Mê rừng như ông Niệm
CCB Đinh Xuân Niệm ngày ngày vẫn cùng con cháu vào rừng chăm sóc, bảo vệ những cây gỗ quý.
Đến được bản Hà, thuộc xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, xe chúng tôi phải rẽ cây, vượt ghềnh và nín thở qua những khúc cua. Chỉ khi nhìn thấy ngôi nhà gỗ ba gian nằm yên bình bên cánh rừng bạt ngàn, bao vất vả của chặng vượt rừng mới vơi đi.
Ông Niệm năm nay đã 80 tuổi. Ông bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng hồi ức về những trận quyết chiến giữa núi rừng Quảng Trị khi ông còn là bộ đội thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324. Sau đó chúng tôi hỏi ông về chuyện ông trồng và bảo vệ rừng.
Ông kể, ông trồng rừng sau khi tỉnh ngộ: Cứ phá rừng, chặt cây mãi thế này, cũng đến lúc rừng cạn kiệt, còn gì mà khai thác. Phải tính chuyện lâu dài.
Thế là ông nhận 5 héc-ta rừng rồi chuyển cả nhà ở trung tâm xã vào bản Lèn Hà sinh sống với dự định tự tay trồng cây, gây rừng. Để phủ xanh 5 héc-ta đất rừng khai phá, CCB Đinh Xuân Niệm ngày ngày đi bộ hàng chục lần vào tận rừng sâu cõng cây giống đem về trồng. Những ngày nắng như đổ lửa, người lính già oằn lưng cõng nước từ suối lên tưới cây. Những ngày mưa bão, khi cây còn non, ông phải buộc chống từng cây một. Giờ đây, hơn 2.000 cây lim, 500 cây sưa, chừng ấy cây vàng tâm và 5.000 cây trầm gió cùng nhiều cây bản địa khác đua nhau cao lớn. Lưng người lính già càng còng xuống thì những cái cây ông trồng ngày càng cường tráng vươn cao. Nhiều lúc muốn ngắm cái cây do tay mình trồng, ông phải bám tay vào thân cây, ngửa mặt nhìn lên cao chót vót...
Điều đáng nói là khu rừng của gia đình, ông chỉ trồng những cây rừng bản địa như trầm gió, vàng tâm, lim. Mọi người hỏi ông, sao không trồng keo, tràm cho chóng được thu hoạch, người lính già chỉ lặng lẽ cười rồi giải thích: trồng keo, tràm chỉ dăm năm là bán được, nhưng đất lại dễ bị rửa trôi, bạc màu và cây hay đổ gãy khi mưa bão. Trồng cây bản địa tuy lâu thu hoạch nhưng ông muốn bảo tồn một số loài cây gỗ quý của rừng mà mình đã từng khai thác trái phép, giữ lại một mảng thiên nhiên hoang sơ như nó vốn có.
Quảng Bình vốn là rốn lũ, rốn bão, nhưng khu vực gia đình ông sống luôn được rừng chở che. Ngay như ngôi nhà gỗ cấp bốn của vợ chồng ông làm mấy chục năm nay, qua bao trận bão rồi vẫn vững chãi dưới bìa rừng.
Để có được khu rừng này, chúng tôi hiểu ông Niệm yêu rừng biết nhường nào. Tình yêu rừng đã ngấm vào người lính già sâu đến độ, năm ngoái vinh dự được cùng đoàn CCB tiêu biểu tỉnh Quảng Bình về Hà Nội thăm lăng Bác, nhìn thấy những con phố vắng bóng cây xanh, ông Niệm chỉ thầm ao ước được mang rừng về phố.
Hồng Linh – Phạm An