Lực lượng vũ trang Quân khu 9: Thực hiện nghiêm kinh tế kết hợp với quốc phòng
Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều.
Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và bảo đảm quốc phòng - an ninh (QPAN) vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để hiểu lực lượng vũ trang Quân khu 9 thực hiện nghị quyết như thế nào để gắn phát triển KTXH với nhiệm vụ củng cố quốc phòng trên địa bàn, phóng viên (PV) Báo CCB Việt Nam có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều - Phó Tư lệnh Quân khu 9. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PV: Thưa đồng chí, 12 tỉnh Tây Nam Bộ có hơn 200km đường biên giới trên bộ và hơn 700km bờ biển với gần 150 đảo lớn nhỏ, giữ vị trí chiến lược, trọng yếu về QPAN. Vậy để xây dựng thế trận khu vực phòng thủ vững chắc trên địa bàn thì việc quy hoạch tổng thể các dự án phát triển KTXH gắn với QPAN được thực hiện như thế nào?
Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều: Để xây dựng thế trận quân sự liên hoàn, vững chắc thì cơ quan quân sự các cấp chủ động phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo việc quy hoạch phát triển KTXH gắn với thế phòng thủ trên từng địa bàn. Tất cả các dự án lớn đều được thẩm định kỹ lưỡng, bảo đảm được yêu cầu kép, đó là vừa phát triển KTXH, vừa phải bảo đảm các yếu tố về QPAN. Có nghĩa là các dự án phát triển KTXH nhưng phải bảo đảm về yếu tố quốc phòng, có thể nhanh chóng chuyển từ nhiệm vụ sản xuất trong thời binh sang thời chiến.
Các khu kinh tế, quốc phòng (KTQP) trên địa bàn quân khu như Đoàn KTQP 959, Đoàn KTQP 915, các công trình lưỡng dụng như đường tuần tra và các điểm, cụm, tuyến dân cư trên tuyến biên giới; hệ thống cầu, cảng, đường ven biển đều đáp ứng được yêu cầu phát triển KTXH và phục vụ có hiệu quả cho thời chiến khi đất nước có tình huống chiến tranh.
Thế trận quân sự của khu vực phòng thủ các địa phương và thế trận phòng thủ chung của Quân khu được hoàn chỉnh và liên tục được bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn, với các hình thái chiến tranh. Và nhất là xây dựng thế trận quân sự cũng phải đáp ứng được yêu cầu đánh thắng các cuộc chiến tranh công nghệ cao của đối phương.
PV: Để thực hiệc được điều đó thì các quy hoạch, đề án, chương trình, kế hoạch phát triển KTXH ở địa phương phải luôn đặt trong thế trận khu vực phòng thủ của Quân khu, đảm bảo hài hòa giữa phát triển KTXH với xây dựng tiềm lực quốc phòng, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều: Đúng vậy, trong những năm qua, chúng tôi tham mưu có hiệu quả với các địa phương. Theo đó thì các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, T.P Cần Thơ; các công trình dự án điện gió tuyến ven biển Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và các dự án điện mặt trời ở An Giang, Kiên Giang, công trình cảng biển, công trình ngăn mặn… đều đáp ứng được yêu cầu, tiêu chí về KTXH và QPAN. Hiện nay, hệ thống giao thông tỉnh lộ, giao thông nông thôn phát triển và được mở rộng... Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bảo đảm cho thế bố trí và cơ động lực lượng, phương tiện được nhanh chóng. Qua đó, tạo lập thế trận phòng thủ liên hoàn trong các khu vực phòng thủ địa phương và địa bàn toàn Quân khu.
Một điểm nữa, tôi muốn nói thêm là, những dự án có vướng mắc liên quan đến yếu tố QPAN đều được thông qua Thường vụ Đảng ủy Quân khu, nhằm thống nhất điều chỉnh, di dời cho phù hợp; bảo đảm tạo điều kiện cho địa phương phát triển KTXH, góp phần củng cố QPAN ở từng địa phương và trên địa bàn Quân khu.
PV: Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị có nêu rõ là cần phải kiện toàn tổ chức phòng thủ dân sự, chủ động, kịp thời ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Đây có được coi là định hướng lớn trong việc xây dựng tiềm lực và thế trận quân sự vững chắc trên địa bàn 12 tỉnh Tây Nam Bộ không, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều: Đây là vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các lực lượng và toàn dân trên địa bàn với nhiều giải pháp đồng bộ. Trước những yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, tăng cường tiềm lực phòng thủ quân khu, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ngày càng vững chắc. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện tốt việc xây dựng, duy trì hoạt động đơn vị dân quân thường trực biên giới, đất liền, xây dựng dân quân thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Bên cạnh đó, chúng tôi chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương, lực lượng trên địa bàn đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện cho phát triển KTXH. Đồng thời chủ động điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sẵn sàng chiến đấu; tổ chức luyện tập sát nhiệm vụ, đối tượng, địa bàn tác chiến; nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của LLVT quân khu; kịp thời xử trí trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, khẳng định vai trò của lực lượng nòng cốt, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới lãnh thổ trên địa bàn 12 tỉnh Tây Nam Bộ.
PV: Xin cảm ơn đồng chí.
Trường Giang (thực hiện)