“Mầu hoa đỏ trước hoàng hôn” (30/04/2009)

Tôi trò chuyện với ông Mười Đức, nguyên trung đoàn phó trung đoàn 138, Bộ tư lệnh thông tin liên lạc, nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ tỉnh Sông Bé (nay nghỉ hưu). Ông hồi tưởng kể lại thời kỳ oanh liệt nhất của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến mà tuổi trẻ ông và những người thân trong gia đình đã hiến dâng trong sự nghiệp vẻ vang giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo. Quê ông ở Bến Cát, Thủ Dầu Một. Vì có thù nhà nợ nước, ông sớm tham gia kháng chiến, làm liên lạc văn thư cho Uỷ ban kháng chiến huyện Bến Cát; khi 18 tuổi chuyển vào bộ đội. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc cùng người em thứ 11 lúc ấy là học sinh.

Giải phóng Buôn Ma Thuột tháng 3-1975, ông Mười Đức cùng một số sĩ quan phòng tham mưu thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc đi tăng cường đốc chiến ở Mặt trận Tây Nguyên. Giải phóng xong năm tỉnh Tây Nguyên, quân ta thừa thắng xốc tới tiến đánh Phan Rang. Rồi chiến dịch Hồ Chí Minh được mở, ông Mười cùng đơn vị hành quân thần tốc vào các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đánh chiếm căn cứ Xuân Lộc và tiến thẳng vào Sài Gòn. Những miền đất ông qua từ Gia Lai, Đà Lạt vào đây, đường đi như trẩy hội. Những cỗ pháo lớn, những dàn tên lửa, những đoàn xe tăng, xe bọc thép, những đoàn pháo cao xạ ngất ngưởng lá ngụy trang cùng xe cầu thuyền và các loại ô tô đủ kiểu: từ ngoài Bắc vào chở chiến lợi phẩm, từ xe chở khách của tư nhân ở các tỉnh mới giải phóng được huy động tham gia chiến dịch. Dòng người xe dài vô tận, hối hả ngược xuôi. Bộ đội thì tiến vào giải phóng. Dân thì di tản từ tỉnh miền trong ra tỉnh miền ngoài. Ô tô, xe lam, xe máy, xe đạp, xích lô, xe ngựa cùng dòng người bồng bế dắt díu nhau trong cuộc di tản.

Sài Gòn Giải phóng. Tiếng súng ngừng nổ. Mấy đêm nay ông Mười không ngủ, trong dạ ông cồn cào nỗi nhớ má, nhớ quê, sau 28 năm cách biệt. 30 năm đạn bom khói lửa, giặc truy lùng tàn sát, má và hai em gái phiêu dạt về đâu? Các anh đi kháng chiến ai còn, ai mất? Ông chắc chắn trong sáu người con trai của má chỉ còn sống hai, đó là ông và người em đi tập kết. Từ Sài Gòn về Bến Cát không xa. Vừa im tiếng súng, cấp trên chấp nhận, để ông về hai ngày tìm gia đình. Ngày 3-5-1975, đơn vị trang bị cho ông một xe Jeep, một lái xe và thêm một người đi bảo vệ. Xe đến ngã ba có biển chỉ đường: Hướng đi Bến Cát, hướng về Lai Khê. Lúc này ông Đức mới chọn được mốc để xác định quê mình ở đâu. Ông cho xe quay lại vào chợ hỏi thăm và ông đã nhận ra là chợ quê mình và chị Tám của ông, trước kia buôn bán ở đây. Ba người đeo súng vào quán cà phê hỏi thăm nhà bà Tám. Mấy người đàn ông ngồi uống bỏ đi. Chủ quán thì ấp úng, run sợ. Trước đó hai ngày, Ban quân quản bắt đi mấy tên ác ôn cố tình chống lại chính quyền, do dân chưa hiểu nên hoang mang căng thẳng. Có chị đứng từ xa nói vọng lại, chỉ lối cho các anh. Bước vào nhà, người chị gái sững sờ lo ngại. Bà lên tiếng trước: “Các ông hỏi ai? Có cần gia đình tôi giúp gì không?”. Ông Mười Đức nói trong nghẹn ngào: “Có phải chị là chị Tám, con gái cụ Hồ Thị Dễ không?”. “Dạ đúng! Ông cần gì?”. Ông Đức ôm chầm lấy chị reo lên: “Em là Đức đây! Mười Đức của chị đây!”. Hai chị em khóc với nhau một lúc rồi cùng lên xe về thăm má.

Gia đình cụ Dễ chiều nay người lối xóm ra vào nườm nượp trong không khí trầm lắng; họ đến để chia sẻ nỗi đau mất mát. Vừa mới sáng nay, một cán bộ về báo tin: Người con thứ chín của mẹ là anh Chín Nhơn - nguyên Bí thư Thị uỷ thị xã Thủ Dầu Một (1954-1959), nguyên tù chính trị Côn Đảo (1960-1974) đã hy sinh mười ngày trước ngày miền Nam giải phóng, trên mảnh đất Bến Cát quê nhà.

Ông Mười Đức kể tiếp: “Sau Hiệp định Pa-ri 1973, thực hiện cam kết hai bên trao trả tù binh. Tháng 4-1974, ông Chín Nhơn cùng các tù chính trị Côn Đảo được trở về với Đảng, với dân tại vùng giải phóng Lộc Ninh - cơ quan của T.Ư Cục miền Nam. Tháng 4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh được mở. Cả nước dốc toàn lực cho trận đánh cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, T.Ư cục cũng tung lực lượng cán bộ: đảng, chính, quân, dân trở về các mặt trận, tham mưu, lãnh đạo nhân dân và LLVT nổi dậy giành chính quyền. Số đông các đồng chí tình nguyện xin về địa phương tham gia chỉ đạo chiến dịch. Nguyện vọng ấy được trên chấp nhận. Đoàn cán bộ tăng cường cho Thủ Dầu Một bốn đồng chí: Anh Chín Nhơn, anh Chín Nhã, nguyên bí thư thị uỷ Thủ Dầu Một. Chị Liên vợ anh Chín Nhã (anh chị được xum họp tại T.Ư cục sau khi hai người từ Côn Đảo trở về); chị Lam - cán bộ huyện Lái Thiêu. Sức khoẻ của các anh chị còn yếu, lại hành quân bộ, xuyên rừng, uống nước suối, ăn lương khô, vết thương do địch tra tấn tái phát đau đớn, nhưng vẫn không ngăn nổi bước chân và lòng quyết tâm trở về giải phóng quê hương của các anh chị. Đến Mã Đà, cách cơ quan thị uỷ gần cây số thì máy bay địch ném xuống trái bom hơi loại CP4, cách các anh, chị vài mét. Loại này có sức công phá bằng sức ép cực mạnh. Các anh chị đã hy sinh”.

Mọi người sửng sốt thấy các anh bộ đội đến nhà không biết lại có sự cố gì xảy ra...? Khi đứng trước người mẹ, nước mắt ông Đức trào ra: “Con đây! Mười Đức đã về với má đây!”. Vẫn dòng lệ ấy, nhưng chỉ khác lúc này gương mặt mẹ ngời sáng long lanh, niềm vui ánh lên trong từng khoé mắt già nua nhăn nheo, suốt ba mươi năm, mẹ bạc tóc đợi chờ.

Trưa hôm sau, ông Đức phải về Sài Gòn làm nhiệm vụ rồi sau đó nhận được lệnh trở về Hà Nội trong tâm trạng ngổn ngang lưu luyến. Về cơ quan ông báo cáo cấp trên, tâm sự với đồng đội, mọi người đều chia sẻ niềm vui nỗi buồn. ít ngày sau, ông nhận được giấy nghỉ phép. Một tháng ở nhà, ông Mười tổ chức cuộc sống cho mẹ và hai em và tìm gặp người thân của bốn liệt sĩ, tổ chức chuyến đi - về Mã Đà thăm mộ và bàn năm sau sẽ cất bốc hài cốt đưa các anh chị về nghĩa trang liệt sĩ.

Trong tôi vang lời hát bài “Mầu hoa đỏ” nhạc của Thuận Yến, thơ Nguyễn Đức Mậu mà tôi thường được nghe trên đài: “Ngọn núi nơi anh ngã xuống, rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa. Rực cháy lên, mầu hoa đỏ trước hoàng hôn”.

Vũ Nhương