Luận bàn: “Sao”, “quan chức” và hàng nội
Trước những thách thức của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, một vấn đề chiến lược là người tiêu dùng trong nước phải ưu tiên sử dụng hàng nội (tất nhiên, hàng nội phải đủ tiêu chuẩn, chất lượng tốt). Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đồng bào ta nồng nàn yêu nước nên rất muốn dùng hàng của ta sản xuất”.
Trong cơ chế thị trường hiện nay, một biểu hiện rõ nét của lòng yêu nước chính là người Việt ưu tiên dùng hàng nội. Tuy nhiên, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sau hơn 10 năm phát động vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có nguyên nhân công tác tuyên truyền ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thực sự “Khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam trong sử dụng hàng Việt Nam” như Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư T.Ư Đảng đã chỉ ra. Thời Pháp thuộc, nhà tư sản Bạch Thái Bưởi từng rất thành công trên phương diện khích lệ tinh thần dân tộc đến khách hàng là đồng bào Việt Nam. Có những dự án đầu tư, ông bị tư sản Pháp và thương nhân Trung Quốc chèn ép, đứng trước nguy cơ vỡ nợ nhưng nhờ biết tuyên truyền, quảng bá, đánh vào tinh thần dân tộc nên ông trụ vững và phát tài. Kinh nghiệm làm ăn của Bạch Thái Bưởi cho thấy, nếu khéo tuyên truyền, người dân nước ta sẵn lòng “khơi trong, gạn đục” để ưu tiên dùng hàng nội
Công tác tuyên truyền, quảng bá cho hàng nội là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến sự tham gia của các “ngôi sao” (người nổi tiếng) trong giới giải trí trong nước. Mỗi “ngôi sao” có tầm ảnh hưởng nhất định trong công chúng và thói quen sử dụng hàng hóa của họ ảnh hưởng rất lớn đến người hâm mộ, nhất là giới trẻ. Đáng nói là, các “ngôi sao” của nước ta hiện nay xuất hiện trước công chúng và trên các phương tiện truyền thông thường khoe hàng hiệu “sang chảnh” của nước ngoài. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hết “ngôi sao” này khoe xế hộp chục tỷ; “ngôi sao” kia khoe váy tiền tỷ; “ngôi sao” khác khoe túi, giày... giá cả trăm nghìn USD. Thậm chí, không ít “sao” tham gia quảng bá cho hàng giả, hàng kém chất lượng mà không để ý đến các quy định của pháp luật trong hoạt động này.
Bên cạnh đó, hiện nay đã có nhiều “ngôi sao” tích cực tham gia quảng bá cho Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hay các nghệ sĩ: Quyền Linh, Hạnh Thúy, Thành Lộc... Tuy nhiên, còn rất nhiều “sao hạng A” như các hoa hậu, siêu mẫu, nghệ sĩ, vận động viên thể thao còn đứng ngoài cuộc. Trong khi, trên nhiều diễn đàn, họ có khá nhiều phát ngônấn tượng về lòng yêu nước và ý thức dân tộc !
Trách nhiệm vận động các “sao” dùng hàng nội và quảng bá cho hàng nội thuộc về ai? Có lẽ các hội nghệ thuật, hội liên hiệp văn học - nghệ thuật và các cơ quan truyền thông đại chúng phải đặt ra và tìm cách trả lời.
Một bộ phận khác, cũng rất có tầm ảnh hưởng đến quần chúng, chính là đội ngũ “quan chức (cán bộ có chức, có quyền). Những người này không chỉ rất quan trọng, vì mỗi văn bản hay chỉ đạo miệng của họ đều ảnh hưởng rất nhiều đến xu hướng tiêu dùng của người dân. Nhưng trong khuôn khổ bài viết này, người viết muốn đề cập đến “sức mạnh mềm”, đó là chính phong cách tiêu dùng của “quan chức”. Chẳng hạn, các “quan chức” thường xuyên xuất hiện trên báo chí, truyền hình. Sẽ thật phản cảm khi trên người họ dùng toàn hàng hiệu của nước ngoài, trong khi họ lại thường xuyên kêu gọi người dân sử dụng hàng nội. Có lần, một quan chức cấp tỉnh, đã “bị” bạn đọc chỉ ra những đồng hồ, quần áo, giày mà họ mang mặc trên người đều là những thứ hàng hóa xa xỉ của các hãng thời trang nổi tiếng nước ngoài. Một “tấm gương” như vậy thì mọi lời kêu gọi hay chỉ đạo sẽ chỉ mang đến những tác dụng ngược.
Cho nên, muốn Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đạt hiệu quả thiết thực hơn nữa, rất mong các “ngôi sao” và “quan chức” chú trọng nêu gương!
Hoa Thanh