Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Lan tỏa tinh thần “Đại đoàn kết - Cội nguồn dân tộc”
Tranh cổ động chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X. Vương Mạnh Lân
Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đoàn kết luôn là truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh, động lực quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của dân tộc. Đến nay, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc vẫn luôn được phát huy, thể hiện rõ nét trong đại dịch Covid-19, trong những trận mưa lũ gây hậu quả nghiêm trọng... Những năm qua, phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc ta, với vai trò là đại diện của quần chúng, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tiếp tục tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, đảm bảo sự thống nhất cao về tư tưởng trong việc triển khai thực hiện các chương trình hành động, góp phần củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị - xã hội rộng lớn, một trong những thành tố quan trọng không thể thiếu của hệ thống chính trị nước ta. Hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên luôn bảo đảm dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền và hệ thống chính trị.
5 năm qua, hệ thống MTTQ Việt Nam đã nỗ lực thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX (nhiệm kỳ 2019-2024) và các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh, chưa có trong tiền lệ. Đã tập trung triển khai thực hiện 5 chương trình hành động, gồm: Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Với phương châm “Lấy sức dân để chăm lo cho đời sống nhân dân”, các cuộc vận động, phong trào thi đua được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy tinh thần thi đua, lao động sáng tạo và sự chung sức của cả cộng đồng; phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân; phối hợp giữa Mặt trận với cơ quan nhà nước cùng cấp ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.
Đặc biệt, hoạt động Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư ngày càng nền nếp và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thực tiễn sinh động của ngày hội ở hơn 10 vạn khu dân cư trên cả nước cho thấy sự chủ động, cố gắng, nỗ lực của MTTQ các cấp trong triển khai thực hiện Ngày hội có hiệu quả, đổi mới ngày hội phù hợp với tình hình địa phương, cơ sở, nhất là trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục giữ vai trò nòng cốt, ngày càng trở thành cuộc vận động mang tính toàn dân, toàn diện, sâu rộng trong cộng đồng, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Đến thời điểm này, cả nước có 78% xã đạt chuẩn NTM; có 284 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, trong đó 3 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 22 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có 100% số xã đạt chuẩn NTM.
Hưởng ứng phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, hệ thống MTTQ Việt Nam từ T.Ư đến địa phương đã cùng các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Việc tổ chức triển khai Đề án vận động làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên và các tỉnh vùng núi phía Bắc là hoạt động tiêu biểu. Chỉ sau 9 tháng từ ngày phát động, với sự chung tay của hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp, Đề án đã hoàn thành 5.000 căn nhà cho các hộ nghèo của tỉnh Điện Biên, 500 căn nhà cho hộ nghèo của tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Yên Bái.
Là nhiệm kỳ trải qua những diễn biến phức tạp, chưa từng có tiền lệ, nhất là đại dịch Covid-19, nhưng với tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, nỗ lực, MTTQ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, Bộ, ban, ngành T.Ư, các tổ chức thành viên và địa phương phát động, kêu gọi, vận động các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, đồng bào các dân tộc, tôn giáo chung sức, đồng lòng tham gia phòng, chống dịch, góp phần cùng cả nước khống chế thành công đại dịch; khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Gần đây nhất, trước những thiệt hại nặng nề mà cơn bão số 3 mang tên Yagi gây ra, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã kịp thời ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước... chia sẻ, giúp đỡ về tinh thần, vật chất, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước nhanh chóng khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân. Đến nay, thông qua tài khoản tiếp nhận của Ban Vận động Cứu trợ T.Ư đã tiếp nhận số tiền ủng hộ lên tới trên 2.000 tỷ đồng.
Lần đầu tiên, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo kịp thời việc “sao kê”, công khai, minh bạch các nguồn ủng hộ và phân bổ kịp thời tới các địa phương chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, khen ngợi của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, nhân lên gấp bội tình đồng chí, nghĩa đồng bào, thảo thơm, ấm áp.
Công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia của Nhân dân, thành viên của MTTQ Việt Nam; xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân; thực hiện công khai, minh bạch, không chồng chéo; không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát; bước đầu triển khai hoạt động giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu và đảng viên trong rèn luyện đạo đức, lối sống, thực thi công vụ. Nhiều ý kiến phản biện xã hội đã được các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp Đảng, Nhà nước xem xét ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.
Trong bài phát biểu trước thềm Đại hội, với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khẳng định: “Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 tiếp tục phát huy mạnh mẽ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; nêu cao ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức; lấy mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; chung lo vận mệnh của đất nước, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), hoàn thành mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là CHXHCN Việt Nam; thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết
Thành công, Thành công, Đại thành công”.
Diễn ra từ ngày 16 đến 18-10-2024 tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 với phương châm "Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển" đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và chương trình hành động của MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.
Đại hội có sự tham dự của gần 1.400 đại biểu, trong đó có 324 đại biểu nữ (30,7%); 492 đại biểu là người ngoài Đảng (46,7%); 267 đại biểu là người dân tộc thiểu số (25,3%); 198 đại biểu là tôn giáo (18,8%); 20 đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài (1,9%)…
Đại biểu trẻ tuổi nhất là 20 tuổi (chị Bà Thị Hà, cá nhân tiêu biểu dân tộc S’Tiêng, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). Đại biểu cao tuổi nhất là 95 tuổi (Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam).
Hồ Thanh Hương