Luật Công nghiệp Quốc phòng An ninh và Động viên công nghiêp: Cơ sở pháp lý để xây dựng nền CNQP hiện đại
Sản xuất dây cháy chậm tại Nhà máy Z121 TCCNQP.
Những năm qua, Công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng. Sản phẩm CNQP ngày càng đa dạng, lưỡng dụng, bảo đảm chất lượng, góp phần tự chủ bảo đảm vũ khí trang bị, từng bước hiện đại hóa Quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên trong bối cảnh mới, để tiếp tục huy động tối đa thành tựu của nền công nghiệp quốc gia phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh cần thay đổi, bổ sung các chính sách, quy định để có các căn cứ thực hiện, hạn chế các bất cập; xây dựng các quy định, hành lang pháp lý để định hướng phát triển CNQPAN trong tương lai, đáp ứng với yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh (CNQPAN) và động viên công nghiệp (ĐVCN) chính là để đáp ứng yêu cầu đó.
Theo Thiếu tướng Lương Thanh Chương - Phó chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng: Sau 20 năm triển khai Pháp lệnh ĐVCN và 15 năm thực hiện Pháp lệnh CNQP đã đạt được nhiều kết quả và thành tựu quan trọng. Nổi bật là tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân về xây dựng và phát triển CNQP, về thực hiện nhiệm vụ ĐVCN. Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động CNQP, ĐVCN ngày càng được nâng cao; cơ cấu và tổ chức lực lượng CNQP từng bước được củng cố và phát triển. Sự gắn kết giữa CNQP và công nghiệp dân sinh có bước đổi mới, góp phần quan trọng duy trì năng lực sản xuất quốc phòng và đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, công nhân lành nghề tăng mạnh về số lượng và chất lượng; hoạt động khoa học công nghệ ngày càng phát huy vai trò phục vụ đắc lực nhiệm vụ nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới; tạo đột phá về năng lực sản xuất. Đồng thời, hợp tác quốc tế về CNQP có nhiều đổi mới, phát triển, trở thành trụ cột trong đối ngoại quốc phòng, góp phần quan trọng bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa.
Tuy nhiên, bên cạnh tạo ra những kết quả quan trọng vừa nêu, Pháp lệnh ĐVCN và Pháp lệnh CNQP cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trong đó nổi bật là: Thứ nhất, chưa kịp cập nhật, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về xây dựng và phát triển CNQP được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị; hai là, một số quy định của Pháp lệnh chưa thống nhất, chưa đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội thông qua thời gian gần đây như Luật Quốc phòng 2018 và Luật Công an nhân dân 2018 về nội dung CNQPAN; Luật Doanh nghiệp 2014 về quản lý, cung cấp thông tin doanh nghiệp…; ba là, một số cơ chế, chính sách quy định trong Pháp lệnh chưa đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng và phát triển CNQP trong tình hình mới, chưa sát với thực tiễn phát triển KTXH, QPAN của đất nước hiện nay. Có thể kể một số ví dụ như: Vấn đề hợp tác quốc tế, trong Pháp lệnh CNQP chỉ mới quy định về nhập khẩu, chưa có quy định về xuất khẩu sản phẩm CNQP. Trong khi đó, thực tế CNQP Việt Nam đã bắt đầu tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm ra thị trường thế giới. Về cơ chế thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cho CNQP chưa tạo được sức hút, hiệu quả, nhất là trong bối cảnh có sự cạnh tranh mạnh mẽ trong chính sách thu hút nhân tài của các doanh nghiệp...
Để tạo được hành lang pháp lý cho các đơn vị sản xuất vươn lên mạnh mẽ hơn và hội nhập sâu với quốc tế, mong muốn chung của các đơn vị sản xuất quốc phòng hiện nay đó là sớm ban hành Luật CNQPAN và ĐVCN. Theo Đại tá Phạm Văn Riệp - Bí thư Đảng ủy Nhà máy Z175, Tổng cục CNQP: Trong Luật, cần có những quy định cụ thể về những chính sách ưu tiên của Nhà nước trong việc bố trí ngân sách cho xây dựng và phát triển CNQPAN theo quy hoạch, kế hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt và khả năng ngân sách nhà nước theo từng thời kỳ; ưu tiên bảo đảm ngân sách cho nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng, kinh tế...
Tại phiên làm việc toàn thể Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV (tháng 11-2023), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Phan Văn Giang - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật CNQPAN và ĐVCN. Báo cáo trước Quốc hội, Đại tướng Phan Văn Giang đã nêu rõ các cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn và tính cấp thiết xây dựng dự án Luật CNQPAN và ĐVCN.
Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định: Mục đích xây dựng Luật là nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển CNQPAN và ĐVCN trước mắt và lâu dài. Bao gồm cả bảo đảm cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng. Từ thực tiễn các cuộc chiến tranh xung đột trên thế giới những năm gần đây, nhất là cuộc xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine và xung đột Israel - Hamas; dự báo chiến tranh trong tương lai và yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm TTATXH trong tình hình mới, đặt ra yêu cầu phải xây dựng tiềm lực CNQPAN hiện đại, lưỡng dụng, thực hiện ĐVCN rộng khắp để chủ động ngăn ngừa từ sớm, sẵn sàng đánh bại mọi hình thái chiến tranh xâm lược.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội đánh giá hồ sơ Dự án Luật đã bảo đảm tính hợp hiến, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Một số ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc - xây dựng, phát triển CNQPAN và ĐVCN là sự nghiệp của toàn dân, gắn với huy động tối đa mọi nguồn lực của đất nước; quy định rõ hơn về nguồn lực tài chính
Đến nay, dự thảo Luật CNQPAN và ĐVCN được hoàn thiện gồm 7 chương, với 73 điều; có bổ sung các quy định mới như: Huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài LLVTND có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ tham gia đầu tư phát triển CNQPAN và thực hiện nhiệm vụ ĐVCN, tham gia sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho LLVTND; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế.
Nguyễn Pháp