“Luôn luôn là Bộ đội Cụ Hồ”
Cán bộ Hội CCB tỉnh Phú Thọ tuyên truyền giáo dục truyền thống cho học sinh T.P Việt Trì.
Khi đất nước có chiến tranh, họ dâng hiến cả tuổi thanh xuân góp phần đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc. Hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, với những mất mát, hy sinh thầm lặng, trở về cuộc sống đời thường, dù ở những cương vị khác nhau, họ vẫn gương mẫu cần mẫn góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp, như lời chúc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Hội CCB toàn quốc lần thứ VI: “CCB, cựu quân nhân luôn luôn là Bộ đội Cụ Hồ, mãi mãi là Bộ đội Cụ Hồ”. Thiếu tướng Lê Quang Đại - Uỷ viên Thường vụ T.Ư Hội CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Phú Thọ là một trong những người như thế. Trong dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2022), PV Báo CCB Việt Nam có cuộc trò chuyện với ông, xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.
PV: Đồng chí có thể kể lại lần bị thương của 50 năm trước?
Thiếu tướng Lê Quang Đại: Tháng 3-1972, tại cao điểm Chi Gan, thuộc quận Hiệp Đức (nay là huyện Hiệp Đức), tỉnh Quảng Nam, trong trận đánh đó, với cương vị là Khẩu đội trưởng 12,7 ly, tôi đã thay đồng chí xạ thủ số 1, trực tiếp bắn rơi chiếc máy bay trực thăng của địch. Với thành tích đó, tôi được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Nhưng cũng trong trận đánh này tôi bị thương vì một viên đạn AR15 của địch bắn xuyên vào khớp háng, nhưng viên đạn ở vị trí quá hiểm nên không lấy ra được. Vết thương kín miệng, tôi tiếp tục cùng đơn vị tham gia chiến đấu cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Rồi ngay sau đó tôi lại tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc. Hơn 40 năm, tưởng viên đạn của kẻ thù sẽ nằm im trong cơ thể, thì đến năm 2013 nó “dở chứng”... Không còn cách nào khác tôi phải vào viện phẫu thuật lấy viên đan ra, đồng nghĩa với phải thay khớp háng. Sức khỏe bình phục, năm 2014, tôi được điều động về làm Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ; năm 2015 nghỉ hưu và được cấp ủy địa phương giao cho chức vụ Chủ tịch Hội CCB tỉnh đến nay.
PV: Phú Thọ là một trong số ít tỉnh có số hội viên CCB đông nhất so với các tỉnh, thành trong cả nước; đồng thời cũng là tỉnh điển hình thực hiện tốt phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Xin đồng chí cho biết những cách làm cụ thể để giúp CCB thoát nghèo bền vững?
Thiếu tướng Lê Quang Đại: Hiện nay, tỉnh Phú Thọ có gần 120.000 hội viên CCB. Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, về vớí cuộc sống đời thường, cán bộ, hội viên CCB, CQN trong tỉnh quyết tâm xóa bằng được “giặc nghèo”. Cách làm của chúng tôi là cho anh em cái “cần câu”, hướng dẫn “cách câu”. Thực tế cho thấy đây là cách làm đúng để xóa nghèo bền vững. Chúng tôi tập trung khai thác các nguồn lực, nhất là vốn, giúp đỡ CCB có điều kiện sản xuất kinh doanh, mở mang các ngành nghề, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Phong trào CCB giúp nhau làm kinh tế được nhân rộng và lan tỏa đều các lĩnh vực như sản xuất theo mô hình trang trại, gia trại, hoạt động kinh tế tập thể, sản xuất kinh doanh. (Tôi muốn nhấn mạnh mô hình tập thể mới). Tính đến ngày 31-3-2022, Hội quản lý 1.132,594 tỷ đồng vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH); (tăng 24,578 tỷ đồng so với năm 20210), với 30.175 hộ vay để đầu tư phát triển sản xuất. Dư nợ quá hạn toàn tỉnh chỉ chiếm 0,15%. Các nguồn vốn vay đều được sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả, đã giúp hàng trăm hội viên thoát nghèo. Đến nay, toàn hội có trên 2.000 mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, các xưởng cơ khí, mộc, nghề truyền thống, có 229 doanh nghiệp vừa và nhỏ; 73 HTX, 260 trang trại, 2.399 gia trại do cán bộ, hội viên làm chủ, giám đốc. Có 7 Câu lạc bộ Doanh nhân CCB cấp huyện, 1 CLB Doanh nhân CCB cấp tỉnh. Bằng những biện pháp tích cực trên đến nay tỷ lệ hộ, cũng như hội viên nghèo của tỉnh chỉ còn 1,7%; hộ CCB khá và giàu là 61%; xã, phường không còn hộ CCB nghèo là 31%. Phong trào thi đua CCB giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng đã khơi dậy sự đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường của mỗi hội viên CCB. Nhiều tấm gương sáng nhờ sự giúp đỡ bằng nguồn vốn của CCB, NHCSXH… và sự quyết tâm xóa nghèo của CCB, nên đã xóa được nghèo bền vững và đã giúp đỡ được hàng trăm CCB thoát nghèo, có việc làm với thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/ tháng. Tiêu biểu như CCB, thương binh 2/4 Vũ Hữu Lợi, xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập đã khắc phục khó khăn chuyển đất màu, phân bón lên đồi đá, mày mò học hỏi kỹ thuật trồng trọt, để trồng được hơn 8ha bưởi Diễn; đến nay từ nguồn thu nhập của cây bưởi, gia đình xây được căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi rộng 300m2. CCB Hà Đình Sở, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn, tự nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi gà, lợn, vịt, cách nuôi, thả cá, với trang trại tổng hợp rộng trên 2ha, đã cho thu hoạch 200 triệu đồng/năm. CCB Hà Kim Tới, xã Võ Lao, huyện Thanh Ba, khi xuất ngũ về địa phương đã sang tận Thái Nguyên để học hỏi về cơ khí, rồi nghiên cứu chế tạo ra rất nhiều công cụ phục vụ cho nông nghiệp như máy ruôi sắn, máy tách hạt ngô, máy thái cây chuối, máng chăn nuôi bằng I nốc, máy cắt CT, sơn tĩnh điện. CCB Nguyễn Khang Ninh, xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba, chuyên trồng chè búp tím xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm…
PV: Việc bồi dưỡng, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của Hội CCB tỉnh được thể hiện và hiệu quả ra sao, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Lê Quang Đại: Ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ cách mạng, thế hệ trẻ có nhiệm vụ khác nhau. Nếu như thế hệ CCB chúng tôi hy sinh tuổi thanh xuân, hy sinh xương máu, ra trận đánh quân xâm lược, góp phần cùng toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, thì ngày nay, thế hệ trẻ lại có trách nhiệm bảo vệ, xây dựng Tổ quốc. Thế hệ chúng tôi là lớp người từng kinh qua trận mạc, được rèn luyện gần nửa thế kỷ trong môi trường quân ngũ, chúng tôi thấm thía việc cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ý thức được điều đó nên chúng tôi đến với Đoàn Thanh niên, bàn bạc ký kết chương trình phối hợp, trong đó chú trọng nội dung tuyên truyền, giáo dục truyền thống theo từng giai đoạn; đồng thời tích cực duy trì các hoạt động phối hợp có hiệu quả như kể chuyện truyền thống, kết hợp với tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự cho hàng nghìn học sinh, sinh viên trong các trường học trên địa bàn, nhằm khơi dậy lòng nhiệt huyết của thanh niên Đất Tổ, qua đó đã góp phần vào việc hoàn thành chỉ tiêu giao quân hằng năm và khơi dậy được truyền thống hào hùng của dân tộc, luôn trung thành tuyệt đối và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nêu cao lòng yêu nước, sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp cách mạng, tình nguyện xung kích vì cộng đồng, đi đầu trong phát triển kinh tế, làm chủ khoa học - kỹ thuật; xung phong đảm nhận những việc mới, việc khó với ý chí quyết tâm đưa quê hương Phú Thọ vươn lên.
PV: Điều mà đồng chí muốn nhắn nhủ các CCB tỉnh nhà và bạn đọc Báo CCB Việt Nam?
Thiếu tướng Lê Quang Đại: CCB chúng tôi đương nhiên phải cố gắng, để luôn luôn là Bộ đội Cụ Hồ như lời chúc và cũng là nhiệm vụ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Đảng ta giao cho CCB, thiết nghĩ mỗi người trong xã hội hiện nay cần giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng, phấn đấu trở thành người công dân có ích cho xã hội, luôn cảnh giác cao với các âm mưu thủ đoạn tinh vi và thâm độc của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Từ đó khơi dậy niềm tự hào, tinh thần yêu nước, yêu CNXH cho nhân dân, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh, văn minh.
PV: Xin cảm ơn đồng chí.
Kiều Tuấn (thực hiện)