Bước vào khuôn viên Trung tâm sạch sẽ, thoáng mát, làm dịu bớt cái oi bức của những ngày hè. Phó giám đốc Hồ Ngọc Quỳnh cho chúng tôi biết: Trung tâm mới được Bộ Quốc phòng cấp kinh phí xây dựng lại chỗ ăn ở sinh hoạt cho thương, bệnh binh, chứ trước đây vất vả lắm. Hiện nay Trung tâm quản lý, nuôi dưỡng 72 thương, bệnh binh; dùng xe lắc 37 người; thương, bệnh binh bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin 40 người. Do thương, bệnh binh tuổi cao, thương tật nặng, thường xuyên tái phát nên Trung tâm tổ chức y tế trực 24/24 giờ, sẵn sàng cấp cứu kịp thời. Với những ca diễn biến phức tạp, Trung tâm không đủ điều kiện thì được chuyển lên bệnh viện tuyến trên, cử điều dưỡng viên cùng đi chăm sóc.
Phó giám đốc Hồ Ngọc Quỳnh đưa chúng tôi đến từng phòng thăm các thương, bệnh binh. Bác Trần Quốc Tế, thương binh hạng đặc biệt 1/4 chia sẻ: Chúng tôi đều là những người cùng cảnh ngộ, về ở đây đã mấy chục năm, xem Trung tâm là mái nhà chung, mỗi người mỗi phòng có tiện nghi đầy đủ, thích ăn gì thì ăn, ốm đau có bác sĩ, điều dưỡng viên chăm sóc tận tình, thế nên chẳng ai muốn rời xa nơi này. Bây giờ con cháu đã trưởng thành cũng muốn đón chúng tôi về chăm sóc nhưng chúng tôi đều từ chối mà ở lại.
Rời Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Nghệ An, lòng tôi nặng trĩu bởi trong số các bác, các chị, các chú nằm ở đây còn có nhiều con cháu họ bị ảnh hưởng, di chứng chất độc da cam, cuộc sống đang vô cùng khó khăn. Tôi hết sức cảm phục cán bộ, nhân viên đội ngũ y tế Trung tâm đã hết mình chăm sóc các thương binh nặng mấy chục năm qua. Nhìn những ánh mắt, nụ cười của các bác thương binh nặng, tôi càng khâm phục nghi lực phi thường, vượt qua đau đớn, bệnh tật của những người lính Cụ Hồ.
Bài và ảnh: Đồng Thị Hà