Luận bàn: “Tự nguyện từ chức”, từ góc độ kinh tế
Bộ Chính trị vừa ban hành Thông báo số 20-TB/TW ngày 8-9-2022 kết luận về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Thông báo nêu rõ: “Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định”.
Trước đó, ngày 3-11-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với đội ngũ cán bộ nói chung. Theo đó, từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Không phải cán bộ nào cũng được tự nguyện từ chức, đối với những trường hợp vi phạm kỷ luật nặng thì phải xem xét miễn nhiệm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức được căn cứ vào một trong 4 trường hợp sau: “1. Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. 2. Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng. 3. Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định. 4. Vì lý do chính đáng khác của cá nhân”. Như vậy, không phải ai cũng được “tự nguyện xin từ chức”. Đặc biệt, với Thông báo số 20-TB/TW thì càng khẳng định quan điểm rõ ràng, quyết liệt của Đảng đối với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; họ không chỉ phải là đầu tàu, nêu gương trong mọi lúc, mọi nơi mà còn phải tự giác, tự nguyện nêu gương thực hiện văn hóa từ chức.
Nhưng tính hiệu quả của việc khuyến khích cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược xin từ chức đến đâu? Từ khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền (năm 1945) cho đến nay, kể cả lúc đất nước còn chiến tranh gian khổ hay đến lúc hòa bình, kinh tế khá lên thì chuyện ‘tự nguyện từ chức” của cán bộ vẫn còn rất ít. Nói một cách chính xác là trong hệ thống chính trị của nước ta, văn hóa từ chức chưa phát triển, chưa trở thành “nền tảng tinh thần” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì sao như vậy?
Trước hết, vì Việt Nam là một quốc gia đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử phong kiến. Người Việt Nam rất trọng danh, nhất là chức quan. “Một người làm quan cả họ được nhờ” vẫn là tâm lý truyền thống mà mặt tiêu cực của nó không dễ gì gột rửa. Có quyền là có tiền, có danh sẽ có lợi. “Nói có người nghe, đe có người sợ”. Phải nhìn rõ, trọng danh là một truyền thống văn hóa của người Việt thì mới thấy được vì sao người ta “tham quyền cố vị”, có lòng tham vô đáy với quyền lực. Cái gì đã trở thành văn hóa thì rất khó loại bỏ khỏi đời sống xã hội, tư tưởng trọng danh của người Việt cũng vậy.
Về mặt chính trị của vấn đề thì quyền lực luôn là một trong những khát vọng (và cả tham vọng) muôn thuở của con người, bất kể đó là người phương Đông hay phương Tây. Một nhà khoa học có tên tuổi đã từng nói: “Nhà khoa học xem thường quyền lực, họ chỉ coi trọng chân lý. Nhưng nếu không có một chức vụ nào đó, rất khó để triển khai các ý tưởng nghiên cứu khoa học”. Điều này cũng là một thực tế. Trong quá khứ, có rất nhiều nhà bác học lừng danh đã có những phát kiến vĩ đại mà chẳng cần một điều kiện nào. Nhưng khoa học - công nghệ ngày nay đã phát triển đến một mức độ mà nếu thiếu những điều kiện kinh tế - chính trị thì không thể tiến hành nghiên cứu được. Nhìn từ góc độ chính trị trong khoa học để thấy, không dễ gì cho quyết định từ bỏ một chức vụ quyền lực, nhất là khi người ta đã đạt đến vị trí “cán bộ chiến lược”.
Về mặt kinh tế thì ở Việt Nam chúng ta càng rõ hơn. Nền kinh tế còn ở mức thu nhập trung bình thấp, tiền lương của cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược vẫn chỉ bảo đảm đời sống cho họ và gia đình ở mức thấp. Nhưng khi đã giữ một chức vụ kha khá, thì họ có điều kiện để chăm lo cho gia đình tốt hơn rất nhiều. Ở đây, chúng tôi không muốn nhắc đến tham nhũng, mà chỉ là những khoản thu nhập ở ranh giới chấp nhận được, như là chút quà biếu xén của cấp dưới; những khoản bồi dưỡng của cơ quan, đơn vị cho cán bộ; phong bì dự các hội nghị, hội thảo... Những khoản đó, chưa thể coi là tham nhũng, nhưng đối với cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh và cả cấp cao hơn, như “bổng lộc” để cuộc sống của gia đình cán bộ dư giả hơn. Nếu không giữ chức vụ, chỉ làm chuyên môn thì kể cả là chuyên gia hàng đầu, nghiên cứu viên cao cấp cũng không thể đạt được.
“Kinh tế quyết định chính trị”, đây là câu chuyện nghiêm túc. Ở một số quốc gia phát triển, sở dĩ họ có “văn hóa từ chức” vì kinh tế của họ phát triển, không làm quan thì làm việc khác, họ vẫn có thu nhập tốt; thậm chí ở một số quốc gia, lương của chuyên gia, nhà khoa học cao gấp nhiều lần lương quan chức có trình độ tương đương. Cho nên, khi thấy uy tín giảm sút hoặc vi phạm khuyết điểm, quan chức chủ động từ chức.
Ở nước ta, nếu chỉ “khuyến khích từ chức” mà không có những giải pháp kinh tế, chính trị, văn hóa đi kèm thì chắc chắn “văn hóa từ chức” chỉ là câu chuyện bàn giấy mà thôi!
Hậu Thanh