Mấy nhịp cầu yêu (27/12/2012)

Dân làng Vị Thanh (Hậu Giang) quê Út, rất quý Nhứt. Anh ở lại đây bốn ngày, dạy cho trai làng cách bắn súng, tập võ. Lúc đó, Út hay trộm nhìn. Út thường vá quần áo rách cho anh. Đó cũng là lúc anh được ngồi cạnh cô, rụt rè trò chuyện về gia đình, trận đánh, đồng đội… Vá được hai ngày thì quần áo lại rách hết. Để thêm một buổi bên Út, Nhứt lại tìm cách "biến" bộ quần áo lành lặn của mình cho nó rách đi. Chẳng biết Út có nhận ra “mưu mẹo” của Nhứt hay không, nhưng lần nào đón lấy cái quần áo rách, cô cũng nhiệt tình vá giúp và lặng ngồi nghe anh kể chuyện. Đã bao lần Nhứt định lấy hết dũng khí, cầm tay Út nói rõ lòng mình. Nhưng rồi khi gần cô, dũng khí ấy lại biến đi đâu mất. Tự làm rách áo nhờ em vá giùm… Thế mà ngày tạm biệt Út về đơn vị, chỉ vì tính nhút nhát, anh vẫn chưa kịp ngỏ lời yêu. Anh kể:

  • Về đơn vị rồi, tôi vẫn không nguôi nhớ Út. Nhớ cổ rồi lại tự trách mình ngu, mình nhát. Tin tức về cổ thì bặt tăm. Cuối năm 1953, tức hai năm sau lần gặp Út, tôi bị thương nặng trong một trận càn ở Phong Điền, chân phải bị cắt bỏ, chân trái bị gãy, tay phải bị giập nặng… Nằm tại quân y viện ở U Minh, tôi gặp anh Phương, cũng là thương binh nằm điều trị tại đây. Vừa biết tên tôi, ảnh thảng thốt hỏi lại: "Có thật anh là Lê Thống Nhứt không?". Tui gật đầu thì ảnh hỏi dồn: "Anh có cô người yêu tên Út, quê ở Vị Thanh đúng không?". Nghe nhắc đến người con gái mình thương, tôi ráng ngồi dậy, hỏi: "Anh biết Út?". Lúc này ảnh ôm vai tôi, xúc động nói: "Tôi thương Út, theo đuổi hơn một năm rồi xin hứa hôn, nhưng cô ấy nhất mực từ chối. Út nói Út chờ anh Lê Thống Nhứt. Bặt tin anh đã lâu, cô ấy cứ tưởng anh hi sinh rồi…".

Tập kết ra Bắc, ở Hà Nội, anh thương cô Xuân Búp, hơn anh vài tuổi. Những lần cùng cô đi chơi, ngồi cạnh, anh muốn nói lời yêu thương, muốn cầm tay cô, nhưng cái tính nhút nhát năm nào vẫn cố hữu dù anh đã 30 tuổi. Anh bảo hai người yêu nhau, nhưng người này cứ chờ lời ngỏ của người kia, cứ như thế suốt hai năm ròng. Một ngày, anh cố lấy hết dũng khí, hít thật sâu và gặp cô, lưỡi líu lại:

  • Có một điều tôi muốn nói với chị lâu rồi, nhưng nay tôi mới đủ can đảm để nói: Tôi… tôi yêu chị!

  • Tôi chờ câu nói này của anh rất lâu rồi. Nhưng… nếu anh nói sớm hơn ba tháng trước thì tốt biết mấy, tôi vừa hứa hôn với người ta.

Nhìn đôi mắt đẫm buồn của Xuân Búp, anh biết mình đã nói quá muộn…

Năm 1976, anh trở lại TP Hồ Chí Minh. 54 tuổi, anh đã nghĩ có lẽ mình sẽ sống cô đơn như thế đến cuối đời thì gặp bà Trương Ngọc Mai, quê ở Tây Ninh, lên TP Hồ Chí Minh học nghề uốn tóc. Sự dịu dàng và tính chịu thương chịu khó của người phụ nữ gốc Hoa làm trái tim ông một lần nữa lỗi nhịp. Nhớ lại thuở mới quen nhau, bà Mai tâm sự:

  • Tôi thấy ảnh tàn nhưng không phế, ảnh làm nhiều việc thiện, việc tốt, được mọi người quý trọng, nên mình cũng cảm mến. Những lần gặp nhau, tôi rất thích nghe ảnh kể chuyện chiến đấu. Nghe hoài mà không chán, thậm chí tôi thêm kính phục anh thương binh này. Rồi từ cảm mến, kính phục, tôi đem lòng thương ảnh lúc nào không hay.

Biết con gái mình phải lòng người thương binh đặc biệt, lại hơn con mình gần 20 tuổi, ba mẹ Mai cấm cản quyết liệt. Nhưng những phẩm chất của anh thương binh và tình yêu mãnh liệt của họ đã khiến ông bà nghĩ lại.

Đến bây giờ, ngày 12-12-1986 vẫn in đậm trong tâm trí họ. Đó là ngày ông bà hạnh phúc trong chiếc áo cưới cài hoa đỏ (ảnh) tay trong tay ra mắt quan viên hai họ, các vị lãnh đạo, bạn bè trong lễ cưới giản dị. Hai vợ chồng nghèo nên tiệc trà do chính quyền, đoàn thể, UBND phường 17 (nay là phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) đứng ra tổ chức. Ông Nhứt kể:

  • Đám cưới đơn giản mà ấm cúng vô cùng. Không có niềm vui nào bằng khi các chú, các bác lãnh đạo dù bận trăm công nghìn việc cũng lặn lội đường xa đến mừng cho hạnh phúc của chúng tôi. Bữa đó, lên bục giới thiệu chú Sáu Giàu (giáo sư Trần Văn Giàu), Thiếu tướng Tô Ký, Đại tá Tư Tăng… mà tôi xúc động đến nghẹn lời. Chú Sáu Giàu có cho vợ tôi 20.000 đồng rồi dặn: “Chú cho con tiền để nuôi heo, đừng ăn bánh hết nghen”. Kỷ niệm đó tôi nhớ mãi đến bây giờ.

Ba năm sau, đứa con trai của Lê Thống Nhứt ra đời trong niềm vui vỡ òa của đôi vợ chồng già.

QUỲNH NGA