Marathon tới hòa bình
Chủ tịch An ninh Munich (MSC) - Wolfgang Ischinger phát biểu tại Hội nghị.
Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 55, một hội nghị đa phương lớn nhất thế giới bàn về an ninh toàn cầu, diễn ra tại T.P Munich của Đức vừa qua đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới. Tại hội nghị này, vấn đề hạt nhân của Iran lại được bàn tới và dường như Mỹ vẫn đuối lý và thiếu vắng đồng minh trong nỗ lực cô lập Iran.
Thỏa thuận hạt nhân với Iran (có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA) được Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức) ký kết năm 2015 sau nhiều năm đàm phán căng thẳng. Thế nhưng, sau khi lên cầm quyền, chính quyền của Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận này, đề nghị các nước châu Âu làm theo và đàm phán lại thỏa thuận.
Dù phê phán thỏa thuận trên thế nào đi nữa thì Washington vẫn đang đuối lý khi vô cớ rút khỏi thỏa thuận vốn được Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) ủng hộ bằng Nghị quyết số 2231. Hay nói cách khác, Mỹ đã không tôn trọng chính nghị quyết do họ đã đặt bút ký bởi không chỉ ra sai phạm nào của Iran. Trong khi đó, Iran đã nhiều lần lên án việc Mỹ vi phạm Nghị quyết 2231 bằng việc đơn phương rút khỏi thỏa thuận. Ngoại trưởng Iran - Mohammad Javad Zarif đã khẳng định rằng nghị quyết này không cấm chương trình tên lửa của Iran. Trong khi đó, theo giới chức Mỹ, nghị quyết trên cấm Iran thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến tên lửa đạn đạo được thiết kế với khả năng mang vũ khí hạt nhân. Như vậy, cách hiểu của Mỹ về thỏa thuận không chỉ khác với Iran mà còn khác cả với chính các nước còn lại tham gia thỏa thuận. Hay nói cách khác, cách hiểu của Mỹ khác biệt hoàn toàn với các quốc gia khác về vấn đề mối quan hệ giữa hạt nhân và tên lửa của Iran.
Dù gì, cho tới thời điểm này, thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn có hiệu lực kể cả thiếu Mỹ và Mỹ đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran. Tại Munich ngày 16-2 Ngoại trưởng Zarif đã có cuộc gặp với Phó tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị - Rosemary DiCarlo để thảo luận về việc hợp tác giữa LHQ với Tehran và việc thực thi Nghị quyết 2231. Theo đó, hai quan chức trao đổi quan điểm về hệ thống thanh toán mà một số nước châu Âu chủ chốt mới thông báo sẽ áp dụng dành cho Tehran nhằm giúp quốc gia Trung Đông này tránh khỏi các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ.
Cũng tại Munich lần này, Mỹ lại càng đơn độc khi lời kêu gọi các nước châu Âu theo chân Washinton rút khỏi thỏa thuận này và cô lập Iran bị thẳng thắn khước từ. Ngày 15-2, Ngoại trưởng Đức - Heiko Mass đã lên tiếng bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ông khẳng định: “Cùng với Anh, Pháp và toàn bộ Liên minh châu Âu (EU), chúng tôi có những cách thức để duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran cho tới ngày hôm nay”. Theo ông Maas, mục tiêu cuối cùng của Đức là Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông cũng cho rằng nếu không có thỏa thuận này thì tình hình tại khu vực sẽ trở nên bất ổn hơn và có khả năng sẽ dẫn tới tình trạng đối đầu.
EU cũng ngay lập tức thể hiện quan điểm. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của châu Âu cho biết EU quyết tâm duy trì thực hiện đầy đủ thỏa thuận hạt nhân với Iran, đồng thời đánh giá văn kiện này có vai trò quan trọng với an ninh của châu Âu.
Vậy là đã rõ. Một thỏa thuận cần được tôn trọng và không nên bị hủy bỏ một cách vô cớ nếu không có bên nào vi phạm, nhất là Iran. Trong khi các nước có quyền lợi sát sườn với Iran như các quốc gia trong EU cố gắng duy trì thỏa thuận để vun đắp hòa bình và phát triển ở khu vực thì hành động đơn phương của Mỹ không cản được quyết tâm của họ.
Ngọc Hưng