Mái ấm người có công

Một ngày đến Trung tâm này, chúng tôi cảm nhận biết bao điều thiêng liêng giữa cuộc sống đời thường. Những con người đã hy sinh một phần thân thể cho Tổ quốc, nay đang gồng mình vượt qua nỗi đau đớn thường xuyên, nhất là mỗi khi trái gió trở trời. Anh Trần Tài Cẩm, 58 tuổi, quê Tam Nghĩa (Núi Thành-Quảng Nam), bị thương khi đang làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, với tỷ lệ thương tật 95%, suốt ngày ngồi trên xe lăn, không vợ con, mấy chục năm qua, anh coi Trung tâm như là gia đình của mình. Bà Đinh Thị Mùi, 57 tuổi, bệnh binh 81%, quê xã Hòa Tiến (Hòa Vang-Đà Nẵng), anh Nguyễn Văn Đông, 51 tuổi, thương binh 95%, quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng đã gần 20 năm được nuôi dưỡng tại trung tâm này mà hiếm khi có người thân thăm hỏi…
Kỷ niệm Ngày TBLS năm nay, Phó chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng-Nguyễn Nho Trung và nhiều cơ quan, đơn vị ở Đà Nẵng đã đến thăm, tặng quà Trung tâm. Theo Phó giám đốc Trung tâm-Trần Thị Phượng Tiên: Đó không chỉ đơn thuần là những phần quà tặng mà cao quý hơn, đó là những tình cảm sâu đậm của Đà Nẵng đối với Quảng Nam nói chung và dành cho các đối tượng chính sách nơi đây nói riêng. Có những đơn vị không chỉ thăm, tặng quà mà còn biểu diễn chương trình văn nghệ uống nước nhớ nguồn với bao ý nghĩa sâu sắc. Ban Điều hành Khối Công nghiệp-Nông-Lâm-Thủy sản (Đảng ủy Khối doanh nghiệp TP. Đà Nẵng) còn tặng Trung tâm 1 chiếc tivi 55 in, trị giá 20 triệu đồng, để các cụ xem, giải trí, nâng cao đời sống tinh thần. Trong những ngày tháng 7 “Uống nước nhớ nguồn” năm nay, lần đầu tiên có một nhóm trẻ hoạt động thiện nguyện tự phát tại Đà Nẵng là CLB Phát Tâm Đức ở quận Liên Chiểu, đã đến thăm, giao lưu văn nghệ và trao tặng quà với nguồn kinh phí do hội viên CLB ủng hộ.
Đặc biệt, trong buổi tặng quà tại Trung tâm vào ngày 26-7 đã diễn ra một cuộc gặp gỡ hết sức xúc động. Đó là cuộc hội ngộ giữa bà Lê Thị Tám-Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP. Đà Nẵng với thương binh Lê Thị Nam, 87 tuổi, nguyên Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Đại Thắng (Đại Lộc-Quảng Nam). Hai người đồng chí một thời cùng làm công tác phụ vận trong những năm chống Mỹ cứu nước, nay mới được gặp lại sau hơn 40 năm xa cách, ôm chầm lấy nhau trong niềm xúc cảm nghẹn ngào. Càng cảm động hơn khi biết bà Nam cùng với người em ruột của mình là Lê Thị Ngôn, 85 tuổi, sau bao năm cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đến khi đất nước thanh bình không còn có cơ hội xây dựng gia đình và cùng chọn nơi đây để sống những năm tháng cuối đời.
Không chỉ bà Nam hay bà Ngôn, mà nhiều người ở trung tâm này không có gia đình, ít có thân nhân thăm viếng. Những người độc thân nơi đây thường động viên nhau là mình “Học tập Bác Hồ” và họ thật sự noi gương Bác về ý chí chịu đựng đau đớn, chiến thắng thương tật, bệnh tật. “Mỗi lần nổi cơn đau, tôi lại liên tưởng đến Bác Hồ dẫu ở trong tù ngục vẫn sáng tác những vần thơ hay như “Gạo đem vào giã bao đau đớn/Gạo giã xong rồi trắng tựa bông”, nghĩ vậy, tôi cắn răng vượt qua bao đau đớn”, thương binh Trần Tài Cẩm chia sẻ.
Bài và ảnh: Lê Văn Thơm