Luật sư cần có tâm thật sự trong sáng

Trong số hàng trăm nghề thì nghề luật sư cũng là một nghề. Bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân chính là chức năng mà luật pháp đã xác định và giao phó cho luật sư. Vì thế, người luật sư phải có tâm thật trong sáng, phải vì thân chủ, vì công lý, công bằng xã hội, Nhiều luật sư bằng tài năng, trí tuệ và nhân cách tốt đẹp của mình, có những cống hiến cho việc xây dựng nền tư pháp công bằng, dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền... Những đóng góp đã tạo dựng hình ảnh và truyền thống tốt đẹp của đội ngũ luật sư và có thể nói, nhiều người dân đã đặt niềm tin vào luật sư khi họ chính thức có lời mời tham gia bảo vệ quyền và lợi ích của họ khi bị ai đó, tổ chức nào đó xâm phạm.
Tuy nhiên, không phải luật sư nào cũng có cái “tâm” trong sáng, giữ được chữ “tín” đối với thân chủ của mình. Nhiều bạn đọc đã băn khoăn trăn trở khi bộc bạch về một số luật sư nhận lời tham gia bảo vệ quyền và lợi ích cho họ, nhưng sau khi chính thức có đơn mời, sau đó họ rất thất vọng. Bởi khi mời luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích, thông thường phải trả một khoản phí nhất định theo thỏa thuận cho luật sư làm “lộ phí” đi lại để lấy thông tin, tài liệu, làm việc với cơ quan chức năng... cho sáng tỏ vụ việc; thậm chí có thỏa thuận khi thắng kiện phải trả phần trăm.
Minh chứng này, một số người dân (xin giấu tên), ở huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên bị thu hồi đất làm khu công nghiệp. Chính quyền lập phương án đền bù không đúng và thỏa đáng với chính sách của Nhà nước, nên đã có đơn khiếu nại. Tuy nhiên, cách giải quyết khiếu nại của chính quyền đối với người bị thu hồi đất không thỏa đáng, dẫn đến người dân nhờ luật sư “can thiệp”, làm rõ chân lý.
Sau khi có đơn mời luật sư của Công ty luật X ở TP Hà Nội, những hộ dân này đã phải nộp một khoản phí ban đầu 10 triệu đồng/hộ để luật sư có “lộ phí” đi lại. Thế nhưng khi nhận tiền của “thân chủ”, vị luật sư đó cũng không làm gì cho thân chủ của họ. Bẵng đi hàng tháng trời không thấy luật sư làm việc theo đơn mời của mình, các hộ dân đã liên tục điện thoại thúc giục nhưng điện thoại của luật sư công ty X tắt ngóm, không thể liên lạc được. Họ đành kéo nhau đến tận trụ sở công ty tìm vị luật sư kia, nhưng được các nhân viên của công ty cho hay “đang đi công tác miền Nam”…
Còn một thương binh ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã ra tận tòa soạn Báo CCB Việt Nam phản ánh liên quan đến việc tranh chấp đất trồng rừng cao su, bác phản ánh: “…Tôi có mời và đưa tiền cho một luật sư ở Văn phòng luật sư Z, thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội bảo vệ công lý cho tôi, số tiền 30 triệu đồng nhưng sau khi đưa tiền cho luật sư, cũng không thấy vị luật sư này làm gì bảo vệ công lý cho tôi cả. Nhiều lần điện thoại thì số máy luôn trong tình trạng… “ngủ”, không liên lạc được, đành phải đến tận trụ sở văn phòng vị luật sư để đòi lại tiền. Tuy nhiên tiền đưa một cục, nhưng đòi lại thì trả… nhỏ giọt” - bác thương binh than vãn!
Đó mới chỉ là một trong số ít những người dân vướng vào vòng lao lý, chót mời luật sư tham gia bảo vệ công lý cho mình, nhưng việc thì không thành mà “tiền mất tật mang”, khiến cho cuộc sống đã khổ càng khổ hơn khi mà chính đồng tiền đưa cho luật sư là tiền phải đi vay mượn…
Trong số hàng nghìn luật sư thì không phải luật sư nào cũng như hai trường hợp trích dẫn nêu trên. Đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”… cho nên, hơn bao giờ hết, khi người dân mời luật sư cần cân nhắc kỹ và có thỏa thuận rõ ràng…, tìm đến những văn phòng luật sư có “tâm” và “tín” cao.
Chính Nhi