Lung linh bạn bè

(Đọc Nguyễn Anh Nông
“Đi từ miền lá cỏ” NXB QĐND)
“Đi từ miền lá cỏ” tập hợp nhiều bài viết của nhiều tác giả xung quanh 7 tập thơ và 4 trường ca của nhà thơ quân đội Nguyễn Anh Nông.
Bằng cái nhìn bao quát của người tuyển chọn và biên soạn, TS Đỗ Thị Thu Huyền xếp thơ Nguyễn Anh Nông cũng nằm trong mạch vận động chung của thơ ca đương đại.
Phẩm chất, đức tính ngoài đời các nhà thơ thường được thể hiện trong các sáng tác của họ. Với trường hợp Nguyễn Anh Nông, nhà thơ Phùng Văn Khai chỉ ra: “Thơ anh phản ánh đầy đủ và chân thực cá tính cũng như nhân cách của anh, một người thâm trầm, độ lượng nhưng luôn riết róng với văn chương chữ nghĩa”.
Nếu ở nơi này Nguyễn Thanh Tuấn khẳng định một Lối viết tự động tâm linh thì ở chỗ khác, Nguyễn Tấn Việt lại tinh tế phát hiện ra Thơ anh thảng thốt đến hồn nhiên, hồn nhiên đến thảng thốt. Rồi ngơ ngác, rồi đau đáu, thái quá... Toàn những đặc sản. Nhưng có lẽ, chính đó mới là các yếu tố hình thành nên bút pháp, phong cách, mới có Nguyễn Anh Nông cho chúng ta thưởng thức và phẩm bình chăng?
Luận về câu chữ và giọng điệu ở tập trường ca Gửi Bill Gates và trời xanh, tác giả Trần Sáng viết một đoạn rất sâu sắc: “Dưới ánh mặt trời này, chẳng có cái gì tồn tại, mà không hàm chứa chút nghĩa lý. Giản dị có sự hiền minh của giản dị. Khát vọng về cái đẹp, cái thiện và hòa bình thì vị học giả cũng bình đẳng với kẻ không biết chữ. Dường như chính bản thân sự rườm rà về ý tứ, luộm thuộm về cấu tứ kia mới tạo nên sức mạnh của thông điệp”.
Điều nhận xét ấy cũng tương đồng, gần gũi với nhận xét của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi trong lần nhắc đến hai trường ca Trò chuyện với cha con Cu Lập Sơn và Lập Thành: Khi thì trào lộng, hóm hỉnh, dí dỏm, phiếm chỉ, phúng dụ, cách ngôn, lúc lại trang trọng nghi lễ...”
Các sáng tác được khẳng định là thành công, được nhận những lời khen chê đúng mực và tâm huyết đã là quý lắm. Nhưng cũng từ những sáng tác ấy, có khi nó còn gợi ý, hé mở, là cơ hội dẫn dắt người đọc, cho phép người đọc suy ngẫm, bàn rộng ra hay miên man phát triển một ý tưởng, một chiều hướng tư duy nào đấy.
Một người được coi là khó tính, một uy tín thẩm định thơ - nhà thơ Trần Mạnh Hảo, chả phải rào đón úp mở gì: Thơ lấy chất mà đánh bạt lượng, lấy chỉ một cái hay đích thực, hay cỡ các mét mà đánh bại 99 cái dở. Ông thẳng tuột vậy sau khi đọc tập Mây bay 44 bài chỉ chọn khen chừng mươi bài (trong đó hay nhất là bài Cảm tác).
Đi xa hơn về phía tư tưởng học thuật, sau khi đọc trường ca Trường Sơn, TS Chu Văn Sơn thận trọng, nhưng dứt khoát tuyên bố: Trường ca đã làm xong phần việc của mình. Rồi ông đi vào giải thích, trình bày quan điểm hết sức tường tận, hết sức thỏa đáng và thuyết phục: “Con người hôm nay có nhu cầu và cần phải nhìn chiến tranh quá khứ bằng một cái nhìn khác. Một cái nhìn không sùng bái một bề, cũng không được phụ bạc. Một cái nhìn thấy được vinh quang nhưng cũng thấy rõ mất mát. Hơn thế nữa, cái nhìn ấy không chỉ là cái nhìn của người yêu nước, mà cao hơn, phải có cái nhìn của người thương nước. Trường Sơn là điểm tựa trong quá khứ, nhưng Trường Sơn không phải là khoản lợi tức vô tận cho tư tưởng công thần. Trường Sơn là đài vinh quang kỳ vĩ bất hủ, nhưng Trường Sơn cũng là nấm mồ vĩ đại muôn kiếp. Trường Sơn là dãy trường thành của ý chí và sức mạnh, nhưng Trường Sơn cũng là một dòng nước mắt khổng lồ đã hóa thạch của dân tộc này....”
Vâng, mấy thế hệ đã đi qua. Thời đại và lòng người cũng đã xê dịch, biến đổi. Từ một trường hợp cụ thể, nó nâng lên thành đòi hỏi, yêu cầu chung cấp bách, khách quan đối với sự suy nghĩ, nhìn nhận và trách nhiệm của cả giới cầm bút, và sau đó, của toàn xã hội.
Cuối cùng phải kể đến loạt ý kiến thiết thực xoay quanh vấn đề thể loại cho trường ca. Không bó buộc vào quan niệm quen thuộc trước đây, các tác giả Nguyễn Thanh Tâm, Đỗ Quyên và tôi đều cùng tán thành ủng hộ việc xác định thể loại cho 4 tập trường ca của nhà thơ Nguyễn Anh Nông. Họ thấy trường ca không nhất thiết cứ phải cảm hứng sử thi, phải có chất men hào hùng, hoành tráng, phải lớn lao, cao cả, kỳ vĩ... Họ ủng hộ việc mở rộng quan niệm mới cho thể loại trường ca bằng cách cung cấp thêm dung lượng, xúc cảm mới về phía thế sự, những cái được cho là nhỏ nhặt, bình thường nơi đời tư, góc khuất mỗi con người...
Cuốn tiểu luận và phê bình này được thực hiện bởi nhiều tác giả. Có phải đấy là sự vang vọng, phản chiếu của độc giả, của dư luận xã hội? Đấy là bạn bè văn chương đến với Nguyễn Anh Nông hay là thơ và trường ca Nguyễn Anh Nông lung linh qua bè bạn?
Đặng Văn Toàn