Luận bàn: Thước đo để “tự soi - tự sửa”
Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị (viết gọn là Quy định 144) về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là sự tiếp nối quyết tâm của Đảng ta trong quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng thật sự vững mạnh, thật sự là người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nhất là trong tình hình thế giới luôn có những biến động khó lường trong giai đoạn hiện nay; còn trong nước, mặc dù có những thành tựu lớn về đổi mới, nhưng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống
Vì vậy, Quy định 144 là tấm gương để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa mình mỗi ngày. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự là người đi trước phát huy những yếu tố tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; lao động, sản xuất. Đảng viên phải là đi đầu trong việc đấu tranh với những sai trái và biết sửa sai, để thật sự là người đảng viên trung thành với lý tưởng như lúc tuyên thệ trong ngày được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.
Quy định 144 cũng nhằm nâng cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặc biệt là vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Phải gắn lời nói với việc làm cụ thể, giám nghĩ, giám làm, không thoái thác trách nhiệm, không nhận phần hơn, phần dễ về mình mà nhường việc khó, phần thiệt cho người khác, không lợi dụng chức vụ, quyền của mình để mưu cầu lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Trong giai đoạn hiện nay, Quy định 144 chính là thước đo đối với phẩm chất, đạo đức và năng lực của mỗi người cán bộ, đảng viên. Mặt trái của nền kinh tế thị trường cộng với lối sống thực dụng, lợi dụng vị trí và quyền lực của mình để hạch sách, nhũng nhiễu, tham ô tài sản của Nhà nước, khiến nhiều cán bộ, đảng viên ở các cấp từ T.Ư đến địa phương phải bị kỷ luật, phải bị xử lý hình sự, bị khai trừ ra khỏi Đảng. Đây là điều hết sức đáng tiếc, nhưng thể hiện sự không khoan nhượng, không có vùng cấm của Đảng ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đầy cam go và quyết liệt như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói.
Trong bối cảnh hiện nay, khi một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, người có trách nhiệm và quyền hạn luôn sợ trách nhiệm, không dám làm, làm việc cầm chừng, không hiệu quả, dẫn đến công việc chung không trôi chảy, nhiều dự án, nhiều công trình bị chậm tiến độ gây mất niềm tin trong nhân dân. Do vậy vai trò gương mẫu, xung kích, tinh thần trách nhiệm của đảng viên, của người đứng đầu cần được đặt đúng vị trí.
Trước khi có Quy định 144, Đảng ta đã có quy định 19 điều đảng viên không được làm. Nếu mỗi đảng viên đều thực hiện tốt 19 điều không được làm đó thì Đảng ta đã thật sự “là đạo đức, là văn minh”. Nhưng điều nguy hại là hiện nay trong một bộ phận cán bộ, đảng viên “đúng không dám bảo vệ, sai không dám đấu tranh” vì sợ trù dập. Đó là điều hết sức nguy hiểm. Tâm lý nói theo đám đông, làm ít, nói nhiều của một bộ phận cán bộ, đảng viên cũng là điều cần sớm phải khắc phục.
Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 144 trong giai đoạn hiện nay là một quyết định hết sức đúng đắn và kịp thời, thể hiện sự sáng suốt của Đảng ta trong từng thời điểm cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quy định 144 đi vào cuộc sống, biến thành suy nghĩ và hành động của từng cán bộ, đảng viên sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi mình, rèn luyện phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn của mình. Nhân dân khi được tìm hiểu quy định này cũng hết sức phấn khởi và đồng tình với Đảng, Nhà nước về việc cần làm để chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay.
Để Quy định 144 đi vào cuộc sống, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải dũng cảm nhận thức đầy đủ về những mặt ưu, khuyết điểm của mình, tự răn mình mỗi ngày, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, không để lợi ích vật chất do vụ lợi, do tham nhũng mà có sẽ làm hư hỏng chính mình.
Theo tôi, ở mỗi cấp bộ Đảng mà cụ thể từ mỗi Chi bộ phải có chương trình hành động cụ thể để thực hiện Quy định 144 của Bộ Chính trị một cách đầy đủ, có hiệu quả. Xây dựng và triển khai chương trình hành động phải có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ, để qua đó giúp cho cán bộ, đảng viên gắn liền giữa lời nói đi đôi với việc làm, khắc phục triệt để tình trạng làm dở nói hay, đùn đẩy trách nhiệm, mưu cầu lợi ích cá nhân, làm giàu bất chính và sống buông lỏng kỷ cương phép nước.
Chính vì những lý do trên, có thể khẳng định rằng, Quy định 144 của Bộ Chính trị ra đời vào thời điểm này thực sự là bước đi cụ thể hóa kỷ cương của Đảng trong việc rèn luyện và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.
Trần Quang Đẩu