Mang tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ vào công cuộc xây dựng tỉnh Điện Biên ngày càng giàu mạnh
Lãnh đạo tỉnh Điện Biên kiểm tra tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng tại TP Điện Biên Phủ.
Là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh (QPAN). Cách đây tròn 7 thập kỷ, Ban cán sự đảng Lai Châu (tổ chức tiền thân của Đảng bộ tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu ngày nay) được thành lập tại bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên.
Ngay sau khi được thành lập (ngày 10-10-1949), tổ chức đảng đầu tiên của tỉnh đã nêu cao trách nhiệm, khắc phục khó khăn, tăng cường lãnh đạo củng cố tổ chức; bám đất, bám dân gây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng lực lượng lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân. Cùng với xây dựng cơ sở, Ban cán sự đảng tỉnh đã đề ra các chủ trương, biện pháp đẩy mạnh sản xuất, chống sự phá hoại của địch, đào tạo cán bộ địa phương, xây dựng cơ sở chính trị, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến giải phóng Điện Biên.
Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Ban cán sự đảng tỉnh đã lãnh đạo LLVT và đồng bào các dân tộc tham gia chiến đấu, phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bằng sự quyết tâm và đóng góp sức người, sức của, đồng bào các dân tộc Điện Biên đã cùng nhân dân cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Sau giải phóng Điện Biên năm 1954, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trước tình hình đó, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo LLVT và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, cùng nhân dân cả nước nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, giành chiến thắng trước mọi kẻ thù xâm lược.
Trải qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng bộ tỉnh luôn giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện đoàn kết các dân tộc, từng bước vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị.
Năm 2004, thực hiện nghị quyết của Quốc hội về việc chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính, tỉnh Lai Châu được chia tách thành hai tỉnh: Điện Biên và Lai Châu. Ngay sau khi chia tách tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội (KT-XH), QPAN, xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị trong tình hình mới. Phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu và lao động sản xuất, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Điện Biên đã nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, khai thác tiềm năng, lợi thế, đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, từng bước đưa Điện Biên vượt qua đói nghèo. Nhiều năm liền, Điện Biên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, như: Lúa gạo Điện Biên, chè Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng, cao su Mường Chà, Mường Nhé…; kết cấu hạ tầng KT-XH tiếp tục được đầu tư; văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến, an sinh xã hội được bảo đảm. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện có hiệu quả, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn miền núi. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã có 22 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; số hộ nghèo đã giảm từ hơn 48% (năm 2015) xuống còn hơn 37% (năm 2018); chính trị ổn định, QPAN được giữ vững; mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường khối đoàn kết các dân tộc. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục đạt những kết quả quan trọng; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội được phát huy, ngày càng làm tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đoàn kết các dân tộc, vận động nhân dân đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia giám sát và phản biện xã hội.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo được chuyển biến bước đầu quan trọng trong toàn Đảng bộ tỉnh. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên từng bước được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước có nhiều chuyển biến. Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã bám sát thực tiễn, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn.
Những thành quả đạt được trong các lĩnh vực công tác nêu trên bắt nguồn từ việc xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện. 70 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua 13 kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh đã ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Từ một Ban cán sự đảng khi mới thành lập có 20 đảng viên (tháng 10-1949), đến nay, Đảng bộ tỉnh có 14 đảng bộ trực thuộc với 645 tổ chức cơ sở đảng, hơn 38.000 đảng viên. Đặc biệt, Đảng bộ tỉnh chú trọng phát triển tổ chức đảng, đảng viên ở các địa bàn khó khăn, biên giới, ở các thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ. Tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ đảng viên phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Phát huy truyền thống vẻ vang và những thành tựu đạt được trong 70 năm qua, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy nội lực, mang tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ vào công cuộc xây dựng tỉnh Điện Biên ngày càng giàu mạnh; xây dựng Đảng bộ tỉnh thật sự trong sạch, vững mạnh; phấn đấu thực hiện cho được lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Phải làm sao để mỗi thôn, bản, công trường, nhà máy, đơn vị đều có tinh thần của Chiến thắng Điện Biên Phủ". Đó là tinh thần đoàn kết một lòng, vượt lên khó khăn, thách thức; khai thác tiềm năng, thế mạnh và sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của Trung ương, các địa phương trong cả nước để có sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn; phấn đấu đến năm 2020 xây dựng tỉnh Điện Biên “thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc”, xứng đáng là địa danh gắn với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
TRẦN VĂN SƠN, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên