng đội con nằm sâu dưới đó...”.
Những bức thư, cùng với tháng năm dài, không còn nữa. Nhưng dường như những dòng chữ thân thương, như vẫn nghiêng nghiêng gương mặt trẻ trung người lính trong nỗi nhớ của mẹ. Mẹ đã già, không còn minh mẫn nữa, nhưng sao những lời con viết, con kể như vẫn vẹn nguyên ấm áp trong lòng mẹ, như lời thủ thỉ của con.
Những bức thư ấy, người lính con mẹ viết sau khi đã hoàn thành một trận đánh, cũng có thể là lúc đang chờ bước vào một trận đánh mới. Khi hình ảnh quê hương hiện lên, chắc chắn trong anh đang trào dâng lên nhiều cảm xúc. Vậy mà những cánh thư cứ thế thưa dần, thưa dần… Con đường chiến lược chạy qua làng mẹ ngày đêm tấp nập bộ đội hành quân vào phía Nam, cũng có rất nhiều đoàn xe chở các thương binh ra Bắc. Một buổi sáng, có người hàng xóm chạy vào báo tin cho mẹ: “Có mấy chú thương binh khi đi qua cầu Phương Tích, họ nói với nhau rằng đây là quê nhà của thằng Danh. Tội nghiệp nó đã hy sinh”.
Mẹ tất tả chạy theo bóng chiếc xe, hòng tìm các đồng đội để biết thêm về tin tức của con trai mình. Nhưng hơn chục cây số mà mẹ không biết hỏi ai, mẹ ngồi bệt xuống vệ đường mà khóc đến lúc trăng lên mới thất thểu quay về. Mẹ nói, đó là vào một ngày nào đó của mùa hè đỏ lửa năm 1970.
Chiến sự ngày một ác liệt hơn, tin tức của con trai hoàn toàn bặt vô âm tín, nhưng mẹ vẫn tin rằng ai đó đã lầm lẫn thằng Danh con trai mẹ với một người khác trùng tên. Con mẹ không thể chết, con trai mình đi chiến đấu vì chính nghĩa, còn mẹ một đời cung cúc tận tụy, hiền lành trời đất biết lẽ nào con phải chết!
Năm 1973, người con trai thứ hai của mẹ tiếp tục lên đường đi chiến đấu. Vậy là niềm mong ngóng bây giờ trong mẹ được nhân đôi. Ngày ngày, mẹ vẫn lo việc hậu phương và chăm sóc dây trầu bên hiên nhà với niềm tin con mẹ sẽ trở về. Mỗi khi trời chiều bắt đầu ngả bóng, từ bên mái hiên nhà được lợp bằng rạ lúa, mẹ vẫn đứng nhìn ra con đường dẫn vào làng trông đợi bóng con, cho đến lúc sương mờ giăng trên đỉnh núi sau nhà lan tỏa, khiến mẹ không nhìn rõ nữa mới thôi.
Rồi đất nước vỡ òa trong niềm vui thống nhất, những người trong xã ra đi ngày ấy lần lượt trở về. Có những người về với cơ thể không còn lành lặn, và rất nhiều tờ báo tử thấm đầy nước mắt đến với các gia đình trong làng, trong xã. Ơn trời, đứa con thứ hai của mẹ ra đi năm 1973 cũng trở về lành lặn. Nhưng thằng Danh con mẹ nó còn ở đâu, mà vẫn không một dòng tin tức. Dù thế niềm tin con vẫn bình an không hề tắt đi, mà càng bùng lên mãnh liệt trong tim mẹ.
Vào một buổi sáng năm 1976, có hai người bộ đội cùng với đại diện chính quyền xã, tìm nhà mẹ đưa đến hung tin. Tờ giấy báo tử của con trai nằm đó, cùng chiếc ba lô, cái áo trấn thủ và những vật dụng con trai mình từ tay người đồng chí trao cho làm mẹ khóc ngất. Nước mắt bao năm nín lặng, chảy vào trong bây giờ như có dịp tuôn trào ra không dứt. Những người đồng đội nói cho mẹ biết: “ Đồng chí Nguyễn Thế Danh đã hi sinh trong một lần vượt sông Thạch Hãn. Đó là đêm ngày 24-3-1970. Cả tổ ra đi có năm người, nhưng sau hai loạt bom của máy bay giặc, đồng đội chỉ tìm được 3 xác để đưa về”.
Vậy là bảy năm sau ngày con trai mẹ ra đi, khi đất nước đã hưởng trọn niềm vui thống nhất được một năm, mẹ mới biết tin con trai sẽ mãi mãi không về nữa.
Rồi các con mẹ lần lượt được dựng vợ gả chồng, chỉ còn mẹ sống trong mái nhà xưa cũ cùng với người con trai sinh năm 1962 bị bệnh tâm thần. Ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng mẹ vẫn ngày ngày phải chăm lo cơm nước, giấc ngủ cho người con bệnh tật ở cùng. Đêm đêm, mẹ cứ chong đèn thức đợi tiếng con về.
Với những bước chân khó nhọc, khuôn mặt mẹ cúi gần sát đất bởi lưng còng chở nặng thời gian. Mẹ đến bên giàn trầu hái những chiếc lá vàng gần úa.
Mẹ nói: “Dây trầu ni thằng Danh trồng cho mẹ trước ngày lên đường. Nó nói con trồng để cho mẹ có trầu ăn và ngày thống nhất con trở về lấy vợ, sẽ có sẵn những lá trầu nhà làm lễ dạm hỏi khỏi phải mua. Rứa mà, ngày thống nhất lâu rồi răng nó vẫn chưa trở về là răng cháu”. Tôi cúi đầu lảng tránh vì không biết phải trả lời mẹ sao đây.
Chị Dinh, con dâu mẹ kể: “Bây giờ bà đã tuổi cao và nghễnh ngãng, nhưng chuyện về bác Danh thì bà vẫn nhớ như in. Trước đây mấy năm, cứ vào đêm mưa là mẹ tôi thức dậy đi ra đứng ở hiên nhà. Bà nói: “Mẹ đứng đây thức đợi thằng Danh về, sợ nó gọi lúc mẹ ngủ quên không kịp mở cửa nó sẽ bị ướt mất”. Phải dỗ dành mãi bà mới chịu trở vào giường. “Kể từ khi xây mộ cho bác Danh, ngọn đèn mẹ thắp để đợi con trai đã không còn sáng thâu đêm nữa, mẹ đã tin con mẹ nằm trong ngôi mộ đó” chị Dinh nói thêm như vậy.
Có lẽ vì niềm tin cũng không thể tồn tại mãi với ngần ấy năm trời, bốn mươi năm rồi còn đâu mà chờ đợi. Hay là kể từ khi một ngôi mộ gió vô hồn cốt của Liệt sỹ Nguyễn Thế Danh được dựng lên?
Khu vườn nhà mẹ vẫn xanh, dây trầu không vẫn tươi tốt, vại nước vẫn đầy. Nơi bậu cửa, người con không bình thường của mẹ với nụ cười vô tư ngơ ngác đang ngồi. Bất chợt, mẹ đi vào bàn thờ nơi có di ảnh của liệt sỹ Nguyễn Thế Danh, khó nhọc nhìn lên tấm hình người lính đang cười rồi trở về chiếc võng của mẹ. Đôi mắt không còn mơ màng như khi kể chuyện, với một giọng nhẹ nhàng tựa như cơn gió thoảng qua, mẹ nói: “Tui biết, thằng Danh hy sinh đến nay không tìm được hài cốt mà”.
Chầm chậm nhúc nhắc đi vào nhà với tấm lưng còng sát đất, mẹ cất lời ru: “À ơi, à ơi.. Mẹ thương con lên cầu ái tử, vợ trông chồng lên núi vọng phu ơ ơ.. chiều chiều trông vào biên khu ....”
Nắng đã dịu nhẹ, dòng sông Phương Tích phía trước nhà mẹ vẫn êm đềm uốn lượn. Tôi cất tiếng gọi thầm từ trái tim bằng tất cả sự kính trọng: Mẹ ơi!
Thế Sơn