Lực lượng thọc sâu chiến dịch
Xe tăng 843 do trung uý Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội 4 xe tăng chỉ huy và xe tăng 390 (Lữ đoàn 203) dẫn đầu Lực lượng thọc sâu chiến dịch của Quân đoàn 2 tiến vào cổng Dinh Độc Lập.
Sinh thời Thiếu tướng Nguyễn Công Trang (1925 - 2015) có gần 30 năm chiến đấu, trưởng thành tại Sư đoàn 325. Ông nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị quân sự, nguyên Trưởng khoa Công tác Đảng, Công tác chính trị, Học viện Quốc phòng. Đặc biệt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ông là Phó chính ủy Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang) cùng với Bộ Tư lệnh chỉ huy Lực lượng thọc sâu chiến dịch tiến vào dinh Độc Lập. Tham gia bắt nội các của tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng không điều kiện, hồi 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975. Thiếu tướng Nguyễn Công Trang kể:
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 2 có hai nhiệm vụ: Một là tiến công tiêu diệt địch ở tả ngạn sông Đồng Nai, đánh chiếm các căn cứ Nước Trong, Long Bình, cầu Xa Lộ, hai chi khu Long Thành, Nhơn Trạch và Thành Tuy Hạ, căn cứ hải quân Cát Lái… đưa pháo tầm xa vào Nhơn Trạch bắn phá sân bay Tân Sơn Nhất. Nhiệm vụ thứ hai là tiêu diệt địch ở hữu ngạn sông Đồng Nai, vượt sông đánh chiếm quận 9, quận 4, phát triển tiến công đánh chiếm dinh Độc Lập và quận 1. Trong khi đó, trên hướng tiến công của Quân đoàn địch đã tổ chức phòng ngự mạnh với chiều rộng 86km và chiều sâu 68km: Gồm Lữ đoàn lính thuỷ đánh bộ 468, hai Lữ đoàn bộ binh là 1 và 4, Liên đoàn biệt động quân số 33, 18 tiểu đoàn bảo an, 4 Thiết đoàn xe tăng và xe bọc thép, 62 khẩu pháo các loại. Ngoài ra còn hàng vạn học viên hạ sĩ quan, sĩ quan của các trường thiết giáp, bộ binh, biệt kích nhảy dù của căn cứ Nước Trong, trường Cảnh sát quốc gia và các khu huấn luyện dồn về.
Để thực hiện nhiệm vụ thứ hai, Quân đoàn tổ chức một Lực lượng thọc sâu chiến dịch binh chủng hợp thành gồm: Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) hành quân bằng 50 xe ô tô bánh hơi cùng với một phần lớn Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 203, 1 tiểu đoàn hộ tống tăng và đại đội bộ binh (Trung đoàn 18) ngồi trên xe thiết giáp, Tiểu đoàn pháo binh 4 (Lữ đoàn 164), một số khẩu đội pháo 85 ly bắn thẳng, Trung đoàn pháo cao xạ 284 (thuộc Lữ đoàn 673), một phân đội tên lửa phòng không A72, Tiểu đoàn công binh 2 và đại đội cầu phà (Lữ đoàn 219) và Trung đoàn 18; tổng cộng gần 400 ô tô, xe pháo các loại. Lực lượng này do Sở chỉ huy tiền phương của Quân đoàn trực tiếp chỉ huy. Cách đánh chủ yếu là đột phá trong hành tiến, bằng sức mạnh binh chủng hợp thành, nhất là uy lực của xe tăng, bộ binh cơ giới, phát triển tiến công thật nhanh với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” theo mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp: “Thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Bộ Tư lệnh Quân đoàn làm Lễ trao cờ Quyết thắng cho Lực lượng thọc sâu tại một khu rừng cao su phía Tây Bắc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Được Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh cho phép nổ súng trước một ngày, nên đúng 17 giờ, ngày 26-4-1975 cuộc tiến công của toàn Quân đoàn trên hướng Đông và Đông Nam Sài Gòn bắt đầu. Địch đối phó quyết liệt bằng xe tăng bịt các cửa mở, máy bay ném bom, bộ binh lợi dụng địa hình phản công. Các đơn vị pháo cao xạ, tên lửa phòng không của ta vừa hành tiến vừa ngóc nòng bắn máy bay địch bảo vệ đội hình. Trời lại nắng gắt, hậu cần phải dùng hàng chục xe téc chở nước sạch tiếp tế cho bộ đội ăn uống, sinh hoạt. Sáng ngày 29-4, khi Sư đoàn 304 tiến công ngã ba đường 15 thì Lực lượng thọc sâu cũng vào tới phía Đông căn cứ Nước Trong. Địch phá cầu sông Buông, ngăn chặn xe tăng của ta, hai trung đoàn bộ binh 9 và 24 phải vượt sông yểm trợ cho Tiểu đoàn 3 (Lữ đoàn công binh 219) khắc phục cây cầu dài 40 mét. Nửa đêm ngày 29-4, Tiểu đoàn 1 Tăng - thiết giáp dẫn đầu đội hình tiến đến Bắc cầu xa lộ Sài Gòn (trên sông Đồng Nai), bắt liên lạc với Trung đoàn Đặc công 116 đã chiến đấu giữ được cầu từ trước. Đây là một thắng lợi ban đầu mở ra hy vọng cho Quân đoàn sẽ tiến công làm chủ một phần Sài Gòn.
Vào hồi 4 giờ sáng ngày 30-4, Bộ chỉ huy phía trước của Quân đoàn triệu tập cán bộ chỉ huy các đơn vị trong Lực lượng thọc sâu để thống nhất về công tác quân sự, chính trị, hậu cần. Động viên tư tưởng, quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ, giữ nghiêm kỷ luật chiến trường và tác phong quân nhân khi tiếp xúc với nhân dân vùng mới giải phóng… Khoảng 9 giờ 30 hôm ấy, Quân đoàn điều tiếp Tiểu đoàn 5 xe tăng từ khu vực Thủ Đức cho Lực lượng thọc sâu. Cầu Sài Gòn do Đặc công bảo vệ nên địch không phá được, nhưng chúng vẫn bố trí lực lượng mạnh và chướng ngại vật ở bờ Nam. Khi xe tăng ta tiến vào đầu cầu phía Bắc, địch cho máy bay và 8 xe tăng, xe bọc thép lội nước, 6 tàu chiến hải quân dưới sông cùng các loại hoả lực bắn phá vào đội hình. Hai xe tăng của ta bị cháy, một số cán bộ, chiến sĩ hy sinh ngay trên cầu. Quân đoàn chỉ thị cho Tiểu đoàn pháo cao xạ phát huy hoả lực bắn máy bay không cho chúng ném bom phá cầu và hạ nòng cùng pháo 85 ly tiêu diệt tàu chiến địch dưới sông, Sư đoàn 304 đánh địch co cụm phía Tây cầu và tiếp tục cho xe tăng đột phá. Được chi viện tích cực, Lực lượng thọc sâu bắn cháy 2 xe tăng, 2 tàu chiến địch, đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch ở khu vục cầu Sài Gòn. Thừa thắng tiến vào cầu Thị Nghè tiêu diệt 4 xe M41 và M113 khác. Do chiến dịch phát triển quá nhanh, cơ quan tham mưu không chuẩn bị kịp bản đồ quân sự Sài Gòn nhưng bộ phận xe tăng đi đầu được biệt động thành và nhân dân chỉ đường tới ngã tư Hàng Xanh rồi quẹo vào đường Hồng Thập Tự, vượt qua 6 ngã tư tiếp theo đến ngã tư thứ 7 thì tới dinh Độc Lập, bắt sống nội các của tổng thống Dương Văn Minh, đầu hàng không điều kiện vào lúc 11giờ 30 phút ngày 30-4-1975.
Thịnh Quang