Luật Báo chí (sửa đổi) thể hiện tinh thần Hiến pháp 2013

Ngày 17-9, trong phiên họp thứ 41, từ ngày 14 đến 24-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết nhiều nội dung, trong đó có việc cho ý kiến về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Báo chí (sửa đổi), nêu rõ: Sửa đổi Luật Báo chí hiện hành là để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và để các quy định của pháp luật về báo chí hiện hành phù hợp với các yêu cầu mới do Hiến pháp năm 2013 đặt ra, như các vấn đề: Đảm bảo thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; quyền tiếp cận thông tin của báo chí; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp thông tin cho báo chí; các hành vi, nội dung bị cấm thông tin trên báo chí để bảo đảm “tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng; sức khỏe hoặc đạo đức xã hội”.
Qua 16 năm thi hành, Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy. Báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình và chất lượng thông tin. Tuy nhiên vẫn cònnhững vấn đề đáng lo ngại như: Cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; thông tin sai sự thật có chiều hướng ngày càng tăng; xu hướng “thương mại hoá” chậm được khắc phục; thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục vẫn diễn ra. Nhiều thông tin trên báo chí thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; nhiều nội dung tin bài giật gân, câu khách; tính trung thực của báo chí bị giảm sút; đưa tin dày đặc về tội ác và những hành vi vi phạm đạo đức xã hội; đạo đức nhà báo bị giảm sút. Quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí, các hành vi bị cấm, cung cấp thông tin cho báo chí, vai trò quản lý nhà nước, vai trò của cơ quan chủ quản báo chí... chưa điều chỉnh kịp thời những nảy sinh trong thực tiễn hoạt động báo chí, chưa phát huy được hiệu lực và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí giai đoạn hiện nay; quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí nhưng cơ chế đảm bảo quyền này chưa cụ thể…
Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này gồm 6 chương với 60 điều, trong đó có 31 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành đã nhận được sự tán thành cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là sự cần thiết, các quan điểm sửa đổi Luật gắn liền với việc thể hiện tinh thần của Hiến pháp 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin.
Những vấn đề lớn được sửa đổi, bổ sung đã nhận được các ý kiến thảo luận, bao gồm quy định về một số đối tượng được thành lập cơ quan báo chí, loại hình hoạt động của cơ quan báo chí, chức danh người đứng đầu, Tổng biên tập cơ quan báo chí. Đặc biệt là quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí... Vấn đề quan trọng là đạo đức nhà báo, những quy định đối với nhà báo; quy định xử lý vi phạm của các cá nhân, kể cả blog hay ăn cắp thông tin giữa báo này với báo khác. Tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động và tăng quyền tự chủ cho các cơ quan báo chí…
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành cao với quan điểm một số trang thông tin điện tử không phải là báo chí vì thế không đưa vào dự luật. Mặt khác, để phù hợp với chủ trương quy hoạch hoạt động báo chí, mô hình báo chí được ủng hộ với mục tiêu do một cơ quan có nhiều loại hình báo chí, nhiều ấn phẩm, vì vậy, sẽ có Tổng giám đốc phụ trách chung, còn sau đó là Tổng biên tập, Phó tổng biên tập phụ trách riêng từng ấn phẩm hoặc nhóm ấn phẩm, loại hình hoặc một nhóm loại hình báo chí. Đồng thời, các thành viên UBTVQH cũng đề cập tới hình thức báo chí điện tử hiện phát triển rất mạnh và cho rằng cần có sự quan tâm đúng mức với loại hình báo chí này khi có tính tương tác cao và là kênh hữu hiệu để người dân thể hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Tô Kiều Thẩm (tổng hợp)