Máu thấm cát hóa tượng đài trên cát
I. Tìm về Đồi Cát anh hùng
Cách đây ngót chục năm, tôi may mắn được "tháp tùng" Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh-Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thăm lại vùng Cửa Tùng-Cửa Việt, lấy tư liệu để hoàn chỉnh cuốn tự truyện của ông. Đây là vùng đất mà Thượng tướng và đồng đội của mình đã từng vào sinh ra tử thời đánh Mỹ. Mặc dù thời điểm chúng tôi trở lại vùng "đất lửa", dấu tích chiến tranh cũng đã khó tìm, tất cả được phủ lấp bởi màu xanh của sự sống. Rất may là Thượng tướng đã có một cử chỉ giúp tôi hiểu thêm tính khốc liệt của cuộc chiến nơi đây một thời. Đang rảo bước trên một trảng cát trắng lóa, bỗng Tướng Rinh ngồi xuống xục tay vào cát vốc một nắm rồi ngửa bàn tay cho tôi xem, lẫn trong cát có hai mảnh kim loại rỉ. "Mảnh bom đạn đó em-ông bảo-Xuân hè 68 và đầu năm 73, bọn anh quần nhau với địch ở đây kinh khủng lắm!". Tôi nhìn hai mảnh đạn và nghe ông nói mà lạnh sống lưng.
Trời xanh vang tiếng hát và mặt đất căng tràn sự sống có thể làm phai nhòa , phủ lấp dấu tích chiến tranh, nhưng lắng trong "rì rầm tiếng đất" và trong sâu thẳm lòng người thì cuộc chiến bi hùng một thuở đâu dễ phôi phai! Để rồi vào dịp lễ Vu Lan-rằm tháng bảy "xóa tội vong nhân" năm Ất Mùi này chúng tôi tìm về Đồi Cát-Cao điểm 21, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh để hiểu thêm những trận chiến đấu "máu nhuốm cát" đã từng xảy ra nơi đây.
Ngày ấy, Trung đoàn 270-Trung đoàn Giới Tuyến có nhiệm vụ phối hợp cùng bộ đội địa phương và nhân dân hai huyện Vĩnh Linh, Gio Linh đánh địch, bảo vệ khu vực giới tuyến tạm thời-Vĩ tuyến 17.
Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và đặc biệt là sau chiến dịch Đường 9-Khe Sanh xuân hè 1968, sân bay Tà Cơn và nhiều tuyến đường bộ bị ta khống chế, buộc địch phải tập trung binh lực bảo vệ khu vực cảng Cửa Việt để duy trì đường tiếp tế hậu cần của chúng ở chiến trường Đường 9-Bắc Quảng Trị.
Qua lời kể của CCB Hoàng Ngọc Bích (người sống sót duy nhất của Trung đội 6 Đại đội 2 Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 270, trong trận chiến đấu của trung đội ngày 16-10-1968, ở Cao điểm 21) và một số bà con ở xã Gio Mỹ, thì trận chiến đấu được khái quát như sau:
Trung tuần tháng 10-196, ta và địch giành giật nhau từng cao điểm ở địa bàn Gio Linh-Cửa Việt. Trung đội 4, rồi Trung đội 6 của Đại đội 2 thay nhau chốt giữ Đồi Cát-Cao điểm 21. Cao điểm này chỉ cách cao điểm 31, nơi địch chốt giữ 900 mét. Bằng mắt thường có thể thấy đối phương hoạt động ở Cao điểm 31.
Ngày và đêm 15-1-1968, địch cho hai đại đội tiến công, hòng chiếm Cao điểm 21, nhưng đã bị Trung đội 4 được hỏa lực của Trung đoàn chi viện, chiến đấu ngoan cường đánh bật trở lại, diệt 65 tên. Bị thua đau, địch lợi dụng địa hình cát bằng phẳng, huy động xe tăng , thiết giáp tiếp tục tiến công Cao điểm 21.
Sau một ngày đêm quần nhau với địch, vũ khí trang bị và lực lượng vơi dần, Trung đội 4 được lệnh lùi về tuyến sau củng cố. Trung đội 6 lên thay chốt giữ Cao điểm 21.
Sau khi cho pháo cấp tập như muốn san phẳng Đồi Cao điểm 21, tám giờ sáng ngày 16-10-1968, một tiểu đoàn địch được hàng chục xe tăng, thiết giáp hộ tống hùng hổ tiến về trận địa chốt giữ của Trung đội 6.
Dưới sự chỉ huy của Chính trị viên phó đại đội Nguyễn Hữu Cảnh (quê Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh) và Trung đội trưởng Khương Văn Chi (quê Trưng Trắc, Văn Lâm, Hưng Yên), toàn trung đội bố trí ba tầng hỏa lực và xung lực để cản địch. Tầng ngoài cùng là mìn chống tăng; tiếp theo là mìn định hướng và trong cùng là bộ binh dùng thủ pháo, lựu đạn, súng B41, AK; khi cần sẽ đánh giáp lá cà.
Với tinh thần "Còn người còn trận địa", bằng tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường và số vũ khí được trang bị, Trung đội 6 đã quần nhau với cả tiểu đoàn địch ròng rã gần một ngày trời, tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tên địch, bắn cháy 5 xe tăng-xe bọc thép. Đến 2 giờ chiều, một số chiến sĩ ta bị thương vong, mìn và lựu đạn cạn dần. Cả Trung đội trông chờ pháo từ bờ bắc Bến Hải của Trung đoàn chi viện nhưng không thấy. Xe tăng, thiết giáp và bộ binh địch tiếp tục tràn lên. Sau khi bắn hết những viên đạn cuối cùng, cả Trung đội bật khỏi công sự dùng lưỡi lê, dao găm đánh giáp lá cà với địch. Tinh thần chiến đấu quả cảm của cán bộ, chiến sĩ Trung đội 6 làm cho kẻ địch vô cùng khiếp đảm. Nhưng, mìn và đạn cạn kiệt, không có hỏa lực của Trung đoàn chi viện; xe tăng, thiết giáp của địch đã quần nát hệ thống công sự của trung đội. Tương quan lực lượng hết sức chênh lệch, 32 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Mặc dù đã cho xe tăng, thiết giáp quần nát trận địa ta, nhưng quân địch không giám chốt lại ở Cao điểm 21 mà rút về Cao điểm 31.
Toàn bộ trận chiến bi hùng của Trung đội 6 ngày 16-10-1968 có thể thế hệ sau khó hình dung nếu không nói là bị quên lãng nếu như không có một người may mắn sống sót. Đó là chiến sĩ Hoàng Ngọc Bích.
Sau hơn 40 năm kể từ ngày đó, các CCB Nguyễn Xuân Dòng, Nguyễn Chiến Thắng, Nguyễn Mạnh Hùng (Trung đội 3, Đại đội 2) những người trực tiếp vào Cao điểm 21 tìm kiếm, thu dung thương binh, liệt sĩ, không cầm được nước mắt, cho biết: Nửa đêm hôm đó, mấy chiến sĩ của Trung đội 3 vào chứng kiến cả ngọn đồi bị san thành bình địa. Vết xích xe tăng, thiết giáp quần nát mặt đồi. Máu loang lổ nhuộm đỏ cát trắng. Rải rác gặp vài thi thể chiến sĩ ta, nhưng không nguyên vẹn. Theo suy đoán của các anh, kẻ địch vô cùng giã man đã hất hết thi thể các chiến sĩ ta xuống hầm rồi cho xe tăng ủi lấp! Mọi người cố tìm thì bất ngờ phát hiện một cái đầu nhô lên khỏi mặt cát. Đào cát, moi lên thì Hoàng Ngọc Bích còn thoi thóp thở. Nhờ những cọc phi lao làm hầm chữ A che chắn nên anh không bị xe tăng nghiền nát.
May mắn trở về từ cõi chết, Hoàng Ngọc Bích được cấp cứu kịp thời, hồi phục sức khỏe, tiếp tục chiến đấu. Kết thúc chiến tranh, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Nông nghiệp I, Hoàng Ngọc Bích được giữ lại làm giáo viên của trường. Công việc của người giáo viên và cuộc sống đời thường dẫu rất bộn bề, nhưng không làm cho CCB Hoàng Ngọc Bích nguôi quên trận chiến bi hùng ở Cao điểm 21 và những đồng chí đồng đội của mình vĩnh viễn nằm lại trong lòng cát trắng. Anh đã cùng vợ lập bàn thờ 32 liệt sĩ tại nhà mình, hằng năm lấy ngày 16-10 làm giỗ trận. Và ước nguyện cháy bỏng của người CCB, thương binh 3/4 này là dựng một tấm bia chính trên Đồi Cát, để khắc ghi tên tuổi 32 liệt sĩ và chiến công của Trung đội 6 anh hùng.
(còn nữa)Duy Tường**(Kỳ II. Tấm lòng người Anh hùng và Đài tưởng niệm Đồi Cát)**