Mãi là lời hẹn ước!
Những ngày cuối tháng 2-1975, Ban Thông tin Tỉnh đội Quảng Nam do tôi làm Chủ nhiệm nhận nhiệm vụ gấp chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Ngày 8-3, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, số anh em tăng cường đã về lại đơn vị. Mọi cán bộ, chiến sĩ đều sẵn sàng làm bất cứ nhiệm vụ gì, đi bất cứ đâu theo mệnh lệnh của người chỉ huy.
Kể từ rạng sáng ngày 10-3, đơn vị bắt đầu nhận nhiệm vụ phối hợp bảo đảm thông tin liên lạc cho tất cả các hướng tăng cường, đơn vị tăng cường trong địa bàn của tỉnh. Điều kiện hết sức khó khăn, nhất là trang bị khí tài vừa cũ, vừa thiếu, trong khi địch lại tăng cường lực lượng để cố thủ bảo vệ những cơ sở trọng điểm của chúng.
Nhưng với tinh thần thần tốc, táo bạo, bộ đội thông tin của tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong quá trình vừa chiến đấu, vừa bảo đảm thông tin liên lạc đã xuất hiện rất nhiều những tấm gương, những hành động anh hùng. Và trong những ngày chiến đấu ác liệt đó có hai tấm gương tiêu biểu mà tôi không bao giờ quên. Đó là mối tình dang dở của đồng chí Nguyễn Văn Búp - Tiểu đội trưởng Tiểu đội hữu tuyến điện và Huỳnh Thị Phiên - Tiểu đội trưởng Tiểu đội thông tin vận động.
Suốt buổi sáng ngày 20-3, địch dùng pháo đánh phá rất ác liệt vào đội hình quân ta và sở chỉ huy. Đường dây điện thoại các hướng bị đứt liên tục. Từ hầm tổng đài, bất chấp bom đạn, Búp chạy như con thoi nối lại các đường dây bị đứt, giữ vững liên lạc.
Khi hướng Tiểu đoàn 70, đường dây bị đứt lần thứ ba, chạy tìm nối, nhưng dây thiếu không nối được, Búp điện về đơn vị xin tăng cường dây. Nhưng khi anh em đưa được dây đến thì thấy Búp bị thương rất nặng, tay vẫn còn cầm một đầu dây. Nối dây xong, anh em đưa Búp về hầm chỉ huy băng bó chuẩn bị đưa về Trạm phẫu tiền phương. Nhưng vì vết thương quá nặng máu ra nhiều, Búp chỉ nói được câu cuối cùng:
- Phiên ơi, anh đi đây…
Nói xong Búp trút hơi thở cuối cùng. Tiểu đội trưởng Tiểu đội thông tin vận động Huỳnh Thị Phiên ngồi cạnh ôm Búp khóc như chưa bao giờ khóc nhiều đến thế.
Lúc này, khoảng 10 giờ ngày 20-3, địch tiếp tục dùng pháo đánh phá quyết liệt vào đội hình quân ta. Một quả bom nổ gần sở chỉ huy, một số nhà dân bốc cháy, chúng tôi lo giải quyết hậu quả và giữ vững thông tin liên lạc cho chỉ huy.
Khoảng 10 giờ 30 phút, đồng chí Lê Hải Lý - Chỉ huy trưởng tiền phương có mật lệnh khẩn gửi Tiểu đoàn 72: “Điện thoại đứt, bộ đàm mất liên lạc”.
Tôi loay hoay định cử Ngô Thị Nga đi đưa lệnh, thì Huỳnh Thị Phiên - Tiểu đội trưởng, nói: - Để em đi.
Nhận lệnh cho vào túi, Phiên cầm theo khẩu AK chui ra khỏi hầm. Vì miệng hầm chật Phiên phải bò lùi, đưa 2 chân ra trước. Nhưng cô vừa ra khỏi miệng hầm, chúng tôi nghe một tiếng nổ rung cả hầm. Liền sau đó, tiếng Phiên kêu lên: - Thủ trưởng ơi, em bị thương rồi.
Tôi kéo Phiên vào hầm thì thấy hai chân Phiên bay đâu mất. Một chân cụt đến trên đầu gối. Chúng tôi băng ga rô cho Phiên, rồi cử Ngô Thị Nga đi thay Phiên.
Tôi động viên Phiên ráng chịu đựng chờ ngớt pháo địch sẽ đưa Phiên đi trạm phẩu tiền phương. Trạm phẫu đặt trên thuyền đánh cá của dân, bên thôn Hạ Bình thuộc xã Bình Hải, phải qua 2 xã Bình Sa, Bình Đào.
Thật là xúc động, tôi nghe Phiên thổ lộ: - Thủ trưởng ơi! Chúng em thật có lỗi với thủ trưởng. Em và anh Búp yêu nhau. Chúng em định sau chiến dịch này sẽ báo cáo tổ chức cho phép chúng em thành vợ thành chồng. Nhưng bây giờ anh Búp đã hi sinh trước em rồi. Còn em thì bị thương mất cả hai chân, có sống cũng chẳng làm gì được nữa. Có lẽ ông trời đã định số chúng em gặp nhau nơi chín suối rồi. Thủ trưởng đừng đưa em đi trạm phẫu nữa, dành lực lượng bảo đảm thông tin liên lạc.
Tôi động viên Phiên phải sống. Nói xong tôi giao nhiệm vụ cho anh em chuẩn bi đưa Phiên về trạm phẫu. Do thiếu người nên phải đề nghị chỉ huy tiền phương tăng cường 2 vệ binh đưa Phiên về trạm phẩu. Nằm trên cáng, Phiên bùi ngùi nhìn tôi, vừa đưa tay cho tôi nắm, vừa nói giọng yêu yếu: - Tạm biệt thủ trưởng.
Do vết thương quá nặng, anh em đưa Phiên đến hết địa phận xã Bình Sa thì em đã hi sinh.
Chiến dịch Tây Nguyên thắng lớn, tình hình chiến sự trên toàn miền Nam chuyển biến mau lẹ. Căn cứ tình hình thực tế tại chiên trường, Thường vụ Khu ủy và BTL Quân khu 5 quyết định đẩy nhanh tốc độ tấn công tiêu diệt địch, giải phóng thị xã Tam Kỳ. Trong các ngày từ 21 đến 23-3, mặc dù địch phản kích quyết liệt, dùng pháo binh đánh phá ác liệt các khu vực ta chiếm giữ và hành lang tiếp cận thị xã Tam Kỳ, nhưng các đơn vị của ta vẫn chiếm giữ được mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Sáng ngày 23-3, chỉ huy tiền phương tỉnh nhận được lệnh của tiền phương Quân khu 5: “Đưa toàn bộ lực lượng tác chiến ở vùng đông quay vào tiêu diệt địch phía đông thị xã Tam Kỳ, cắt cầu Kỳ Phú, phối hợp lực lượng Sư đoàn 2 quân khu giải phóng thị xã Tam Kỳ”.
Nhận lệnh này, bản thân tôi vô cùng ngạc nhiên, nhưng cũng rất phấn khởi. Từ Bình Dương, Bình Đào các tiểu đoàn của tỉnh vừa đi vừa đánh địch hành quân vào Kỳ Phú; bọn địch ở cơ sở thôn ấp đều buông súng đầu hàng.
Đêm 23-3, Tiểu đoàn 72 đánh chiếm cầu Kỳ Phú diệt trung đội bảo an địch, công binh tỉnh đánh sập cầu. 5 giờ 15 phút ngày 24-3, được sự chi viện của pháo binh, xe tăng và bộ binh Sư đoàn 2 từ các hướng đánh vào thị xã Tam Kỳ; từ hướng đông Tiểu đoàn 72 vượt cầu Kỳ Phú đánh lên.
Tại trung tâm thị xã Tam Kỳ, lúc đầu địch chống cự quyết liệt nhưng khi thấy xe tăng ta xuất hiện, bọn địch bỏ súng tháo chạy. Các hướng tiến công của ta đều gặp thuận lợi, 11 giờ ngày 24-3, thị xã Tam Kỳ hoàn toàn được giải phóng.
Tình hình diễn biến mau lẹ, thế tiến công của ta như vũ bão. Chấp hành lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, từ ngày 25-3, lực lượng vũ trang tỉnh tập trung truy quét tàn binh địch, còn lực lượng chủ lực của quân khu nhanh chóng chuyển đội hình tiến ra hướng Đà Nẵng, theo phương án đánh nhanh thắng nhanh, phối hợp với Sư đoàn 304, Sư đoàn 325 Quân đoàn 2 cơ động của Bộ từ phía Bắc đánh vào giải phóng TP. Đà Nẵng trong thời gian nhanh nhất.
Trước sức tiến công như vũ bão của quân ta từ các hướng vào Đà Nẵng, đêm 28-3, tướng Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy đã bỏ nhiệm sở tháo chạy. Sáng ngày 29-3, các đơn vị của ta đã vào trung tâm Đà Nẵng. Như rắn mất đầu, quân ngụy buông súng đầu hàng, sau đó hòa cùng nhân dân đón bộ đội ta trở về.
11 giờ 30 ngày 29-3, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên nóc tòa thị chính TP. Đà Nẵng, báo hiệu Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng.
Hơn một tháng sau, đúng 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, quân và dân Quảng Nam-Đà Nẵng cùng nhân dân cả nước vui mừng đón nhận tin TP. Sài Gòn được giải phóng.
Cùng với niềm vui mừng chiến thắng, tôi vô cùng thương tiếc 9 đồng chí đã hi sinh ngay trước ngày giải phóng. Trong đó đại đội thông tin 4 đồng chí, mà sự hi sinh của hai đồng chí Búp và Phiên còn đọng mãi trong ký ức của tôi.
Lẽ ra tôi sẽ là chủ hôn cho hai em sau chiến dịch. Nhưng lời hẹn ước của các em đã không thành. Chiến tranh đã cướp mất hạnh phúc của hai em. Các em đã góp phần vào sự tích anh hùng của Binh chủng Thông tin liên lạc và QĐND Việt Nam anh hùng.
Đặng Vân