Lưu ý khi chăm sóc người già bị ốm tại nhà
Người già ốm đau rất muốn con cháu bên cạnh.
Người cao tuổi có thể mắc các bệnh khiến họ phải nằm một chỗ; biến chứng của nằm một chỗ thường nguy hiểm như nhiễm trùng, loét, teo cơ… Khi đó, người cao tuổi thường có tâm lý cau có, căng thẳng, đồng thời tự ti mặc cảm vì mình làm phiền con cháu. Vì vậy, người nhà cần cảm thông và đặc biệt chú ý khi chăm sóc bệnh nhân nằm tại giường để quá trình hồi phục nhanh chóng.
Các chuyên gia y tế có những lời khuyên trong việc chăm sóc người cao tuổi bị ốm tại nhà:
1. Phòng nghỉ, ngủ phải thoáng khí, tránh gió lùa; đảm bảo đủ ánh sáng; chăn màn của bệnh nhân cần được giặt giũ thường xuyên.
2. Chuẩn bị giường chuyên dụng nếu người cao tuổi bị liệt hay đi lại khó khăn: Giường có chế độ nâng và hạ đầu cao. Bạn nên cho bệnh nhân ngồi nhiều, hoặc nằm nghiêng phải hay trái trên đệm khí hay đệm nước chống loét.
3. Thường xuyên vỗ rung phổi, tối thiểu 2 lần/ngày, để phổi khỏi ứ đọng gây viêm phổi.
4. Thường xuyên vận động các khớp tay, chân, và xoa bóp các cơ, nếu không bệnh nhân sẽ cứng khớp nhanh chóng.
5. Về dinh dưỡng: Nếu các cụ tự ăn được thì tốt, nếu không ăn được hoặc ăn yếu bạn nên chọn thực phẩm mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa. Khi cần thiết phải cho ăn bằng ống xông dạ dày, như vậy sẽ đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân. Việc vệ sinh bát đũa, cốc hằng ngày là cần thiết. Nếu đặt ống xông thì khoảng 1-2 tháng thay 1 lần.
6. Về hô hấp: Bệnh nhân thở yếu, đôi khi không đủ lượng oxy cung cấp cho cơ thể. Vì vậy, bạn nên mua 1 máy tạo oxy để hỗ trợ thêm lượng oxy cho bệnh nhân khi cần thiết.
7. Chăm sóc não: Các bệnh nhân thường bị sa sút trí tuệ, vì vậy người nhà cần tăng cường tương tác. Nếu có thời gian thì thường xuyên hỏi chuyện, tâm sự, kể chuyện. Nếu không có thời gian thì ít nhất cần cho bệnh nhân xem nhiều TV, nghe đài.
8. Tắm rửa, vệ sinh cơ thể: Sự di chuyển của bệnh nhân là khó khăn, cho nên hầu hết phải vệ sinh tại chỗ. Lau rửa bệnh nhân hằng ngày bằng nước ấm, vắt vài quả chanh tươi và chút muối, lau bằng nước lá chè, lá kinh giới xay. Khi vệ sinh nên lau kỹ các vùng kín như nách, cổ... lật nghiêng bệnh nhân sang từng bên để lau...
Nếu thời tiết ấm, có thể cách 3-5 hay 7 ngày tắm tổng thể 1 lần.
Lưu ý: Thời tiết giá lạnh khi lau và tắm rửa nên chiếu đèn sưởi ấm.
10. Chăm sóc tốt các bộ phận:
- Răng miệng: Dùng ngón tay trỏ quấn gạc tẩm ướt nước muối vệ sinh răng miệng.
- Mắt: Nhỏ nước mắt nhân tạo ngày 3 lần và nước muối 9%.
- Mát xa xoa bóp chân tay, cổ, vai để thông khí huyết.
- Gội đầu giúp người bệnh dễ chịu, giảm thiểu nấm đầu, rụng tóc, đồng thời tăng cường lưu thông máu ở đầu. Nên dùng chậu gội đầu chuyên dụng để việc gội đầu cho bệnh nhân diễn ra dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tuyệt đối không gội đầu khi bệnh nhân sốt cao hay bệnh tình trở nặng.
- Thay quần lót hằng ngày. Vệ sinh vùng kín bằng dung dịch vệ sinh (nhất là bệnh nhân nữ). Chú ý, dùng khăn mềm, nước ấm lau và thấm khô mỗi khi bệnh nhân đi tiểu, đại tiện.
Thành An