Mặt trời mọc trên đỉnh đền Ăng co Vát!
Mặt trời mọc trên đỉnh đền Ăng co Vát vào thời điểm ngày và đêm bằng nhau.
Đền Ăng co Vát, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XII, sau Công nguyên, nằm cách thị trấn Xiêm Riệp 5.5km về phía bắc Campuchia.
Do không tìm thấy tấm bia nền móng cũng như bất kỳ tài liệu nào nhắc đến ngôi đền vào thời đó; Đền lại bị “bỏ quên” trở thành phế tích một thời gian dài trong rừng sâu, nên nay chỉ dựa vào truyền thuyết kể rằng Đền được xây dựng theo lệnh của Indra (vua của những vị thần thời tiết).
Với khoa học tiên tiến ngày nay người ta có thể cân, đo, đong, đếm chính xác được mọi vật liệu làm nên ngôi đền được xếp vào trong số kỳ vĩ nhất thế giới này, nhưng những bí ẩn của ngôi đền thì e rằng không biết đến bao giờ con người mới giải đáp hết được.
Bài báo nhỏ này chỉ giới thiệu một trong những bí ẩn của ngôi đền.
Đó là cứ mỗi năm có hai ngày, vào tháng 3 và tháng 9 mặt trời mọc vào đúng đỉnh tháp giữa của Đền. Tạm gọi là “ngày đặc biệt”. Đương nhiên đây không phải là ngẫu nhiên và càng không phải là chuyện mê tín, dị đoan, thần thánh gì hết, mà là kết quả của trí tuệ uyên bác.
Sau nhiều năm nghiên cứu các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh được “ngày đặc biệt” đó là thời điểm mà ngày và đêm có độ dài bằng nhau - cũng là thời điểm mặt trời thẳng hàng với phía trên đường xích đạo và thường một năm có 2 ngày, tháng 3 gọi là ngày xuân phân; tháng 9 là ngày thu phân (năm 2024, Việt Nam, xuân phân diễn ra vào 10 giờ 1 phút sáng 20-3).
Nghĩa là, các kiến trúc sư của thời Kh’me cổ đã có trình độ vượt trội đến mức tính toán được để xây dựng một ngôi đền tương tác chính xác với ít nhất một hiện tượng của tự nhiên để đón nhận được bình minh trên đỉnh ngôi đền - ngày nay năm nào cũng thế, đúng vào hai ngày đặc biệt đó khách du lịch trên thế giới nườm nượp đến Ăng Co Vát để chiêm ngưỡng khoảnh khắc kỳ vĩ đó của thiên nhiên.
Vậy thế hệ của những kiến trúc sư đó đâu? - xét theo khía cạnh của lịch sử thì vẫn là bí ẩn của đương đại!
Phạm Nguyễn