Mắc uốn ván do vết thương
Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng đang điều trị cho bệnh nhân N.V.N., 38 tuổi, ở huyện Quảng Hòa, nhập viện trong tình trạng vết thương vùng cẳng chân phải sưng tấy, rớm máu, cứng hàm, há miệng hạn chế, co cứng cơ toàn thân.
Người nhà bệnh nhân cho biết: Cách đó 10 ngày, bệnh nhân làm nghề cơ khí, bị vết thương vùng cẳng chân phải do thanh sắt cứa vào, nhưng chủ quan không đi tiêm phòng uốn ván. Ở nhà, bệnh nhân chưa được dùng thuốc gì, đến sáng ngày 11-9, bệnh nhân xuất hiện cứng hàm, không ăn được gì, người mệt mỏi nhiều nên được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng khám và điều trị.
Qua thăm khám làm các xét nghiệm cận lâm sang, bệnh nhân được chẩn đoán: Uốn ván, vết thương nhiễm trùng cẳng chân phải. Hiện tại, bệnh nhân đang được điều trị, chăm sóc tại Khoa Truyền nhiễm.
Theo bác sĩ Khoa Truyền nhiễm, uốn ván là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do trực khuẩn uốn ván gây nên. Đây là bệnh nguy hiểm, ở thể tối cấp, khi xuất hiện triệu chứng tỷ lệ tử vong rất cao; nếu không tử vong thì thời gian điều trị kéo dài, chi phí điều trị tốn kém. Thời gian ủ bệnh uốn ván kéo dài từ 3-21 ngày, trung bình là từ 7-8 ngày. Do đó, cần tiêm phòng uốn ván càng sớm càng tốt, thời gian tốt nhất là trong vòng 24 giờ để phòng ngừa vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.
Qua trường hợp bệnh nhân trên, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân trong quá trình làm việc tại những nơi dễ dàng bị thương hay thường làm việc với những vật dụng sắt nhọn cần trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn lao động như giày bảo hộ, găng tay chống cắt, đồ bảo hộ. Khi có vết thương hở, cần rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch, loại bỏ tất cả các chất bẩn, dị vật bám lên vết thương (có thể sử dụng oxy già, dung dịch sát khuẩn povidon). Băng bó và đến cơ sở gần nhất để tiêm phòng uốn ván.
Thùy Linh