Máu người lính vẫn đổ nơi biên ải
(Báo tháng 7) - Các cán bộ, chiến sỹ BĐBP tỉnh Nghệ An đến thăm hỏi, động viên thương binh Nguyễn Đình Tài và gia đình.
Để giữ vững biên cương, giữ vững bình yên đất nước người lính quân hàm xanh trong thời bình đã đổ không ít mồ hôi, máu và cả tính mạng. Điển hình như ở Biên phòng Nghệ An - địa phương có diện tích rộng nhất nước và cũng là nơi có đường biên giới dài nhất nước. Chỉ tính 10 năm gần đây, đã có 23 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và bị thương.
Có những gương hy sinh anh dũng luôn mãi khắc sâu trong tâm trí đồng đội, như liệt sỹ Phạm Xuân Phong - tháng 3-2001, khi anh đang cùng đồng đội kiểm tra hành chính hai đối tượng buôn lâu tại trạm Ta Đo, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, thì một tên bất ngờ chạy trốn, ném lựu đạn trở lại làm Phạm Xuân Phong hy sinh! Còn các liệt sĩ: Nguyễn Cảnh Dần, Và Bá Giải, Hồ Văn Hà, đều hy sinh trong tư thế tay vẫn còn ôm chặt bọn tội phạm...
Gần đây nhất, ngày 27-6-2018, trong chuyên án phá đường dây mua bán ma túy số lượng lớn mang bí danh 092AV từ Lào về Việt Nam cũng đã để lại vết thương rất nặng cho Trung úy Nguyễn Đình Tài - sĩ quan trinh sát BĐBP Nghệ An.
Hôm ấy, phát hiện đối tượng Vừ Bá Xênh đang nhận hàng, để bắt quả tang, Trung úy Nguyễn Đình Tài lao tới ôm gọn đối tượng. Nhưng bất ngờ, từ phía bụi rậm một luồng đạn của đồng bọn bắn ra làm anh Tài và một đồng đội bị thương. Mặc cho vết thương đau buốt sống lưng, anh Tài vẫn cố ôm đối tượng Xênh, khóa gọn hắn trong còng số 8. Khi chúng tôi đến thăm, đã sau 8 tháng điều trị tại Bệnh viên Trung ương Quân đội 108, anh Tài vẫn phải chống nạng tập đi từng bước khó khăn, với sự giúp đỡ của người vợ trẻ.
Tương tự như vụ án trên, ngày 3-6-2019, ba cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã bị một đối tượng bắn trọng thương khi đi tuần tra, làm Thiếu tá Vi Văn Nhất hy sinh, hai chiến sỹ còn lại bị thương nặng.
Thượng tá Trần Đăng Khoa - Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An trao đổi với chúng tôi về chính sách hậu phương quân đội. Anh nhấn mạnh: “Vì nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc mà những chiến sĩ Biên phòng Nghệ An, hay Thanh Hóa nói riêng, trong cả nước nói chung vẫn phải đổ máu, thậm chí nhiều đồng chí hy sinh. Đây là tổn thất lớn, nhất là với gia đình thì không gì có thể bù đắp nổi. Chính vì thế đơn vị luôn đặt lên hàng đầu trong công tác chính sách, để phần nào đền đáp sự hy sinh to lớn của họ cho cuộc sống bình yên của Tổ quốc. Hiện Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đang nhận nuôi dưỡng 2 Bà mẹ VNAH suốt đời và tiếp tục tổ chức quyên góp, vận động các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài Quân đội ủng hộ, lập quỹ “Nghĩa tình đồng đội” giúp đỡ lâu dài các đồng chí bị thương và gia đình các liệt sỹ”.
Xuân Hòa