Đơn vị dự định về núi Bút khai chiến, nhưng khi đến nơi thì cấp trên chỉ đạo hành quân xuống Cửa Sót (Thạch Hà) bố trí trận địa sát biển để tạo thế bất ngờ. Bấy giờ, khu vực này toàn phi lao chắn sóng nên rất thuận lợi cho việc ngụy trang. Phương án chiến đấu dự kiến đánh lúc 5 giờ chiều, đánh xong nếu địch phản ứng thì cho bộ đội lui quân vào rừng phi lao, khí tài thu hồi sau; nếu địch không đánh nữa thì tổ chức thu hồi khí tài, không nạp đạn tiếp. Lúc bấy giờ, máy bay địch quần đảo trên vùng trời miền Trung thường xuyên, muốn đánh lúc nào là quyền chọn lựa của mình. Đến tầm 3 giờ chiều, thấy thời tiết tốt, khí tài đã sẵn sàng, Tiểu đoàn phó Trịnh Xuân Chiểu lệnh cho đánh luôn. Không cần phải quay ăng-ten sục sạo nhiều lần, tôi vừa chuyển nâng cao thế phát sóng thì đã thấy mục tiêu bay lù lù vào trận địa. Được lệnh của chỉ huy tiểu đoàn, tôi ấn nút phóng luôn hai quả, màn hình bùng lên trắng xóa. Bên ngoài, trinh sát báo cáo như reo lên: “Hai chiếc máy bay đã bị rơi”. Lúc này, trên bệ phóng còn 2 quả đạn, thấy địch chưa có phản ứng, tôi đề nghị Tiểu đoàn phó Chiểu cho đánh nốt. Quả thứ nhất bắn lên không nổ, tự động dùng lệnh tự hủy. Quả thứ hai có điều khiển, vừa rời bệ mấy giây thì nổ tung, bên ngoài trinh sát báo máy bay địch rơi thêm một chiếc nữa.
Không những đánh bại kẻ thù trên không, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 67 còn lập được “chiến công kép”, một kỷ niệm mà chúng tôi cho là sự may mắn hiếm có trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Nguyên do quả đạn thứ 3 mất điều khiển, bay lên không trung kéo luôn cả cây phi lao đã cắt ngọn ra biển. Lúc này, tàu khu trục của Hạm đội 7 Mỹ đang tập trung pháo kích vào trận địa pháo mặt đất của ta đóng gần đấy. Bất ngờ, quả tên lửa từ trong lao ra, rơi xuống cách tàu địch khoảng 200m nổ tung. Tàu địch thấy vậy hốt hoảng bỏ chạy. Chỉ huy đơn vị pháo mặt đất đang bị đánh, lập tức điện sang: “Cảm ơn các anh đã chi viện kịp thời”. Tàu khu trục bỏ chạy, máy bay trên trời cũng mất dạng, đơn vị ung dung thu hồi khí tài hành quân về Đức Thọ.
Trận đánh ở Cửa Sót thực hiện đúng phương châm: “Không đánh buổi sáng, đánh vào gần tối là tốt nhất, đánh xong cơ động ngay”; sau đó đơn vị tiếp tục phủ bạt, bí mật tìm ngọn núi khác để triển khai diệt địch (cách đánh này về sau được gọi là đánh bôn tập, còn bấy giờ bộ đội thường gọi là dùng tên lửa đánh du kích). Tết đến, xuân về. Những người lính tên lửa cũng đang…giành lấy những mùa xuân cho miền Trung yên bình. Tôi không thể nào quên hình ảnh xe hậu cần của trung đoàn nằm trên xe Kra, kéo đi cùng đơn vị. Bấy giờ, xe điều khiển thu hồi xong ra sớm nhất, anh nuôi liền bê nguyên nồi bánh chưng đưa lên xe xích đang kéo xe điều khiển do tôi chỉ huy.
Tiếng pháo rước ông bà tổ tiên đã đì đùng trong xóm nhỏ. Còn Tiểu đoàn vẫn đi và nấu bánh trên đường để tìm trận địa mới. “Mùa xuân bôn tập” với những chiến công có một không hai, một kỷ niệm không bao giờ quên của trong ký ức của những người lính tên lửa năm ấy.
Đại tá, Anh hùng LVTND Nguyễn Lành kểSĩ Long ghi