Luận bàn: Vàng nhảy múa, do đâu?
Gần 25 năm qua, thị trường vàng (TTV) Việt Nam luôn biến động và không theo bất cứ một quy luật nhất định nào. Hãy xem lại, “các mốc” tăng giá trên TTV.
20 năm đầu thế kỷ XXI, vàng liên tục tăng; từ năm 2013 giá liên tiếp 3 năm; từ năm 2016-2018 chững và khá ổn định, nhưng từ năm 2019 trở lại đây thì tăng, đến tăng đột biến, nhất là vàng SJC tăng “chóng mặt”. “Đỉnh điểm” như ngày 27-12-2023, giá vàng trong nước liên tục được các công ty vàng bạc đá quý điều chỉnh lập đỉnh mới, vàng SJC tiếp tục vượt mốc 80 triệu đồng/lượng.
Trước cơn “co giật” của TTV, nhiều chuyên gia kinh tế ngỡ ngàng, đánh giá đây là "mức giá kỳ cục, gần như đấu giá".
Theo các chuyên gia vàng sẽ còn tăng giá trong 2024 nếu tình hình kinh tế thế giới còn bất ổn. Minh chứng là ngày 4-1-2024, trong khi giá vàng thế giới giảm, giá vàng trong nước vẫn tiếp tục tăng mạnh lên gần hơn với ngưỡng 76 triệu đồng/lượng bán ra.
TTV biến động, nguyên nhân, trước hết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và biến động địa chính trị. Việt Nam, dù quy mô và tiềm lực nền kinh tế còn nhỏ bé nhưng độ mở lớn nên vẫn chịu tác động, chi phối mạnh từ bên ngoài.
Giá vàng “điên đảo” tác động xấu đến nền kinh tế, không chỉ là chuyện “lời - lỗ”, riêng tư của những người mua vàng, cất giữ tài sản bằng vàng, mà tình trạng “găm vàng” nhiều còn làm giảm lưu thông tiền và cản trở sự phát triển kinh tế; tạo ra tâm lý “tìm đến vàng như một phương tiện lưu trữ giá trị”, thay vì gửi tiền vào ngân hàng hoặc mua hàng hóa, dịch vụ để kích thích tăng trưởng kinh tế. Việc này không chỉ giảm lưu thông tiền mà còn tạo ra áp lực tăng giá trên nhiều loại hàng hóa khác, nhất là thị trường bất động sản nhà đất, khiến cho tình trạng càng ảm đạm hơn...
Chính vì những tác động tiêu cực của TTV, ngày 27-12-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1426/CĐ-TTg, đưa ra yêu cầu mạnh mẽ: “Dứt khoát không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia”.
Chính phủ cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân làm biến động của TTV là hội chứng “đám đông”; đặc biệt là vai trò của Nhà nước, với tư cách là quản lý bằng “bàn tay mềm”.
Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ Ngành Ngân hàng năm 2024 diễn ra ngày 3-1, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những chia sẻ về quản lý TTV miếng. Theo Phó thống đốc NHNN - ông Đào Minh Tú, không chấp nhận sự chênh lệch giá vàng với thế giới lên đến 20 triệu đồng/lượng như trong thời gian qua. Việc giá vàng thế giới tăng 1, trong nước tăng 3 là không thể chấp nhận được.
Cũng vì biến động tiêu cực của TTV, tại Công điện 1426/CĐ-TTg ngày 27-12-2023 về các giải pháp quản lý TTV, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN tổng kết thực hiện Nghị định 24/2012 (sau đây viết tắt là Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; lẽ ra phải sửa sớm hơn .
Cần nhắc lại, trước đây Nghị định 24 ra đời để chống “vàng hóa”, ổn định tỷ giá nhưng hiện nay tỷ giá không còn bị ảnh hưởng bởi vàng nữa, mà chủ yếu do xuất nhập khẩu, sự tham gia vào chuỗi giá trị thế giới của hàng hóa Việt Nam. Do đó, NHNN có thể xem xét trả lại TTV miếng SJC giống như vàng nhẫn. Chống độc quyền vàng miếng SJC và điều hành vàng theo nguyên tắc thị trường được các chuyên gia khuyến cáo.
Theo các chuyên gia kinh tế, Nhà nước cần có cơ chế đưa TTV nhẫn 9999 trở thành thị trường phổ biến. Đây là điều hết sức cần thiết và là nhu cầu chính đáng cho số đông người lao động có thu nhập trung bình để họ bỏ tiền vào đấy, bên cạnh các kênh khó có khả năng tiếp cận là thị trường chứng khoán và bất động sản.
Tất nhiên, NHNN có thể lo ngại khi thực hiện cơ chế trên thì hiện tượng “vàng hóa” có thể trở lại tác động đến nền kinh tế. Do đó, để chống “vàng hóa”, Nhà nước cần phải cấm hiện tượng huy động vàng và cho vay bằng vàng từ các ngân hàng thương mại (NHTM). Nếu đảm bảo được việc các NHTM không huy động vàng, không được cho vay bằng vàng như trước đây thì trả lại vàng miếng SJC lưu thông một cách bình thường là hợp lý.
Theo thông tin mới nhất, NHNN sẽ trình Thủ tướng ngay trong tháng 1-2024 báo cáo tổng kết, đánh giá về công tác quản lý TTV và định hướng thay đổi chính sách. Trong đó, cơ quan quản lý chỉ quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng. Dù nỗ lực, nhưng thách thức đặt ra với quản lý TTV là không nhỏ vì sự bất thường của giá vàng có yếu tố khách quan. Khi cung ít và cầu nhiều dễ dẫn đến đầu cơ, tích trữ, găm vàng đẩy giá, vượt xa với giá trị thực của nó.
Hơn nữa biến động giá vàng miếng còn liên quan đến lãi suất ngân hàng và thị trường nhà đất đang tăng trưởng chậm hiện nay.
Từ Tâm