Luận bàn: Tinh gọn bộ máy - cơ hội và thách thức
Tinh gọn bộ máy - lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Tô Lâm không đơn thuần là cải cách hành chính. Đây là một cuộc cách mạng, một bước ngoặt quan trọng để Việt Nam chuẩn bị hành trang bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Nhưng, như mọi cuộc cách mạng khác, nó đòi hỏi quyết tâm chính trị mạnh mẽ, sự lãnh đạo kiên định và lòng dũng cảm vượt qua những rào cản của lợi ích cục bộ. Hãy hình dung một đất nước mà bộ máy vận hành tinh gọn như một cỗ máy chính xác, trong đó mỗi bánh răng đều phối hợp nhịp nhàng để phục vụ người dân và thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Đó là viễn cảnh Việt Nam đang hướng tới, để đạt được, cả dân tộc cần cùng nhau tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức trên hành trình có không ít gian nan này để mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc.
Trước hết, điều dễ nhìn thấy là, chỉ có tinh gọn bộ máy mới tiết kiệm được nguồn lực và tích lũy nội lực quốc gia. Vì trong bộ máy mỗi tầng nấc trung gian cồng kềnh là một “nút thắt cổ chai” làm chậm dòng chảy phát triển. Tinh gọn bộ máy để giải phóng những nguồn lực quý giá và tận dụng những cơ hội to lớn đang được mở ra.
Một bộ máy nhẹ nhàng, thông minh sẽ không bị cản trở bởi những quy trình phức tạp, rườm rà. Hãy tưởng tượng một hệ thống quản lý chính phủ điện tử hiện đại, nơi mọi quyết định được đưa ra dựa trên dữ liệu chính xác và tức thì, mang lại hiệu quả tối ưu. Đó không còn là giấc mơ xa vời mà sẽ trở thành hiện thực với quyết tâm cải cách.
Tinh gọn bộ máy giúp minh bạch hóa và tạo dựng niềm tin. Người dân không còn phải "đi lòng vòng" để giải quyết các thủ tục hành chính, không phải phàn nàn về những "cánh cửa khép hờ" của bộ máy. Một hệ thống minh bạch, hoạt động với nguyên tắc công khai và trách nhiệm giải trình, chính là cơ sở để khôi phục niềm tin - thứ tài sản vô hình nhưng cực kỳ quan trọng cho một quốc gia muốn vươn mình mạnh mẽ.
Tuy nhiên, những thách thức đang rình rập là không hề nhỏ.
Thách thức thứ nhất là sự kháng cự từ lợi ích cục bộ. Cuộc cách mạng này không phải là “sân chơi”bằng phẳng. Những rào cản từ lợi ích cục bộ - nơi các “nhóm nhỏ” cố giữ vững quyền lực và đặc quyền - giống như những viên đá lớn chắn ngang con đường đổi mới. Việc xóa bỏ những chồng chéo, bất hợp lý sẽ không dễ dàng khi chính những người đang hưởng lợi lại là rào cản.
Đồng thời rủi ro mất cân bằng chức năng nếu cải cách không thấu đáo cũng là một thách thức. Tinh giản không phải là cắt bỏ tùy tiện. Nếu không được thực hiện với sự cân nhắc kỹ lưỡng, một bộ máy nhỏ hơn có thể đánh đổi bằng sự yếu kém trong chức năng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự vận hành tổng thể.
Thách thức nữa là áp lực xã hội từ việc cắt giảm biên chế. Câu chuyện của những cán bộ, công chức đứng trước nguy cơ mất việc làm không chỉ là bài toán kinh tế mà còn là vấn đề xã hội. Trong một số địa phương, bộ máy chính là nơi tạo việc làm cho hàng nghìn người, nên việc tinh giản cần đi kèm với chính sách an sinh hợp lý.
Để dẫn dắt cuộc cách mạng tới thành công, quyết tâm chính trị là yếu tố cốt lõi. Nền tảng của quyết tâm chính trị là sự lãnh đạo kiên định của Đảng. Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ gọi đây là một cuộc cách mạng, mà còn khẳng định: Tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ chiến lược để xây dựng một Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Sự lãnh đạo kiên quyết, thống nhất từ T.Ư đến địa phương chính là mũi nhọn xuyên phá mọi rào cản. Sự chỉ đạo nhất quán này như một dòng thác mạnh mẽ, cuốn trôi những lợi ích cục bộ và tâm lý bảo thủ, mở đường cho một hệ thống chính trị vận hành minh bạch, hiệu quả.
Ngoài ra, để thành công, cuộc cách mạng này còn cần sự ủng hộ rộng rãi từ xã hội. Người dân sẽ chỉ ủng hộ nếu họ thấy được những lợi ích thiết thực mà cuộc cải cách mang lại. Đảng và Nhà nước cần công khai, minh bạch về lộ trình, mục tiêu và kết quả, tạo niềm tin và sự đồng thuận từ mọi tầng lớp nhân dân.
Ý chí chính trị và quyết tâm cải cách còn đến từ nhận thức về thời đại. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, tinh gọn bộ máy không phải là một lựa chọn, mà là một yêu cầu bắt buộc. Áp lực từ nhu cầu cạnh tranh quốc gia sẽ buộc bộ máy phải đổi mới. Sự lãnh đạo kiên quyết chính là để biến áp lực đó thành động lực hành động.
Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, chúng ta cần triển khai đồng bộ một loạt các giải pháp; mà giải pháp đầu tiên là cần xây dựng một lộ trình cải cách bài bản. Không có cuộc cách mạng nào thành công nếu không có kế hoạch rõ ràng. Làm rõ từng bước cải cách, xác đinh đúng ưu tiên cho các lĩnh vực trọng tâm, sẽ giúp quá trình tinh gọn trở nên hợp lý và tránh gây xáo trộn...
Hình ảnh một quốc gia năng động, sáng tạo và mạnh mẽ trên trường quốc tế chính là đích đến của cuộc cách mạng này. Để hiện thực hóa điều đó, tinh thần cách mạng, ý chí đổi mới và lòng quyết tâm cần được lan tỏa, không chỉ trong bộ máy nhà nước mà còn tới từng người dân Việt Nam.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng