Ma men
Chỉ trong mấy ngày tết Nguyên đán Ất Mùi, cả nước có tới 6.868 trường hợp vào viện khám cấp cứu do đánh nhau, trong đó đã có 15 trường hợp tử vong. Con số được ngành Y tế công bố gây sốc trong dư luận, khiến nhiều người giật mình, suy ngẫm. Càng sốc hơn khi biết nguyên nhân chủ yếu của những vụ ẩu đả nói trên là lạm dụng rượu bia. Đúng là ma đưa lối, quỷ dẫn đường thật rồi! Ma ở đây là "ma men" đích thực.
Trong năm 2014, dư luận đã hết sức quan ngại khi được biết Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về tiêu thụ bia; thứ ba châu Á và nằm trong tốp 25 quốc gia uống nhiều bia nhất thế giới.
Việc dùng bia rượu vào những dịp hội hè, đình đám, đặc biệt là mỗi khi tết đến xuân về là một tập quán của người Việt. Uống rượu bia vừa đủ làm cho người ta ăn ngon miệng, tinh thần phấn chấn, dễ góp chuyện, trao đổi vui vẻ, cởi mở với nhau trong các dịp tiệc tùng, giỗ chạp... Nhưng, mỗi khi khái niệm vừa đủ không còn, giới hạn không còn, tốc độ tiêu thụ rượu bia tăng vọt, thì "tập quán" đã trở thành vấn nạn, là nguyên nhân chính của các tệ nạn xã hội, của hành vi bạo lực, gây tai nạn giao thông... Như vậy, nếu cộng thêm 536 vụ tai nạn giao thông trong 9 ngày tết vừa qua, làm 317 người chết và nguyên nhân chủ yếu vẫn là do uống rượu bia say, đi xe máy, lái ô tô, thì tác hại của uống rượu bia quá độ là vô cùng lớn.
Ai cũng biết rượu bia làm ức chế vùng vỏ não điều khiển sự tự chủ, biết kiềm chế của mỗi chúng ta. Uống nhiều rượu bia sẽ làm tê liệt hệ thần kinh tự chủ, sự phán đoán và ý thức đạo đức. Hậu quả tất yếu của việc uống quá nhiều rượu bia sẽ biến một con người bình thường thành một "ma men", không kiểm soát được ứng xử của mình, rất dễ vi phạm đạo đức hành vi, đó là chưa bàn tới việc làm tổn hại sức khỏe.
Làm sao khắc chế được "ma men", hạn chế được tác hại do uống quá nhiều rượu bia là việc của cả xã hội, trước hết là chính quyền các cấp phải tính, bởi để tồn tại một xã hội rượu bia như hiện nay, đã quá thể rồi! Có người cho là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục. Còn tôi lại suy nghĩ: Mỗi khi tình trạng thi nhau uống rượu bia đã trở thành phổ biến; người ta lấy cớ sống là phải vui, vui là phải uống, uống là phải "tẹt ga, tới số", phải say; biết uống rượu đến mức nào mới là người biết giao tiếp...; người không biết uống rượu vì thế cũng bị kéo vào cuộc, thì giáo dục chỉ nên xem là giải pháp phụ. Tôi đồng tình với ý kiến của một nhà khoa học: Lúc này cái chính là phải có những quy định của luật pháp nhất định để hạn chế viêc sử dụng rượu bia. Hạn chế từ người sản xuất cho đến người sử dụng, phải đánh vào hầu bao của mỗi người, đánh vào kinh tế, như thuế và giá rượu bia phải cao... làm cho người ta phải ít dùng bia rượu; người ít uống, không uống ngày càng đông lên, mới tạo thành một xu hướng xã hội. Không phải cứ tuyên truyền suông là được!
Trong khi tình trạng ẩu đả, tai nạn giao thông... do uống quá nhiều rượu bia ngày một trầm trọng; trong khi xã hội đang chờ đợi những biện pháp tầm vĩ mô từ Chính phủ, các bộ, ngành để ngăn chặn tệ uống rượu bia quá nhiều, thì âm thanh "dzô... dzô", những biểu hiện khác người của không ít "ma men" cùng những lời mời mọc, thách ép nhau uống rượu bia trong bàn tiệc hội ngộ bạn bè, đồng nghiệp, đồng hương... vẫn râm ran, rộn ràng, dai dẳng sau những ngày tết Ất Mùi. Thật ái ngại lắm thay!
Việt Hưng