Má Sáu
Đến bây giờ sau gần 40 năm nhìn lại nhiều lúc tôi cứ tự hỏi nếu những ngày chém vè bám trụ sau “Mậu Thân 68” quá sức gian nan ấy không có má và những bà con sống trong ấp chiến lược như má thì rồi không hiểu đại đội đặc công vùng ven chúng tôi tồn tại thế nào?
Chắc là không tồn tại nổi. Các sư đoàn chủ lực đã bị đánh bật hết về phía sau, nơi rừng già biên giới, ở lại với địa bàn chỉ là vài nhóm đặc công lom rom mấy chục người lẩn khuất trong những vạt rừng chồi lúp súp cao không quá đầu người. Mà đối phương lại đông tới hàng trăm, hàng ngàn lần với đầy đủ phi cơ, pháo binh, giang thuyền, chiến xa, bọc thép.
Đúng là trên trời dưới lính Mỹ - ngụy. Có cảm giác chúng muốn nhai nát chúng tôi ra lúc nào thì nhai, vô phương chống cự. Vậy mà chúng tôi vẫn sống vẫn nổ súng đều đặn mỗi khi vào mùa chiến dịch. Phép tàng hình chăng? Hay sự ngoan cường, tinh ranh trước cái chết? Hay biết cách ẩn mình xuống địa đạo? Hay trông nhờ vào hệ thống mìn trái dày đặc, dày đến nỗi nhiều khi địch vấp và ta cũng vấp. Có cả đấy mà cũng chả có cái gì nếu như không dựa được vào chiến luỹ lòng dân...
Bởi lẽ trên đời có nghệ thuật bám trụ nào chống chọi nổi cái việc cứ năm mét một mũi thuốn của kẻ thù thuốn xuống khắp bưng biền, đồi trảng để tìm hầm, cứ một trăm người dân là có một chỉ điểm đi đánh hơi suốt ngày đêm và cứ vài ngày lại có một cuộc càn huỷ diệt vào rừng. Thế là chỉ còn cách bám trụ ngay trong lòng ấp, ngay trong nhà dân bằng những căn hầm bí mật khoét tài tình như một nghệ thuật sắp đặt. Kẻ thù có thể săm nát đất đai nhưng làm sao có thể săm được vào tình thương yêu, đùm bọc của bà con với cách mạng. Dẫu rằng cái tình đó để nuôi dưỡng được nhiều khi phải trả một giá rất đắt nếu chúng phát hiện ra.
Những ngày nghẹt thở ấy, tôi và cậu liên lạc được đồng chí nữ bí thư xã có chồng đi tập kết phân công về ở tại nhà má Sáu. Anh em còn lại tản ra ở các nhà bà con tin cậy khác.
Năm ấy má chừng 50 tuổi, còn chúng tôi mới chỉ ngoài 20. Má chỉ có một mình. Chồng và hai người con của má đều đã hy sinh rải rác trong suốt cuộc chiến tranh. Nên má coi chúng tôi như con, còn hơn con. Ngày ngày má chèo thuyền ra sông hái rau, bắt cá đem xuống chợ đổi gạo về nuôi chúng tôi. Mà lại không được đổi nhiều để tránh tai mắt kẻ xấu. Nhân thể má thăm thú tình hình ta, địch có gì mới trong ngày về thông báo lại. Nhờ đó dù sống trong lòng đất âm u nhưng chúng tôi vẫn lên được những phương án tác chiến chính xác bất ngờ để đêm đêm trồi lên mặt đất làm nhiệm vụ trừ gian diệt ác.
Nhưng thời gian nằm trong ấp này cũng không thể kéo dài vì rất mạo hiểm. Có khác gì cá nằm trong đó. Đã có căn hầm bị chỉ điểm không có lối thoát thân nên đành hy sinh cả tổ ba người.
Tạm biệt bà con, tạm biệt khu ấp chất chứa bao kỷ niệm vui buồn, chúng tôi triển khai ra sông Thị Tính - một nhánh của sông Sài Gòn gần đó lập căn cứ bám trụ. Dễ thở hơn nhưng lại đói ăn vì tất cả mọi đường ngang ngõ tắt đi vào ấp đều bị chúng phong toả kín mít.
Lại phải nhờ má Sáu cùng với một số bà con trung kiên giả bộ chèo thuyền ra sông hái rau, bắt cá để kín đáo tiếp tế lương thực cho. Chao ôi, những lon gạo, lọ mắm, gói thuốc, bịch đường, cục pin, miếng xà bông... được giấu kỹ trong người, kể cả giấu ở chỗ kín, được gài xuống đáy ghe ngày ấy mới nồng nàn cái nghĩa ân tình quân dân cá nước làm sao. Những hạt gạo phải đổi bằng máu, những hạt gạo vẫn còn thơm thoảng da thịt con gái và nước cốt bã trầu.
Bám trụ mà không gây được những tiếng nổ tiến công trong lòng ấp, lòng địch thì cái sự bám trụ trở thành vô nghĩa. Nhưng đột ấp thế nào đây khi các ổ phục kích của địch đã rải hết các mối đường, chỉ cần ta ló đầu ra là các loại vũ khí thi nhau phát nổ.
Lại phải nhờ má Sáu, nhờ bà con làm tín hiệu bằng những ngọn đèn dầu vặn nhỏ để ở bàn thờ ngoài sân. Đèn sáng là cứ vào, ổ phục đêm nay chúng chuyển chỗ khác rồi. Đèn tắt là đừng vô, có lính đó. Cứ thế, thời gian trôi qua, nhờ có vầng sáng những ngọn đèn thắp lên từ trái tim của má, của bà con, đường dây liên lạc giữa rừng và ấp hoàn toàn được khơi thông, tạo thế mở vùng, mở mảng đánh vỡ từng âm mưu thâm độc của đối phương...
Sau Hiệp định Pa-ri năm 1973 vài ngày, chúng tôi lại phải xa má trở về rừng. Rồi mặt trận xuống sâu hơn nữa. Sâu tới tận Sài Gòn. Từ Sài Gòn nhận lệnh ra Bắc. Tiếp tục vùi đầu vào cuộc sống và mưu sinh nên lần lữa mãi tôi vẫn chưa có dịp trở lại căn cứ bên sông đó. Cho mãi tới cả chục năm sau tối mới có dịp ghé về.
Nhưng má không còn nữa. Cảnh vật thay đổi như đùa. Chiều muộn. Tìm ra mộ má, thắp một nén nhang, tôi lầm rầm: "Đáng lẽ chúng con phải về thăm má ngay từ ngày hoà bình đầu tiên nhưng rồi... Xin má tha tội cho chúng con, tha cho những thằng lính được má cưu mang đùm bọc trong những ngày gian khó nhất nhưng lại đành để cho cuộc sống cuốn đi mà lãng quên cả nghĩa tình xưa cũ và cả những gì cao đẹp, thiêng liêng nhất.
Còn nhớ hồi chúng tôi ở căn cứ sát rìa xã Phú An đó, lâu lâu lại có một thanh niên dáng tầm thước, hơn tôi chừng vài tuổi, vẻ mặt dễ ưa, tiếng nói nhỏ nhẹ nghe đâu như là ở cơ quan Đoàn thanh niên trên "Rờ" xuống móc ráp gia đình. Chỉ biết tên anh là Sáu Phong và đôi khi gặp cũng có đôi ba điều chuyện trò, rồi ai về việc nấy vì dân về móc gia đình thường trú ngụ ở bên xã chứ không nằm ở đội hình lính chiến bên này.
Thời gian qua đi, cuộc sống vận hành thế nào mà bỗng một ngày, trong Hội nghị APEC 2006 lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam, tôi lại thấy anh đứng uy nghi trong cương vị một người đứng đầu Nhà nước Việt Nam - Chủ tịch Nguyễn Minh Triết.
Chu Lai